1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

“Ngôi sao nhỏ” Triều Tiên và bản hùng ca ở Middlesbrough

(Dân trí) - Nhiều năm sau này, những người Triều Tiên vẫn nhắc tới bản hùng ca ở Middlesbrough (thắng Italia 1-0) như chiến tích vĩ đại nhất của bóng đá và thể thao nước này. Người Anh đã gọi Triều Tiên là “ngôi sao nhỏ”. Dù không quá nổi bật nhưng vẫn biết cách phát sáng một cách rực rỡ.

Năm 2003, khi Suzannah Clarke (nữ danh ca opera đầu tiên biểu diễn ở Triều Tiên) bước ra sân khấu, cô thực sự bị ấn tượng bởi niềm phấn khích tới tột độ của những người Triều Tiên khi nhắc tới Middlesbrough, nơi cô sinh ra và lớn lên.

NK1.png

Triều Tiên đã tạo nên bản hùng ca bất diệt ở Middlesbrough vào năm 1966

 

Nữ danh ca tới từ vùng Teesside đã nhận được lời mời chưa từng có trong sự nghiệp để tới Triều Tiên (đất nước vốn bí ẩn với toàn thế giới) đã thực hiện hàng loạt ca khúc thúc đẩy tình hữu nghị quốc tế. Không phải ai cũng có mối lương duyên như vậy với đất nước Triều Tiên ở thời điểm cách đây gần 2 thập kỷ.

Gần 12 tháng trước khi nhận được lời mời sang Triều Tiên biểu diễn, cô đã hát những ca khúc bằng tiếng Triều Tiên để chào đón 7 thành viên còn sót lại trong đội hình Triều Tiên làm nên lịch sử tại mảnh đất Middlesbrough ở World Cup 1966. Họ là chứng minh của lịch sử, của chiến tích huy hoàng và sống mãi trong lòng những người Triều Tiên.

SVĐ Ayresome Park, nơi chứng kiến Triều Tiên “nhỏ bé” quật ngã gã khổng lồ Italia để lần đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup trong lịch sử, giờ đây đã không còn hiện hữu. Những khán đài, mặt cỏ và cả bầu không khí cuồng nhiệt năm xưa đã được thay thế bằng bằng công trình đồ sộ có tên The Turnstile.

Nhưng ở giữa bãi cỏ thuộc khuôn viên của khu The Turnstile này vẫn còn ghi nhận dấu tích lịch sử. Nghệ sĩ Neville Gabie đã giúp những người Triều Tiên sống lại với quá khứ hào hùng bằng việc tạc nên chiếc giày bằng đồng. Nó được đặt ở chính vị trí mà huyền thoại Pak Doo Ik đã dứt điểm tung lưới Italia năm xưa.

Pak Doo Ik, người đã trở thành quân nhân sau đó, đã không thể kìm chế được những giọt nước mắt khi trở về nơi đã giúp ông làm nên lịch sử. “Đó là những ngày mà tôi phải học bóng đá, chứ không học về cách chiến thắng. Khi tôi ghi bàn thắng ấy, những người dân ở Middlesbrough đã giúp chúng tôi tới gần hơn trái tim của họ. Tôi hiểu được rằng bóng đá có thể giúp chúng tôi cải thiện quan hệ ngoại giao và thúc đẩy hòa bình” - huyền thoại của bóng đá Triều Tiên chia sẻ ở nơi từng xuất hiện SVĐ Ayresome Park năm xưa.

Trước thềm World Cup 2010, toàn đội Triều Tiên đã được tới thăm mảnh đất Middlesbrough để tìm lại niềm cảm hứng. Sau khi bay tới London, họ mất vài giờ di chuyển bằng tàu hỏa tới vùng Đông Bắc nước Anh. Theo ghi nhận của nhà báo Louise Taylor, những cầu thủ Triều Tiên lạc lõng tại xứ sương mù. Họ, với chiều cao khiêm tốn, gần như không thể giao tiếp với những người địa phương. Nhưng tình cảm của những người dân Middlesbrough đã sưởi ấm trái tim của những cầu thủ.

