1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Mời ngôi sao quốc tế đến Việt Nam: Nguy cơ về sự phản cảm

(Dân trí) - Việc mời các cựu danh thủ bóng đá đến Việt Nam để quảng bá thương hiệu đang là “mốt” của những nhà tổ chức sự kiện hiện nay. Nhưng ở đời, cái gì làm lố quá đôi khi lại cho tác dụng ngược.

Mất hình tượng của sao

Lại phải nói về câu chuyện Beckham đến Việt Nam làm tiếp thị. Cựu danh thủ người Anh ghé nước ta 2 lần, lần đầu cách nay mười mấy năm để quảng bá cho một hãng dầu nhớt. Khi đó, dòng người cuồn cuộn đổ về sân QK7 (TPHCM) chỉ được thấy Beckham từ xa. Cũng khi đó, còn có luồng dư luận cho rằng đấy chỉ là Beckham… giả, nên những nhà tổ chức sự kiện không cho người xem lại gần.

Lần mới nhất, Becks lại đến Việt Nam và người hâm mộ cũng chỉ được nhìn từ xa. Ngay đến giới truyền thông cũng bị hạn chế tác nghiệp trong sự kiện này.

Đi kè kè theo Becks luôn là đội ngũ vệ sĩ được công ty tổ chức sự kiện thuê với con số nghe đồn là hàng chục ngàn USD. Chủ yếu, người hâm mộ chỉ được thấy hình ảnh của Becks loáng thoáng khi anh xuất hiện trước cửa của nơi anh dừng chân, hoặc khi cựu danh thủ người Anh bước lên, bước xuống xe.

Đấy có thể là cách mà những nhà tổ chức sự kiện muốn bảo vệ hình ảnh của thần tượng, nhưng cũng có luồng dư luận cho rằng đấy là một chiêu PR khác, bởi tâm lý của không ít người Việt Nam nằm ở chỗ càng bị cấm, càng bị bưng bít thì người ta càng tò mò.

Đa phần người ta chỉ được thấy Beckham từ xa tít
Đa phần người ta chỉ được thấy Beckham từ xa tít

Và lần mới nhất mà Beckham đến Việt Nam cũng chẳng liên quan gì đến bóng đá, anh đến để tiếp thị… rượu. Với nhiều người hâm mộ thể thao chân chính, việc một ngôi sao thể thao đi tiếp thi một dòng sản đang bị cấm quảng cáo dưới mọi hình thức tại Việt Nam chắc chắn khó chấp nhận.

Cách nay vài năm, HLV Calisto của ĐTVN cũng từng bị một bộ phận người hâm mộ tẩy chay, khi ông chấp nhận làm đại sứ hình ảnh cho một hãng bia tại Việt Nam.

Hình tượng của Becks cũng nhạt nhòa đi phần nào, qua cách mà những nhà tổ chức sự kiện Becks đến Việt Nam tổ chức có vẻ hơi… lố chuyện anh phải tránh xa ống kinh của giới truyền thông, và ánh mắt của người hâm mộ.

Mà ở đời, phương thức quảng cáo nào lố, tiếp cận với người tiêu dùng, với khán giả không khéo đều có thể dẫn đến chuyện sản phẩm đó bị tẩy chay, vì ngay từ đầu đã tạo cảm giác khó chịu.

Đa phần người ta chỉ được thấy Beckham từ xa tít
Và nếu những nhà tổ chức không biến sự kiện Beckham đến Việt Nam kiểu nửa kín, nửa hở, có lẽ đã không có tình trạng người ta liều lĩnh chụp hình Becks theo cách này

Thành ra, không phải cứ hễ mượn mác ngôi sao này ngôi sao khác là muốn tổ chức sao thì tổ chức, cứ làm như thể cả cộng đồng, từ người hâm mộ đến ngay cả các ngôi sao nội chỉ để phục vụ cho 1 ngôi sao ngoại!

Phơi bày những mặt trái nơi một bộ phận khán giả

Khi mời các ngôi sao ngoại quốc đến Việt Nam, cũng tức là những nhà tổ chức đang quảng bá một phần đất nước và con người Việt Nam đến với những ngôi sao ấy. Tuy nhiên, với cách tổ chức của một số công ty chuyên làm sự kiện, nhiều khi cho tác dụng ngược.

Ví như trường hợp của Beckham trong những ngày anh lưu lại Việt Nam, cựu danh thủ người Anh chắc chắn đã thấy một số hình ảnh rất phản cảm mà lẽ ra chúng ta không nên phơi bày trong mắt quốc tế.

Ví như cô gái vừa chở con, không đội mũ bảo hiểm, lại phóng xe bạt mạng để đuổi theo chiếc ô tô chở Beckham, thả 1 tay để chụp hình cựu danh thủ người Anh. Rồi chuyện một cô gái khác sẵn sàng chặn đường xe chở Beckham ở sân bay, cốt xin chữ ký thần tượng nhưng bất thành.

Có thể đấy là hành vi thiếu ý thức của một lớp khán giả hâm mộ quá lố các ngôi sao, nhưng chính cách tổ chức của công ty sự kiện cũng gây ra điều đó. Nếu họ không úp úp mở mở thông tin về Beckham, nếu họ không bảo vệ cầu thủ này theo kiểu nửa kín nửa hở, mà để anh đàng hoàng xuất hiện trước công chúng, có lẽ đã xảy ra cảnh các fan nọ liều lĩnh cả mạng sống để cố chộp một khoảnh khắc của Becks.

Năm ngoái, sự kiện cựu thủ môn Peter Schmeichel đến Việt Nam cũng diễn ra cảnh không hay, khi người hâm mộ và giới truyền thông thì bị hạn chế làm nhiệm vụ, trong khi các vệ sĩ được thuê trong sự kiện này luôn lên mặt với khán giả, thậm chí còn cố tình che ống kính của các phóng viên khi đang tác nghiệp, khiến cho bản thân Schmeichel cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Những người tổ chức sự kiện có lẽ đâu hình dung rằng làm thế làm mất mặt người nhà, rồi chưa kể người ta cũng sẽ nhìn vào đấy mà đánh giá rằng có một số nơi, một số người thường thích mượn các ngôi sao để làm ra vẻ với cộng đồng!

Trọng Vũ