1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Nghề Bình luận viên - Nước mắt và nụ cười

(Dân trí) - Dễ hiểu khi cái nghề nói trước hàng triệu người xem, luôn bị “soi” rất kỹ. Vì thế, dân BLV không ai vỗ ngực là mình giỏi nhất. Tất cả luôn phải tự học, học bằng sự yêu thích, học kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước, đôi khi còn phải đánh đổi nhiều thứ để theo đuổi nghiệp.

Từ những sự cố ai cũng có thể gặp

Sau khi những BLV có tiếng như Quang Huy, Quang Tùng, Long Vũ… không còn cất giọng thường xuyên trên sóng, nhiều BLV trẻ được tạo cơ hội thay thế trên các kênh thể thao. Không phủ nhận được rằng khuôn mặt và giọng nói của họ tạo nên sự mới mẻ cho chương trình bình luận nhưng cũng phải thừa nhận, trình độ chuyên môn của đội ngũ này vẫn chưa đem lại sự thoả mãn cho người xem, đôi khi còn khiến nhiều người phải bực mình.


Nghề Bình luận viên - Nước mắt và nụ cười



Với những người trẻ mới vào nghề, do thiếu kinh nghiệm, họ có thể phát âm thiếu chính xác, nhận định tình huống chưa chuẩn. Khi ngồi trước micro bình luận, các BLV thường kể lể dông dài về những thông tin thống kê bên lề nhiều hơn là bám theo diễn biến trận đấu. Đó là những lỗi thường gặp bởi họ chưa xác định được nhiệm vụ chính cũng như lựa chọn thời điểm để nói ra các hiểu biết của mình về bóng đá. Những lúc này, các ý kiến góp ý của các bậc đàn anh đi trước hay thậm chí của người hâm mộ sẽ giúp ích bình luận viên trẻ rất nhiều.

Trong khi đó, BLV Anh Ngọc (TTVH) lại có cái nhìn dễ tính hơn với những sai sót của các đồng nghiệp trẻ: “Đúng là khán giả hiện tại hơi khắt khe với các BLV, dù họ có thể có lý phần nào. Các BLV dù còn trẻ và có nhiều sai sót, nhưng họ yêu nghề và đã làm tất cả những gì có thể để phục vụ công chúng nên khán giả cần thông cảm và rộng lượng với họ”.

BLV là một phần của những ngày hội bóng đá, thể thao. Trên khía cạnh nào đó, họ đang là người của công chúng, mang tới gia vị cho mỗi trận đấu. Vì thế, những món ăn được các BLV chế biến, giúp trận đấu trở nên hấp dẫn hơn, nhưng không phải ai cũng làm tốt điều đó.

Lọt vào tốp 5 Người truyền lửa mùa 1- chương trình tìm kiếm và đào tạo bạn trẻ trở thành những BLV bóng đá chuyên nghiệp do K+ tổ chức, Hoàng Nam chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình với những đồng nghiệp tương lai đang thi Người truyền lửa mùa 2: “Bạn phải là người có kiến thức toàn diện, bình tĩnh trước những tình huống khó. Bên cạnh đó, việc tạo một phong cách riêng, rèn bản lĩnh và sức khỏe để có thể làm việc trong môi trường khắc nghiệt như nghề BLV”.

Đến những con đường rèn nên “Người truyền lửa”

Nhà báo Phan Đăng (CAND) không qua bất cứ trường lớp nào đào tạo nghề BLV, nhưng lại bình luận rất sâu sắc, để lại ấn tượng lớn với người hâm mộ những năm gần đây. Tuy nhiên, Phan Đăng thừa nhận ngoài việc tự mình học hỏi, đào sâu kiến thức, việc tham gia một lớp đào tạo với các kiến thức cơ bản, chính quy sẽ giúp các BLV trẻ tiến bộ nhanh hơn và nắm chuyên môn vững hơn.

Công ty Truyền hình số vệ tinh VN (VSTV) vừa phát động mùa thứ hai cuộc thi truyền hình Người truyền lửa - tìm kiếm và đào tạo những bạn trẻ trở thành những BLV bóng đá chuyên nghiệp. So với năm thứ nhất năm nay cuộc thi có quy mô mở rộng toàn quốc, gồm 3 vòng (vòng sơ loại, vòng loại chính thức, vòng thử thách kỹ năng) và một vòng đào tạo. Vòng sơ cấp tổ chức tại 4 tỉnh: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Gia Lai, Cần Thơ. 10 thí sinh vượt qua ba vòng thi này sẽ được tham gia vòng đào tạo kéo dài trong hai tháng tại Hà Nội.

Chia sẻ kinh nghiệm với những người chuẩn bị tham gia “Người truyền lửa” mùa 2, Xuân Tín bật mí, chắc chắn Ban giám khảo sẽ đưa ra nhiều thử thách, nên muốn vượt qua được, bạn phải là người có kiến thức toàn diện, chứ không chỉ là bóng đá.

Một thế hệ BLV tiếp theo của K+ tiếp tục đang được chờ đón, tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang đến những màu sắc mới đầy hấp với người hâm mộ. Họ là những người xuất sắc nhất, vượt qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe để xứng đáng ngồi vào cabin, xứng đáng là người truyền lửa cho hàng triệu trái tim yêu bóng đá.

PV