Neville Nichols, một người dân địa phương ở Middlesbrough vẫn còn nhớ như in thời khắc chứng kiến cú sốc lớn nhất lịch sử World Cup. Ông chia sẻ: “Mọi người tới sân để theo dõi Italia thi đấu. Nhưng Triều Tiên đã khiến chúng tôi không thể tin nổi. Pak Doo Ik đã ghi bàn thắng duy nhất giúp Triều Tiên chiến thắng. Bất cứ ai ở đó đều không thể tin vào mắt mình. Từ đó tới nay, chúng tôi vẫn nhắc lại trận chiến lịch sử này như bài học”.

1966-North-Korean-players-Middlesbrough-2002.jpg

Những cầu thủ còn sót lại của đội hình Triều Tiên ở World Cup 1966 được vinh danh ở Middlesbrough vào năm 2002

 

Cựu nhà báo Bernard Gent nhớ lại: “Khi mới vào sân, những CĐV Triều Tiên khá yên ắng nhưng tất cả đã thay đổi sau khi chứng kiến đội nhà vượt qua Italia. Toàn bộ thị trấn cũng hòa chung với niềm vui ấy. Đội Triều Tiên được xem như là người hùng thực sự trong mắt những người Middlesbrough. Tới mức, sau đó, 3000 người dân Middlesbrough đã di chuyển tới Liverpool để cổ vũ cho Triều Tiên ở trận gặp Bồ Đào Nha ở tứ kết”.

Sau này, niềm cảm hứng của đội Triều Tiên đã thúc đẩy nhà làm phim người Anh, Daniel Gordon thực hiện bộ phim tài liệu về câu chuyện thần kỳ của Triều Tiên ở World Cup 1966. Phải mất 4 năm, ông mới được cho phép nhập cảnh vào Triều Tiên nhưng sự chờ đợi càng thúc đẩy ông tạo nên những thước phim quý giá.

Bộ phim The Game of Their Lives (Trận đấu của cuộc đời) đã ra đời năm 2002 tạo nên tiếng vang lớn không chỉ ở Triều Tiên mà còn trên thế giới. Nó được đề cử vào hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất ở Anh vào năm 2003 và sau đó đều gây tiếng vang ở các liên hoan phim tại Sevilla (Tây Ban Nha) hay Seattle (Mỹ).

Nhà sản xuất Daniel Gordon nhớ lại: “Tôi muốn làm điều gì đó trung lập về đất nước Triều Tiên. Ban đầu, chính quyền ở đất nước này tỏ ra tò mò nhưng sau đó, họ rất hài lòng về những gì chúng tôi đã làm. Các cầu thủ Triều Tiên năm xưa thực sự hạnh phúc vì họ nghĩ rằng đã bị lãng quên với phần còn lại của thế giới. Câu đầu tiên họ hỏi tôi: “Ngài thị trưởng Middlesbrough còn sống không vậy?” Tôi hiểu rằng đã có tình cảm của những người Triều Tiên với mảnh đất Middlesbrough nhưng không nghĩ rằng nó kéo dài tới vậy”.

Và khi ông Daniel Gordon trở lại Triều Tiên trong buổi công chiếu phim vào năm 2002, ông đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của những người Triều Tiên. Chính quyền Triều Tiên cũng cấp phép cho những người chiến binh của đội tuyển Triều Tiên năm xưa được trở lại SVĐ Ayresome Park, để ôn lại lịch sử (nơi nữ danh ca Suzannah Clarke đã biểu diễn cho họ).

Một cậu bé đã tới Ayresome Park để xin chữ ký cho ông nội, vốn là CĐV Middlesbrough ủng hộ Triều Tiên năm xưa. Đó là điều mà chẳng tuyển thủ Triều Tiên nào có thể hình dung tới sau gần 40 năm trở lại mảnh đất này. “Có lẽ, những người Triều Tiên không nghĩ rằng những người Middlesbrough có thể dành cho họ tình cảm đặc biệt tới vậy sau từng ấy năm” - Daniel Gordon cảm động chia sẻ.

Những người Anh đã gọi là đội tuyển Triều Tiên là “ngôi sao nhỏ”. Dù không quá nổi bật nhưng nó vẫn biết tỏa sáng rực rỡ theo cách của riêng mình. Tới hàng thập kỷ sau, ánh sáng của vì sao ấy vẫn chưa tắt.

H.Long