1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Huyền thoại châu Á từng khiến Sir Alex “cảm thấy bất lực”

(Dân trí) - Trước khi thế hệ của Nakata, Park Ji Sung. Son Heung Min... bóng đá châu Á từng chứng kiến huyền thoại khiến cả châu Âu rung chuyển là Cha Bum Kun, người mà Sir Alex thừa nhận “không thể ngăn nổi”.

“Vấn đề là chúng tôi không thể bắt nổi Tscha Bum” - Sir Alex Ferguson thừa nhận sau khi cùng Aberdeen (CLB cũ của ông) đối diện với Eintracht Frankfurt ở UEFA Cup 1979/80. Ông nói thêm: “Chúng tôi không thể ngăn anh ấy lại. Đúng là cầu thủ không thể ngăn cản”.

Lời khen ngợi ấy xuất phát từ một trong những HLV vĩ đại nhất của bóng đá thế giới sau này. Mặc dù nó tới ở thời điểm mà cựu HLV người Scotland ở thời điểm ông chưa đạt tới độ chín sự nghiệp huấn luyện nhưng nó cũng vô cùng giá trị. Nó khắc họa hình ảnh về cầu thủ châu Á bé nhỏ, từng bước đặt dấu ấn ở trời Âu.

Huyền thoại châu Á từng khiến Sir Alex “cảm thấy bất lực” - 1

Cha Bum Kun là huyền thoại vĩ đại của bóng đá Hàn Quốc

Sự ngưỡng mộ của Sir Alex Ferguson dành cho Cha Bum Kun là hoàn toàn có cơ sở. Thời điểm ấy, ông nổi lên như là một trong những tiền đạo hàng đầu Bundesliga, được ví như thánh sống ở đất nước Hàn Quốc. Điều quan trọng, thành công của Cha Bum Kun đã như sự tiên phong, để những cầu thủ châu Á có thể tự tin chinh phục trời Âu.

Thực tế, châu Á chưa bao giờ được biết đến là nơi sản sinh ra những tài năng bóng đá kiệt suất. Trước thời điểm Cha Bum Kun chinh phục Bundesliga, nơi đây được ví như “vùng tối” của thế giới bóng đá. Ở thời điểm ấy, bóng đá châu Âu có quy định rất ngặt nghèo về việc tuyển dụng những cầu thủ nước ngoài (chứ không rộng rãi như bây giờ). Do đó, sự xuất hiện của Cha Bum Kun thực sự là điểm sáng. Bởi lẽ, chỉ có hãn hữu lắm, một CLB châu Âu mới quyết định ký hợp đồng với cầu thủ châu Á.

Chặng đường chơi bóng đỉnh cao và được người châu Âu thừa nhận của Cha Bum Kun là câu chuyện của nghị lực phi thường. Nói vậy bởi lẽ, trước đây, bóng đá Hàn Quốc không có trường đào tạo bóng đá chuyên nghiệp và rộng rãi như bây giờ. Chỉ có niềm đam mê tột đỉnh mới giúp các cầu thủ Hàn Quốc theo đuổi tới cùng sự nghiệp.

Cha Bum Kun đã theo học trường cấp 3 Kyoung-shin, rồi sau đó đặt chân vào trường đại học quốc gia Hàn Quốc. Có nghĩa rằng, nếu không theo đuổi trái bóng, có lẽ, ông đã trở thành nhân viên kinh tế bình thường. Và chỉ tới khi đặt chân vào trường đại học năm 1972 (năm ông 18 tuổi), thì tài năng chơi bóng của Cha Bum Kun mới được bộc lộ và có những bước tiến nhất định.

Thành công ở trường đại học đã giúp ông lọt vào đội trẻ Hàn Quốc. Và cũng trong năm 1972 ấy, Cha Bum Kun đã được trao cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia trong trận đấu gặp Iraq ở AFC Asian Cup. Trận đấu ấy, Cha Bum Kun không ghi bàn, Hàn Quốc cũng thất bại ở loạt sút luân lưu. Nhưng có chi tiết đáng chú ý, Cha Bum Kun là cầu thủ duy nhất của Hàn Quốc đá phạt đền thành công. Chi tiết ấy cho thấy ông có thể chịu áp lực đỉnh cao tốt thế nào, dù mới 18 tuổi.

Sau đó, trong màu áo đội trường đại học Hàn Quốc, Cha Bum Kun đã xuất sắc giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất Hàn Quốc vào năm 1973 và vô địch cúp quốc gia vào năm 1974. Tuy nhiên, tới năm 1976, sau khi rời trường đại học, Cha Bum Kun mới thực sự chơi bóng chuyên nghiệp khi ký hợp đồng với Korea Trust Bank.

Huyền thoại châu Á từng khiến Sir Alex “cảm thấy bất lực” - 2

Cha Bum Kun đặt dấu ấn lớn ở Bundesliga và là nhân vật chính giúp Frankfurt và Leverkusen vô địch UEFA Cup

Thời gian của Cha Bum Kun ở Korea Trust Bank không nhiều. Thời gian ngắn sau đó, chân sút này đã phải... thực hiện nghĩa vụ quân sự và khoác áo đội Không quân Hàn Quốc trong thời gian này. Tuy nhiên, ở CLB này, Cha Bum Kun đã có dấu hiệu chững lại trong sự nghiệp do không được thi đấu đỉnh cao.

