1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

HLV Miura có lỗi vì khả năng tấn công nghèo nàn của U23 Việt Nam?

(Dân trí) - HLV Miura thường xuyên bị chỉ trích vì các đội tuyển của ông đá tấn công không nhuần nhuyễn trong gần 2 năm qua. Nhưng thực tế là không chỉ dưới thời HLV Miura, các đội tuyển Việt Nam cũng gặp vấn đề ở khâu tấn công, đồng thời điều cốt lõi vẫn là “có bột mới gột nên hồ”.

Có bột mới gột nên hồ

Nếu đánh giá HLV Miura là HLV tệ nhất trong số các đời HLV dẫn dắt các đội tuyển quốc gia như một số luồng dư luận từng nêu ra trong thời gian qua, thì có lẽ hãy thử nhìn lại triều đại của vị HLV được cho là thành công nhất cùng các đội tuyển Việt Nam là ông Henrique Calisto, để có cái nhìn công bằng hơn về HLV Miura.

Thật ra thì ngay từ thời điểm còn nắm ĐT Long An rồi trở thành người nổi tiếng, HLV Calisto cũng nổi danh nhờ xây dựng lối chơi phòng ngự phản công đậm đặc cho Gạch. Chứ hồi đấy, ĐT Long An của vị HLV người Bồ Đào Nha không sở trường trong việc tấn công áp đặt lối chơi.

Giải đấu thành công nhất của HLV Calisto, giải đấu đưa ông vào hàng ngũ HLV thành công nhất trong lịch sử các đội tuyển Việt Nam là AFF Cup 2008, kỳ thực đội tuyển U23 Việt Nam chỉ chơi đặc biệt xuất sắc trong 2 trận, đó là trận bán kết lượt về với Singapore và trận chung kết lượt đi với Thái Lan, cả hai trận đấu này đều diễn ra trên sân đối phương (riêng hành trình vòng bảng của đội tuyển Việt Nam năm đó không thể gọi là hay, thậm chí còn suýt bị loại).

Và lối chơi chủ đạo của đội tuyển Việt Nam của HLV Calisto trong 2 trận được xem là hay nhất sự nghiệp cầm quân của ông với đội tuyển quốc gia ấy đều là thủ thật chặt bên phần sân nhà, trân mình chịu hàng loạt đòn đánh túi bụi của đối phương, rồi chờ thời cơ phản đòn trong các pha phản công, trước khi ghi bàn nhờ công của Quang Hải (trước Singapore), cùng với Vũ Phong và Công Vinh (trước Thái Lan).

 

Ngay cả địa chỉ chuyên đào tạo cầu thủ tấn công như lò HA Gia Lai còn không đào tạo được tiền đạo sáng giá thứ 2, ngoài Công Phượng (ảnh: Trọng Vũ)
Ngay cả địa chỉ chuyên đào tạo cầu thủ tấn công như lò HA Gia Lai còn không đào tạo được tiền đạo sáng giá thứ 2, ngoài Công Phượng (ảnh: Trọng Vũ)

 

Riêng lúc có lợi thế sân nhà và buộc phải đá tấn công trước chính Singapore cũng như Thái Lan trong các trận bán kết lượt đi và chung kết lượt về của AFF Cup 2008, đội tuyển của HLV Calisto chơi không hay, nếu không muốn nói là bế tắc.

Về cơ bản, lối chơi của HLV Calisto thời lên ngôi vô địch AFF cũng thiên về phản công để tìm bàn thắng hơn là tấn công trực diện, không khác mấy so với đội tuyển của HLV Miura bây giờ.

Tố chất của tiền đạo nội

Và lối chơi nào thì cũng dựa trên nền tảng con người. Muốn tấn công hay, dứt khoát phải có tiền đạo giỏi, phải có chân sút nhạy bén, trong khi vấn đề chân sút luôn là vấn đề làm đau đầu những nhà chuyên môn của bóng đá Việt Nam trong suốt nhiều năm liền.

Không tính giai đoạn trước đó, kể từ thời điểm bóng đá Việt Nam trở lại nhóm đầu khu vực với bộ HCB SEA Games 1995, chúng ta không có nhiều tiền đạo hội đủ các yếu tố của một tay săn bàn điển hình: Nhanh, khéo, khỏe, nhạy bén.

Huỳnh Đức và Công Vinh ở thời đỉnh cao là những chân sút tiếp cận gần nhất đến việc hội đủ các yếu tố đấy. Riêng những cái tên như Minh Chiến, Quốc Cường, Sỹ Hùng, Huỳnh Hồng Sơn, Quang Hải, Việt Thắng, Văn Quyến hoặc chưa toàn diện, hoặc chỉ tỏa sáng trong một thời điểm nhất thời rồi vụt tắt, mà không ổn định, vì những lý do khác nhau.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong lịch sử hơn 20 năm bầu chọn danh hiệu quả bóng vàng Việt Nam, mới có 3 tiền đạo thực thụ giành danh hiệu này (Huỳnh Đức, Công Vinh và Văn Quyến): Những con số thì không biết nói dối. Rồi cũng không phải ngẫu nhiên mà ngay cả lò đào tạo chuyên về việc cho ra lò những cầu thủ tấn công của HA Gia Lai cũng chỉ có mỗi Công Phượng là tiền đạo sáng giá, mà chưa tìm ra chân sút tốt thứ 2.

Tức là ngoài chuyện muốn hay không muốn có tiền đạo giỏi, thì đây còn là vấn đề thuộc về tố chất của cầu thủ Việt Nam. Trong khi để trở thành một tay săn bàn có chất lượng, ngoài chuyện khéo léo, các tiền đạo còn cần phải nhanh, phải mạnh và nhất là phải lạnh lùng trong khâu kết thúc, nói nôm na là phải có tốt chất.

Thành ra, buộc đội tuyển của HLV Miura phải chơi tấn công mọi lúc, mọi nơi dường như là đòi hỏi hơi phi lý. Bất cứ chiến thuật và bất cứ lối chơi nào cũng phải dựa trên nên tảng con người, không thể khư khư đá tấn công một khi chúng ta hiện không sở hữu những cầu thủ tấn công đúng yêu cầu, nhất là khi không có các tiền đạo đủ để đáp ứng yêu cầu đó!

Vì vậy, cũng đừng vội đổ hết mọi yếu kém của chúng ta cho HLV Miura, mà không bình tĩnh nhìn lại chất lượng thực của toàn bộ nền bóng đá!

Trọng Vũ

 

HLV Miura có lỗi vì khả năng tấn công nghèo nàn của U23 Việt Nam? - 2