1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Kết thúc vòng loại World Cup:

Những số phận trái ngược

Khi Wome bước lên chấm phạt đền, có lẽ anh không thể tin nổi hậu quả của cú sút trượt lại khủng khiếp đến thế. Cameroon lỗi hẹn với World Cup 2006, còn bản thân hậu vệ của Inter trở thành "tội đồ" quốc gia trong mắt nhiều CĐV quá khích.

Không có chiến thắng nào lớn hơn chiến thắng nào, chỉ có trận thắng này quan trọng hơn trận thắng kia. Số phận của từng cầu thủ và đội bóng đôi khi cũng lên xuống không thể kiểm soát.

 

Pierre Wome - Người "đen" nhất lục địa đen

 

26 tuổi, từng có một mùa khoác áo Roma trước khi trôi nổi qua Bologna, Fulham, Espanyol, Brescia, Pierre Wome chỉ được đánh giá là một hậu vệ trái "thừa cơ bắp mà thiếu phẩm chất".

 

Vụ chuyển nhượng "như mơ" trong mùa hè 2005 (miễn phí) đã giúp anh có cơ hội tung hoành cùng Inter tại Champions League. Được chơi trọn hơn 90 phút trong trận thắng Rangers 1-0, đời của Wome như "lên mây", khiến không ít hảo thủ cùng vị trí phải thầm ghen tỵ.

 

Tuy vậy, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cú sút cực mạnh của Wome trên chấm 11m đưa bóng đi trung cột dọc ra ngoài ở đúng phút đá bù giờ thứ 5, chính thức tước đi chiếc vé tưởng chừng đang nằm gọn trong tay Cameroon, và trao cho Bờ Biển Ngà suất tới Đức.

 

Thậm chí tính mạng của anh đang bị đe dọa: "Thật không thể tin nổi, các fan đã đập phá những chiếc xe và ngôi nhà mà họ nghĩ đó là của tôi. Sự an toàn của tôi và gia đình đang bị đe dọa".

 

Mối quan hệ của Wome với một vài cầu thủ trong đội tuyển Cameroon cũng xấu đi rất nhiều, sau trận hoà 1-1 trước Ai Cập. "Tôi rất cáu Eto'o. Anh ấy đã nói không đúng sự thật. Là người thứ ba trong danh sách sút phạt đền, tôi buộc phải thực hiện trọng trách ấy vì cả Eto'o và đội trưởng, chẳng ai muốn đá cả".

 

 

Những số phận trái ngược  - 1
 

Kezman và những giọt nước mắt hạnh phúc

Mateja Kezman - Cỗ máy ghi bàn đang trở lại

 

Khẳng định tài năng ở PSV, nhưng chìm sâu trong dàn sao Chelsea, Mateja Kezman quyết ra đi để tìm lại chính mình ở Atletico Madrid - một CLB kém danh tiếng và thế lực hơn nhiều so với đại gia thành London trong thời điểm này.

 

Bàn thắng vào lưới Barcelona trong chiến thắng 2-1 của đội chủ sân Vicente Calderon tại vòng 3 Primera Liga đã cho thấy tiền đạo 26 tuổi khá sáng suốt.

 

Và anh còn chứng minh cái duyên làm bàn đã được khôi phục hoàn toàn. Kể từ đầu tháng 9 tới nay, qua 4 trận đấu then chốt ở vòng loại World Cup, trận nào Kezman cũng nhả đạn 1 lần, giúp Serbia giành trọn 6 điểm trước đối thủ cạnh tranh Litva, cầm hòa ngay trên sân Vicente Calderon trước Tây Ban Nha, và quan trọng nhất là bàn thắng vào lưới Bosnia ở lượt cuối, đem lại chiếc vé chính thức cho đất nước Serbia & Montenegro non trẻ.

 

Nếu không có pha dứt điểm này, hẳn Tây Ban Nha mới là đội đứng đầu bảng 7 sau chiến thắng "hủy diệt" 6-0 trên sân San Marino, trong đó có một hat-trick của Torres, hai bàn của Ramos.

 

Đêm thứ Bảy tới, Kezman sẽ sát cánh cùng Torres để chống lại Raul, Ramos trong trận derby thành Madrid. Và dù thế nào anh cũng được coi là "kẻ chiến thắng".

 

Hy Lạp - "Vua" băng hà

 

Những số phận trái ngược  - 2
  

Otto với nụ cười chua chát

 

Từ vị thế của ĐKVĐ châu Âu, Hy Lạp phải chịu xếp sau Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch ở bảng 2 vòng loại châu Âu - một kết quả quá yếu kém, "những vị thần đã mất phép".

 

"Chúng tôi đã bắt đầu vòng loại khi mà cảm giác lâng lâng chiến thắng tại Bồ Đào Nha vẫn chưa tan", HLV Otto Rehhagel rút ra bài học sau 3 trận đầu chỉ kiếm được 2 điểm, trong đó có thất bại bẽ bàng 1-2 trên đất Albania.

 

Hy Lạp thắng liền 4 trận tiếp theo nhưng thế vẫn chưa đủ vì Ukraina nước rút quá hay, còn Thổ Nhĩ Kỳ và Đan Mạch đã tìm được cách khắc chế được lối đá "cù nhầy" mà họ từng trình diễn ở Euro 2004.

 

Dù sao, các CĐV cũng không bỏ rơi Hy Lạp. "Các bạn mãi mãi là những nhà vô địch trong trái tim chúng tôi", "Cảm ơn những kỷ niệm, chúng ta sẽ trở lại", "Chiến thắng tại Bồ Đào Nha đã, đang và sẽ mãi mãi là niềm tự hào của chúng tôi", đó là các tấm băng-rôn treo la liệt khắp sân Karaiskaki trong trận cuối cùng, Hy Lạp hạ Gruzia 1-0.

 

Angola và Togo - Hai ngạc nhiên lớn nhất

 

Họ chỉ là những đội bóng nhỏ của lục địa đen. Thậm chí Angola còn chưa có nổi một chiến thắng tại bất kỳ một VCK giải vô địch châu Phi nào. Nhưng chính đội này đã vượt qua ông lớn Nigeria để có mặt tại ngày hội bóng đá của hành tinh.

 

Một phóng viên ở Angola đã kể lại, trong trận đấu quyết định trên sân Rwanda, đường phố ở thủ đô Luanda (Angola) sạch không một bóng người, và khi Akwa ghi bàn thì có cảm giác như dân chúng cả nước hò reo như sấm dậy.

 

Angola từng 8 lần vô địch bóng rổ lục địa đen và 7 lần vô địch bóng ném nhưng bóng đá thì hầu như trắng tay cho đến ngày hôm nay.

 

Với ngân sách từ xuất khẩu kim cương và dầu mỏ, hôm qua, chính phủ Angola đã không ngần ngại quyết định thưởng 1,3 triệu USD cho đội tuyển, trung bình mỗi thành viên nhận được 65.000 USD tùy theo số trận được chơi.

 

Trong khi đó, Togo, một trong những nước có diện tích và dân số bé nhất châu Phi, cũng đường hoàng giành vé trong nỗi thất vọng của đại gia Senegal.

 

Tổng thống nước này, Faure Gnassingbe vừa quyết định thưởng lớn và cho phép toàn bộ người dân được nghỉ hẳn 1 ngày để ăn mừng.

 

Việc Angola và Togo được chơi World Cup cho thấy châu Phi còn quá nhiều tiềm năng bóng đá chưa khai thác hết.

 

Theo Tiến Dũng

Vnexpress