1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Hồn Nhật trong bóng đá Việt Nam

(Dân trí) - Hai vị HLV của 2 đội tuyển nam, nữ là những người Nhật, nhà tài trợ của V-League cũng đến từ Nhật Bản. Mô hình mà V-League đang đi cũng được cho là đi theo mô-típ phát triển của giải J-League bên Nhật. Cái hồn của người Nhật đang tràn ngập bóng đá Việt.

Đi trước về sau và đi sau về trước

Nhiều thập niên trước, có lần người Nhật mượn hình ảnh chiếc giày nhỏ để so sánh về tầm vóc của bóng đá Nhật so với bóng đá Việt Nam. Đấy là cái thời mà bóng đá Việt Nam còn mạnh, thuộc vào nhóm mạnh nhất châu Á, trong khi bóng đá Nhật chưa là gì cả. Thậm chí người Nhật hồi đấy vẫn chưa xem bóng đá là môn thể thao số 1 của đất nước mình.

Nhiều thập niên sau thì mọi chuyện hoàn toàn thay đổi, bóng đá Việt Nam từ chỗ nằm trong nhóm có trình độ châu lục đã rớt xuống “vùng trũng” của châu Á, trong khi người Nhật từ “chiếc giày nhỏ” ngày nào giờ đã là cường quốc số 1 của bóng đá châu Á.

Bóng đá Nhật bây giờ mạnh toàn diện, họ không chỉ có đội tuyển bóng đá nam mạnh (hiện giữ kỷ lục 4 lần vô địch châu Á), mà bóng đá nữ và futsal ở Nhật Bản cũng cực kỳ phát triển. Riêng bóng đá nữ Nhật Bản đã có ngôi vô địch thế giới, còn futsal Nhật đang dần soán ngôi vị hàng đầu của Iran.

40 – 50 năm qua, bóng đá Nhật tiến lên thì cũng chừng đó thời gian bóng đá Việt Nam giẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Cách tiếp cận với bóng đá giữa người Nhật và người Việt bây giờ cũng rất khác nhau. Người Nhật đã biến bóng đá thành một ngành công nghiệp hái ra tiền, trong khi chúng ta vẫn đơn giản xem đấy là trò chơi, thậm chí đôi khi còn trở thành thú tiêu khiển của một vài ông bầu lắm tiền và thích cậy có tiền để tìm sự nổi tiếng.

Hồn Nhật trong bóng đá Việt Nam
HLV Miura (thứ 2 từ phải sang) là một trong những người có sứ mệnh thổi cái hồn Nhật vào bóng đá Việt (ảnh: Gia Hưng)

Bóng đá ở Nhật bây giờ không chỉ mạnh ở cấp đội tuyển, không chỉ phát triển mạnh mẽ ở giải chuyên nghiệp trong nước, mà hệ thống đào tạo trẻ, cơ sở vật chất dành cho việc đào tạo trẻ cũng phát triển ở mức hàng đầu thế giới. Rồi chưa kể bóng đá giờ đã lan tỏa đến các trường học ở nhiều cấp khác nhau tại Nhật Bản.

Bóng đá Việt Nam ngược lại bế tắc cũng ở khâu đào tạo trẻ và ở việc kém phát triển bóng đá từ học đường. Nói bóng đá Nhật đi sau về trước, còn bóng đá Việt Nam đi trước về sau là vì vậy.

Mượn chất xám Nhật để cải thiện bóng đá nội

Nhiều người trăn trở với bóng đá nội có lẽ cũng không thôi suy nghĩ về chuyện vì sao bóng đá Nhật đi sau về trước, còn bóng đá Việt đi trước lại về sau. Có lẽ đấy cũng chính là lý do mà người làm bóng đá nội muốn đưa những người đang đi trước chúng ta về đây chỉ cho chúng ta cách làm như thế nào mà họ vượt lên nhanh như vậy?!

Cách mà VFF mời ông Miura làm HLV đội tuyển nam, ông Takashi làm HLV đội tuyển nữ, và cách VPF muốn đưa V-League đi theo con đường của giải J-League (Nhật Bản) cũng là muốn mượn chất xám của người Nhật chỉ cho người làm bóng đá Việt biết cách tiến theo kiểu Nhật.

Dĩ nhiên, phương pháp thì họ sẽ chỉ, vấn đề là khả năng chúng ta theo được họ đến đâu? Rồi thay đổi bản thân chính chúng ta như thế nào?

Người Nhật nói chung và bóng đá Nhật nói riêng thành công trước tiên xuất phát từ chỗ chỗ họ là những người mẫn cán trong công việc. Họ có thể không phải là dân tộc sáng tạo nhất, chưa phải là nền bóng đá mạnh nhất, nhưng họ chịu khó học và chịu khó làm.

Khác biệt cơ bản giữa người làm bóng đá Nhật Bản với người làm bóng đá Việt Nam thì HLV Miura cũng đã chỉ ra rồi, khi ông trả lời phỏng vấn trên báo Nhật. Trong khi vị HLV này rất siêng năng, thì ông lại không hiểu tại sao ngay chính cơ quan chủ quản của ông là VFF lại có quá nhiều người quen cái lề lối đi làm muộn, nhưng kết thúc giờ làm sớm. Đấy nói nôm na là “ăn cắp thời gian”.

Trong khi vị HLV người Nhật xem những bài tập mà ông áp dụng cho đội tuyển Olympic Việt Nam là bình thường, vì bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới đều tập như thế cả, thì một bộ phận không nhỏ khác là la toáng lên rằng cách tập đấy là nặng, là khiến cầu thủ quá tải.

Người ta cảm giác quá tải bởi kỳ thực là do người ta quen với kiểu tập qua loa. Vấn đề ở đây lại ở chỗ chuyện qua loa đã trở thành chuyện thường ngày trong bóng đá nội.

Muốn thay đổi bộ mặt của nền bóng đá, trước tiên cần thay đổi những điều tưởng như hết sức nhỏ nhặt đấy. Muốn mượn cái hồn của người Nhật để phát triển bóng đá Việt trước tiên cần nghiêm túc trong công việc giống như họ.

Bằng ngược lại, có nhập được công nghệ cao, nhưng lại sử dụng công nghệ theo phương pháp cũ, với tư duy cũ thì việc nhập khẩu công nghệ cũng mất tác dụng!

Trọng Vũ