1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Nếu chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rút lui?

(Dân trí) - Nếu điều đó xảy ra thì có lẽ sự việc cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của bóng đá Việt Nam, vì thực tế là thời gian dài vừa rồi ông Dũng tập trung chữa bệnh, nên cũng không “tham chiến” nhiều trong việc lèo lái con tàu bóng đá nội.

Nửa nhiệm kỳ chưa thấy dấu ấn

Một thực tế khác không thể không đề cập, đó là nửa nhiệm kỳ ông Dũng ngồi ở ghế chủ tịch VFF, người ta cũng không thấy dấu ấn rõ rệt của ông.

Nếu có điều để nhớ đến ông Lê Hùng Dũng trong khoảng thời gian ông ngồi ở vị trí cao nhất, trong cơ quan quyền lực nhất của bóng đá nội, thì đó là hàng loạt phát biều gây sốc. Nhưng ngặt nỗi, hầu hết các phát biểu đấy không phải là định hướng tốt cho toàn bộ nền bóng đá.

Ví dụ như khi ông Dũng công khai nghi ngờ thái độ thi đấu của đội tuyển Việt Nam sau trận thua Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014, và muốn mời cơ quan chức năng vào cuộc để làm cho ra lẽ.

Sự việc một thời khiến cho cả nền bóng đá nghi kỵ lẫn nhau, còn một loạt ngôi sao của đội tuyển Việt Nam chán nản hết muốn công hiến cho đội tuyển.

Hoặc lúc ông Dũng dõng dạc tuyên bố muốn chọn lứa cầu thù U19 của bầu Đức gồm Công Phượng và các đồng đội làm nòng cốt tham dự tất cả các giải lớn nhỏ khác nhau, từ SEA Games 2015 cho đến vòng loại World Cup 2018.

Nếu chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) rút lui vào lúc này, tin rằng bóng đá Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều (ảnh: Trọng Vũ)
Nếu chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (trái) rút lui vào lúc này, tin rằng bóng đá Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều (ảnh: Trọng Vũ)

Lời tuyên bố của người đứng đầu VFF tiếp tục bỉ chỉ trích nặng nề, vì khi tuyên bố như trên, ông Dũng phạm sai lầm nghiêm trọng, khác nào chưa tuyển sinh đã công bố người trúng tuyển, bỏ qua nguyên tắc đội tuyển phải là nơi tập hợp những cầu thủ tốt nhất, chứ đội tuyển không phải là một CLB hoặc một lò đào tạo được mở rộng.

Dạo sau này thì ông Dũng có bệnh trong người, nên ông ít xuất hiện ở những sự kiện quan trọng, càng ít có những phát biểu mạnh miệng như lúc còn sung sức. Tuy nhiên, khi ông Dũng ít nói, thì bóng đá Việt Nam hóa ra lại ít dậy sóng hơn.

Ai thay ông Dũng?

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã có ý định rút lui. Đấy có lẽ cũng là điều nên làm, vì với việc chưa để lại dấu ấn đáng kể cho bóng đá Việt Nam, cộng thêm sức khỏe không được như trước, thì chuyện ông Dũng rút lui, tránh xa các áp lực có khi lại là điều tốt cho ông.

Nhưng ai thay ông Dũng vào lúc này mới là vấn đề đáng bàn với bóng đá nội. Trong số 3 phó chủ tịch (PCT) hiện tại của VFF, không vị nào đủ sức ngồi vào ghế quyền lực cao nhất của VFF.

Người thay ông Dũng ngồi ghế chủ tịch VFF, nếu có, phải là người hoặc có địa vị xã hội cao, hoặc phải là doanh nhân cực kỳ thành đạt (hoặc cùng lúc sở hữu cả 2 yếu tố càng tốt) - ảnh: Trọng Vũ
Người thay ông Dũng ngồi ghế chủ tịch VFF, nếu có, phải là người hoặc có địa vị xã hội cao, hoặc phải là doanh nhân cực kỳ thành đạt (hoặc cùng lúc sở hữu cả 2 yếu tố càng tốt) - ảnh: Trọng Vũ

Người thường xuyên quán xuyến hoạt động của VFF trong thời gian qua là PCT thường trực Trần Quốc Tuấn. Đây là nhân vật có chuyên môn, thừa nhiệt tình, nhưng bản thân ông Tuấn chỉ thích hợp làm cấp phó chứ không đủ “cơ” để ngồi ghế trưởng.

Ông Tuấn không phải là dạng nhân vật sẵn sàng đương đầu, trong khi người đứng đầu nền bóng đá đôi khi phải cực kỳ quyết đoán, dám làm, dám chịu. Ví dụ như hôm Hội nghị BCH VFF hồi trước Tết Nguyên đán ở TPHCM, khi chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng bất ngờ phải về nghỉ vì lý do sức khỏe, lẽ ra với cương vị PCT thường trực ông Tuấn nên điều hành Hội nghị.

Nhưng thời điểm ấy, PCT Trần Quốc Tuấn lại không điều hành, mà người cầm lái tại Hội nghị lại là PCT phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức. Dẫu sau đó, ông Tuấn có nêu lý do không ngồi ghế cao nhất trên bàn chủ tọa, nhưng như đã nói, với tư cách PCT thường trực thì việc ông Tuấn không điều hành khi chủ tịch vắng mặt, mọi lý do đưa ra đều không thỏa đáng và thiếu thuyết phục.

Bầu Đức càng không thích hợp ngồi ghế chủ tịch VFF. Cũng giống như chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, bầu Đức thường xuyên có những phát biểu mang tính cảm tính, thiếu luận cứ khoa học, lại không xứng tầm với vị thế của một PCT liên đoàn cấp quốc gia, nên đặt trường hợp bầu Đức mà ngồi ghế chủ tịch VFF, tổ chức này có khi lại có thêm sóng gió khác.

Người đủ sức cầm VFF thời gian tới vì thế sẽ là những người khác các nhân vật trên, hoặc là những người ở ngoài VFF hiện giờ,

Nhân vật đấy có thể hội đủ 1 trong 2 điều kiện (cả 2 càng tốt), đó là có địa vị và quan hệ xã hội mạnh mẽ như cựu chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lúc mới nhậm chức (chỉ tính lúc ông Hỷ mới nhậm chức thôi, chứ sau đó thì ông Hỷ lại rời ghế Thứ trưởng để về hưu, tức địa vị xã hội cũng mất đi), hoặc phải là doanh nhân cực kỳ thành đạt như ông Lê Hùng Dũng lúc mới đắc cử (sau đó thì ông Dũng cũng rời ghế chủ tịch HĐQT Eximbank, coi như không khác ông Hỷ dạo sau này).

Chỉ có những nhân vật cỡ đó mới đủ sức kết nối VFF với các ban ngành khác có liên quan, kêu gọi các nguồn lực xã hội, mới đủ sức dung hòa các mối quan hệ ở chính VFF.

Kim Điền

Nếu chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng rút lui? - 3