1. Dòng sự kiện:
  2. Góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia
  3. Hậu trường nhân vật thể thao

Inter vào Tứ kết C1 - Niềm kiêu hãnh hay tủi hổ nước Ý?

(Dân trí) - Là CLB Italia duy nhất tại Tứ kết Champions League, Inter được nhiều tifosi đặt nhiều kỳ vọng sẽ làm vẻ vang xứ Mỳ ống mùa này. Song với “đội hình 100% ngoại quốc” như trận gặp Chelsea vừa qua, không ít sự lo lắng dành cho nền bóng đá hùng mạnh Italia.

 

 
Inter vào Tứ kết C1 - Niềm kiêu hãnh hay tủi hổ nước Ý? - 1

Cambiasso và Zanetti - những tuyển thủ Argentina trong màu áo Inter.
 

Niềm kiêu hãnh của các tifosi…

 

Sau thất bại của Juventus ở vòng đấu bảng, cả nước Ý hồi hộp dõi theo bước tiến của AC Milan, Fiorentina và Inter Milan trước những đối thủ hùng mạnh Manchester United, Bayern Munich và Chelsea ở vòng 1/8 Champions League.

 

Sự lo lắng của giải đấu hàng đầu châu Âu này càng trở nên rõ nét khi lần lượt AC Milan, Fiorentina cay đắng rời cuộc chơi để lại một mình Inter cùng HLV Mourinho chinh chiến trong sức ép nặng nề từ giới truyền thông trong và ngoài nước.

 

Ở trận lượt đi, bộ đôi người Argentina, Diego Milito và Cambiasso đã lập công lớn giúp các nhà ĐKVĐ Serie A giành chiến thắng 2-1 tại Meazza. Tuy nhiên, sự căng thẳng vẫn còn nguyên khi Chelsea ghi được bàn thắng trên sân khách.

 

Hai tuần sau đó, trên sân Stamford Bridge, ở phút 78, từ đường chuyền của tuyển thủ người Hà Lan Wesley Sneijder, Báo đen Cameroon Samuel Eto’o đã ghi bàn thắng quyết định giúp Inter chiến thắng chung cuộc với tổng tỷ số 3-1.

 
Inter vào Tứ kết C1 - Niềm kiêu hãnh hay tủi hổ nước Ý? - 2

"Lính lê dương" tại Inter đã cứu giúp nước Ý khỏi "bẽ mặt".
 

Niềm vui như vỡ òa ra không chỉ với các CĐV áo sọc xanh đen mà còn với toàn nước Ý. Lần đầu tiên sau 3 năm chờ đợi, Inter đã góp mặt tại Tứ kết Champions League. Nhưng quan trọng hơn, đoàn quân HLV Mourinho đã giúp cho Italia, cường quốc bóng đá thứ 4 thế giới (theo BXH FIFA tháng 2/2010), khỏi muối mặt trước nguy cơ hai năm liên tiếp không có đại diện nào vào Tứ kết.

 

Còn nhớ mùa giải 2006/07, Italia có 2 đại diện góp mặt tại Tứ kết là AC Milan, AS Roma thì một năm sau, chỉ còn duy nhất AS Roma (nhưng cũng không thể vào đến Bán kết). Và đến mùa giải 2008/09, cơn thịnh nộ của báo chí nước này đã bùng nổ khi không có một CLB vượt qua vòng 1/8.

 

Chính bởi vậy, với xứ sở Mỳ ống lúc này, Inter Milan là niềm hy vọng, sự hãnh diện duy nhất và là hình ảnh đại diện của cả nước Ý trong nỗ lực vươn tới ánh hào quang chiến thắng.

 

Và sự tủi hổ…

 

Cùng với Primera Liga (Tây Ban Nha), Serie A luôn tự hào là giải đấu “thuần khiết” bậc nhất trong số các giải đấu hàng đầu châu Âu. Hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ, tư tưởng hướng nội của các vị Chủ tịch và kinh phí có phần eo hẹp đã khiến tỷ lệ cầu thủ ngoại tại Serie A chưa từng chạm ngưỡng 45% (theo con số thống kê chưa chính thức năm 2009, tỷ lệ này xấp xỉ 35%).

 

Chính bởi vậy, khi chứng kiến các CLB giải Ngoại hạng Anh áp đảo tại Tứ kết Champions League trong những mùa giải qua (mùa 2006/07: 3 đội, mùa 2007/08: 4 đội, mùa 2008/09: 4 đội), người Ý luôn tỏ ý coi thường khi cho rằng đó là những đội bóng “quốc tế hóa” với tỷ lệ ngoại quốc luôn cao hơn 50%, thậm chí Arsenal hay Chelsea có thời điểm 100% cầu thủ trên sân không mang quốc tịch Anh.

 
Inter vào Tứ kết C1 - Niềm kiêu hãnh hay tủi hổ nước Ý? - 3

Chiến thuật gia người Bồ Mourinho giúp Inter vào Tứ kết C1 sau 3 năm chờ đợi.
 

Còn mùa giải này, có lẽ do mải mê ăn mừng mà các tifosi quên mất rằng 99,99% số cầu thủ có mặt trên sân Stamford Bridge đêm 16/3 không phải là người Ý (ngoại trừ Materazzi vào sân ở phút 90+2).

 

Tỷ lệ này ở trận lượt đi có phần khá hơn nếu xét dưới góc độ thời gian bởi cầu thủ Italia duy nhất Balotelli được thi đấu từ phút 58! Điều đó còn chưa tính đến vị kiến trúc sư giúp Inter trở thành “kẻ cứu rỗi thanh danh nước Ý” lại là Jose Mourinho, một HLV người Bồ Đào Nha.

 

Và trong lúc hầu hết cả xứ sở Mỳ ống hân hoan đợi chờ những bước đi tiếp theo của Inter Milan thì chỉ có HLV trưởng ĐT Italia, Marcello Lippi cay đắng mà thốt lên rằng: “Bóng đá Italia đang khủng hoảng? Nếu nhìn vào đội hình Inter tại Champions League, bạn có thể nghĩ như vậy. Toàn bộ là cầu thủ nước ngoài, ngay cả HLV cũng vậy”.

 

Có vẻ bóng đá Italia chưa rơi vào bi kịch như nhà cầm quân Lippi tuyên bố nhưng dường như để có thể vươn tới thành công tại đấu trường châu lục, những đội bóng lớn nước này đành chấp nhận sự thực “quốc tế hóa” mạnh mẽ như giải Ngoại hạng đã và đang áp dụng…

 

Đội hình Inter trong cuộc đối đầu với Chelsea

 

Lượt đi: Julio Cesar (Brazil) - Maicon (Brazil), Samuel (Argentina), Lucio (Brazil), Zanetti (Argentina)- Stankovic (Serbia), Cambiasso (Argentina), Thiago Motta (Brazil), Sneijder (Hà Lan) - Eto’o (Cameroon), Milito (Argentina). Dự bị: Muntari (Ghana), Pandev (Macedonia), Balotelli (Italia).

 

Lượt về: Julio Cesar (Brazil) – Maicon (Brazil), Lucio (Brazil), Samuel (Argentina), Zanetti (Argentina) - Thiago Motta (Brazil), Sneijder (Hà Lan), Cambiasso (Argentina) – Pandev (Macedonia), Milito (Argentina), Eto'o (Cameroon). Dự bị: Mariga (Kenya), Stankovic (Serbia), Materazzi (Italia).

 

Lê Trường