Một nét buồn nữa của Cha Bum Kun tới vào năm 1978, khi ông không thể giúp đội tuyển Hàn Quốc tham dự World Cup, dù đã ghi tới 5 bàn ở vòng loại. Dù vậy, sau đó, ông đã tỏa sáng giúp Hàn Quốc vô địch ASIAD trong cùng năm.

Thực tế, những giải đấu châu Á ở thời điểm ấy chẳng được chú ý nhiều. Do đó, ngay cả Cha Bum Kun tỏa sáng thì điều đó cũng... vô nghĩa. Bước ngoặt của Cha Bum Kun tới vào năm 1978, khi đội tuyển Hàn Quốc mời nhiều CLB trên thế giới (trong đó có Frankfurt) tham dự giải đấu giao hữu.

Frankfurt chỉ cử đội hình B tới giải đấu đó. Và tất nhiên, họ đã bị loại ngay từ vòng bảng. Nhưng “thu hoạch” của Frankfurt ở giải đấu ấy còn lớn hơn rất nhiều so với một chiếc cúp giao hữu. Đó là chiêu mộ thành công Cha Bum Kun.

Trong ngày rảnh rỗi, trợ lý HLV của Frankfurt, Dieter Schulte đã tới dự khán trận đấu của Hàn Quốc. Và thật tình cờ, tài năng của Cha Bum Kun đã lọt vào mắt xanh của con người nổi tiếng khó tính ấy. Dieter Schulte đã thành công trong việc thuyết phục Ban lãnh đạo ký hợp đồng với cầu thủ châu Á. Cha Bum Kun đã tiến ra trời Âu theo đuổi sự nghiệp bóng đá, khác hẳn so với những cầu thủ Hàn Quốc trước đây.

Dù vậy, có một vấn đề là thời gian mà Frankfurt tiếp cận, Cha Bum Kun chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Do đó, tiền đạo này chỉ kịp chơi 1 trận cho Darmstadt (mượn lại từ Frankfurt) và rồi tức tốc quay trở lại Hàn Quốc để hoàn thành nốt nghĩa vụ quân sự cho tới ngày 31/6/1979.

Cha Bum Kun chính thức khoác áo Frankfurt ở mùa giải 1979/80. Không nhiều người châu Âu biết về ông ở thời điểm ấy. Tới mức, người ta cứ ngỡ như HLV Friedel Rausch đã “chém gió” trong ngày ra mắt tân binh: “Chúng tôi đã theo dõi Cha Bum Kun ở giải giao hữu năm ngoái. Không nhiều cầu thủ có thể thuyết phục tôi nhanh tới như vậy. Đó là cầu thủ xuất sắc”.

Dù thể hình không nổi bật nhưng Cha Bum Kun rất khỏe và sở hữu lực sút rất mạnh. Trong ba trận đấu đầu tiên ở Franfurt, ông đều chọc thủng lưới Stuttgart, Braunschweig và Bayer Leverkusen. Cha Bum Kun đã hợp cùng Bernd Hölzenbein trở thành cặp tiền đạo nguy hiểm cùa Frankfurt.

Kết thúc mùa giải ấy, Cha Bum Kun ghi 12 bàn. Ông lọt vào đội hình tiêu biểu Bundesliga của tờ Kicker, sánh vai cùng những ngôi sao hàng đầu thế giới như Kevin Keegan hay Karl-Heinz Rummenigge.

Thế nhưng, dấu ấn lớn nhất của Cha Bum Kun không tới ở giải quốc nội, thay vào đó, ông là nhân vật chính giúp Frankfurt giành UEFA Cup 1980. Trên chặng đường tiến tới chức vô địch, Cha Bum Kun và các đồng đội không chỉ vượt qua Aberdeen của Sir Alex Ferguson, mà còn những đối thủ sừng sỏ như Dinamo București, Feyenoord, Bayern Munich và Glagbach (chung kết).

Huyền thoại châu Á từng khiến Sir Alex “cảm thấy bất lực” - 3

Cha Bum Kun giương cao chức vô địch UEFA

Trong trận chung kết với Gladbach, Cha Bum Kun đã có pha đi bóng vượt qua hậu vệ Ladar Matthäus, trước khi châm ngòi cho bàn thắng lịch sử của Schaub. Sau trận đấu, hậu vệ Ladar Matthäus đã có hành động chỉ tay, thừa nhận tỏa sáng của Tscha Bum. Cầu thủ này chia sẻ: “Tscha Bum là tiền đạo hay nhất thế giới”.

Thậm chí, 35 năm sau ngày ấy, ký ức của Ladar Matthäus vẫn còn vẹn nguyên: “Đó là cầu thủ có tốc độ, khả năng rê bóng tuyệt vời. Và điều quan trọng nhất, ông ấy đã ở trong tập thể tuyệt vời”.

