1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Khi HA Gia Lai không còn phụ thuộc vào Công Phượng

(Dân trí) - Không cần Công Phượng trong đội hình xuất phát, HA Gia Lai vẫn chơi hay, và suýt chút nữa đã loại đội bóng mạnh CLB Hà Nội ra khỏi cúp quốc gia. Ở chiều ngược lại, việc không còn nghiễm nhiên có suất đá chính sẽ tạo động lực cho Công Phượng phấn đấu vươn lên.

Không chỉ có trận tứ kết lượt về cúp quốc gia với CLB Hà Nội, ở một vài trận trước đó, tính từ đầu mùa này, thỉnh thoảng Công Phượng cũng không được xếp đá chính thức trong đội hình HA Gia Lai.

Có điểm chung giữa những trận đấu đấy là khi Công Phượng không đá chính, sức mạnh tấn công của HA Gia Lai không hề giảm đi. Thậm chí, ngược lại, đội bóng phố núi còn dễ đá hơn, vì không phải tập trung bóng vào mỗi mình Công Phượng, mà các pha triển khai tấn công đa dạng hơn.

Ví dụ như trong trận tứ kết lượt về cúp quốc gia, với CLB Hà Nội hôm 15/5, Gỗ có 3 mũi nhọn nơi tuyến đầu là Minh Vương, Văn Toàn và Rimario. Bóng từ hàng tiền vệ của Gỗ không tập trung cho bất cứ mũi nhọn nào nói trên một cách thường xuyên, mà tuỳ vào vị trí cũng như khả năng chiễm lĩnh không gian của 1 trong 3 người nọ, ở từng thời điểm cụ thể, mà bóng được phát triển cho vị trí thoáng nhất.

Không có Công Phượng, Văn Toàn vẫn đủ sức gánh nhiệm vụ ghi bàn cho HA Gia Lai (ảnh: Gia Hưng)
Không có Công Phượng, Văn Toàn vẫn đủ sức gánh nhiệm vụ ghi bàn cho HA Gia Lai (ảnh: Gia Hưng)

Bàn thắng của Văn Toàn cho thấy điều đó, Minh Vương và Rimario di chuyển không bóng thu hút hậu vệ đội chủ nhà, để Văn Toàn tăng tốc băng lên từ vị trí ít ai ngờ nhất, nhận bóng rồi dứt điểm ghi bàn cho HA Gia Lai.

Đây là cách chơi mà chính Gỗ cũng khó thực hiện mỗi khi Công Phượng xuất hiện trên sân, bởi Công Phượng không có thói quen di chuyển làm “nền” cho người khác. Thói quen của Công Phượng là anh thích nhận bóng và thích đột phá rồi từ mình dứt điểm.

Một HA Gia Lai dám “cất” Công Phượng trên băng ghế dự bị là một HA Gia Lai đang tiến đến sự hiện đại hơn trong lối chơi, cũng như hướng đến việc tạo ra một môi trường cạnh tranh tích cực hơn cho tất cả các vị trí, rằng người có phong độ cao sẽ có chỗ đá chính, chứ không nhất nhất phải sắp đội hình theo những cái tên có sẵn.

Hàng tiền vệ của HA Gia Lai ít gặp áp lực phải dồn bóng cho Công Phượng, khi cầu thủ này không hiện diện trên sân, từ đó các hướng tấn công đa dạng hơn (ảnh: Gia Hưng)
Hàng tiền vệ của HA Gia Lai ít gặp áp lực phải dồn bóng cho Công Phượng, khi cầu thủ này không hiện diện trên sân, từ đó các hướng tấn công đa dạng hơn (ảnh: Gia Hưng)

Ở chiều ngược lại, đây cũng là điều tốt cho Công Phượng. Sau thất bại tại SEA Games 29 hồi giữa năm ngoái trên đất Malaysia, Công Phượng đã có ý thức sửa nhiều xung quanh thói quen chơi bóng của mình.

Nhưng vẫn chưa đủ, cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam (nổi tiếng nhất chứ không phải là xuất sắc nhất) vẫn còn tiếp tục sửa nữa, tiếp tục phải tiến bộ hơn nữa.

Công Phượng cần được đặt trong môi trường có tính cạnh tranh cao, để kích thích mạnh mẽ các tố chất của cầu thủ này, cũng như kích thích anh phải thay đổi tư duy chơi bóng cho hiện đại hơn, phù hợp với yêu cầu chung của bóng đá chuyên nghiệp.

Phượng phải ngồi trên băng ghế dự bị không có nghĩa là Phượng không có tiềm năng phát triển, mà vấn đề quan trọng nằm ở chỗ Công Phượng phải chứng minh mình phát triển nhanh hơn các đồng đội cùng trang lứa, chứ không phải ngược lại.

Kim Điền

Khi HA Gia Lai không còn phụ thuộc vào Công Phượng - 3