Thực tế, Cha Bum Kun chỉ như “chú vịt con xấu xí” gia nhập một hồ đầy thiên nga ở Đức. Do đó, tiền đạo này đã phải nỗ lực rất nhiều. Ngoài việc thích nghi trên sân bóng, việc làm quen với nền văn hóa mới cũng khiến ông phải... cố gắng rất nhiều. “Thật khó để ăn những thức ăn đông lạnh, đặc biệt là trong bữa tối. Sau buổi tập, tôi được phục vụ bít tết cùng những đồ ăn đông lạnh. Thú thực, trong thời gian đầu, tôi không thể ăn mấy đồ ấy. Do đó, tôi đã phải muối mặt xin thêm một phần bít tết khác” - Cha Bum Kun chia sẻ.

Biến cố xảy ra với Cha Bum Kun ở mùa giải thứ 2 ở Frankfurt. Pha va chạm mạnh với Jürgen Gelsdorf của Leverkusen khiến ông phải nhập viện và phải nghỉ dài hạn. Ở mùa giải 1980/81, ông chỉ ghi được 8 bàn thắng. Thế nhưng, ông đã trở lại ấn tượng ở những giải tiếp tiếp. Mùa 1981/82, chân sút này đã ghi 11 bàn và tiếp đó là 15 bàn ở mùa giải 1982/83.

Dù vậy, khó khăn về tài chính đã buộc Frankfurt bán đi ngôi sao tốt nhất của mình là Leverkusen, mở ra chương mới cho sự nghiệp của Cha Bum Kun. Thực tế, dù chỉ thi đấu cho Franfurt trong 4 mùa giải nhưng Cha Bum Kun vẫn được bình chọn là đội hình vĩ đại nhất trong lịch sử Franfurt.

Cha Bum Kun cập bến Leverkusen khi đã 30 tuổi nên ông không thể bùng nổ bằng thời ở Frankfurt. Thế nhưng, mọi tinh hoa của Cha Bum Kun cũng phát tiết ở mùa giải 1985/86 (khi ông đã 33 tuổi). Mùa giải ấy, huyền thoại người Hàn Quốc đã ghi 17 bàn thắng ở Bundesliga, cao nhất trong sự nghiệp. Ngoài ra, ông cũng góp công lớn giúp Leverkusen giành chức vô địch UEFA. Trong trận chung kết với Espanyol, Cha Bum Kun đã đóng góp 1 bàn thắng quyết định.

World Cup 1986 là giải đấu đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp của Cha Bum Kun. Nhưng ở giải đấu ấy, Hàn Quốc lọt vào bảng đấu rất mạnh gồm Argentina, Italia và Bulgaria. Bởi lẽ đó, Cha Bum Kun không thể làm được gì trong kỳ World Cup đầu tiên và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp. Ở thời điểm ấy, ông đã 33 tuổi.

Có lẽ, năm 1986 chứng kiến lần cuối cùng tinh hoa của Cha Bum Kun phát tiết bởi ở 3 mùa giải cuối cùng ở Leverkusen, ông chỉ ghi lần lượt 6, 4 và 3 bàn.

Huyền thoại châu Á từng khiến Sir Alex “cảm thấy bất lực” - 4

Cha Bum Kun giải nghệ ở tuổi 36 trong niềm hân hoan của CĐV. “Tôi luôn nhìn lại 10 năm thi đấu ở Đức với niềm vui lớn. Tôi vẫn nhớ như in sự cổ vũ nhiệt tình của CĐV trong mỗi trận đấu và không khí lễ hội mỗi khi chúng tôi giương cao chức vô địch. Bundelsiga cho tôi khoảnh khắc tuyệt vời. Tôi nhận rất nhiều tình cảm từ người hâm mộ Đức”.

Cha Bum Kun được ví như “chú vịt con xấu xí” nhưng đã vươn mình trở thành thần tượng của bóng đá Đức. Cựu danh thủ Luís Figo từng thừa nhận Cha Bum Kun là thần tượng lớn của mình. Huyền thoại Maldini lại “cảm thấy may mắn” vì hai lần tránh đối diện với Cha Bum Kun ở UEFA Cup.

Trong tiết lộ sau này, thủ môn huyền thoại Oliver Kahn từng thừa nhận anh đã chen chúc trong dòng người đông đúc để xin chữ ký của Cha Bum Kun. Michael Ballack cũng có những phát ngôn có cánh về huyền thoại của Leverkusen.

Ở bên ngoài sân cỏ, cựu Thủ tướng Đức, Gerhard Schröder từng thừa nhận rằng mục đích chuyến thăm của ông tới Hàn Quốc không chỉ là tăng tình hữu nghị giữa hai nước, mà còn muốn gặp riêng Cha Bum Kun.

Sau này, bóng đá châu Á từng chứng kiến Son Heung Min, Nakata, Park Ji Sung... tỏa sáng ở trời Âu. Nhưng trong trái tim của những người Hàn Quốc (và cả thế hệ sau này), Cha Bum Kun vẫn là tượng đài, người tiên phong mang sức sống của châu Á tới trời Âu.

H.Long

Theo thesefootballtimes