1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Cựu PCT chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm:

“Hãy cố gắng trao cơ hội cho cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển”

(Dân trí) - Xung quanh câu chuyện dùng hay không dùng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển quốc gia, cựu phó chủ tịch (PCT) chuyên môn của VFF Dương Vũ Lâm cho biết nên xét kỹ chất lượng cầu thủ được gọi lên đội tuyển, đồng thời chỉ ra khác biệt giữa cầu thủ nhập tịch ở nước ngoài khác ở Việt Nam.

Cầu thủ nhập tịch nếu được gọi phải có chất lượng thật tốt

Với quan điểm của cá nhân ông, nếu cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển, thì yếu tố đầu tiên cần xét đến là yếu tố nào, thưa ông?

Dĩ nhiên là xét đến chất lượng. Chất lượng chuyên môn luôn là quan trọng nhất, vì người ta cần ở mọi cầu thủ là cần ở yếu tố chuyên môn. Thứ nữa là khả năng hoà nhập, khả năng kích thích gì cho đội tuyển.

Trước đây từng có trường hợp cầu thủ nhập tịch Phan Văn Santos lên đội tuyển như không thành công, theo ông nguyên nhân do đâu?

Do anh ta không đáp ứng được chuyên môn. Thật ra thì thời điểm Santos lên đội tuyển, anh ta đã bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp rồi. Đây lại là dạng cầu thủ không có ý thức tự phấn đấu để duy trì phong độ, nên anh ta xuống rất nhanh, rồi tự đào thải mình khỏi đội tuyển. Với những cầu thủ thiếu nỗ lực để giữ phong độ, họ không giúp ích gì cho đội tuyển, nhất là về mặt tinh thần.

Điểm chung khác của các cầu thủ gốc ngoại là sau khi nhập tịch, họ thi đấu kém hẳn so với chính họ trước đó, vì sao thế thưa ông?

Sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ giải quyết chuyện thành tích nhất thời
Sử dụng cầu thủ nhập tịch chỉ giải quyết chuyện thành tích nhất thời

Vì họ bắt đầu thoả mãn và bắt đầu lớn tuổi. Trong đó, sự thoả mãn là yếu tố then chốt khiến họ mất phong độ. Chúng ta cũng hiểu rằng các ngoại binh sang Việt Nam thi đấu cũng đâu phải dạng chuyên nghiệp thực sự. Lúc vẫn bị tính là ngoại binh, họ tập luyện hăng say hơn vì cần phải cạnh tranh để kiếm suất tồn tại, nhưng đến khi được tính là nội binh rồi, tức là đã biết chắc sẽ có suất, họ chểnh mảng dần trong tập luyện, nên sa sút đồng loạt.

Cơ bản họ là cầu thủ gốc ngoại, nên về mặt thể hình, thể lực họ đã hơn cầu thủ gốc nội. Thành ra, khi họ tập không hết công suất, họ vẫn khoẻ hơn nội binh. Tuy nhiên, ra đến đấu trường quốc tế lại khác. Đặt trường hợp các cầu thủ này không tập luyện chuyên cần khi lên tuyển, càng có thể gây tâm lý không tốt cho phần còn lại của đội tuyển.

Cầu thủ nhập tịch được đào tạo ngay tại chỗ

Vậy ở các nước, người ta dùng cầu thủ nhập tịch như thế nào?

Có 2 dạng dùng cầu thủ nhập tịch có thể phân biệt rõ ràng trong vài năm qua. Dạng đầu tiên là với những quốc gia không mê bóng đá, cũng không có giải quốc nội ổn định, họ buộc phải dùng cầu thủ nhập tịch để làm đòn bẩy kích thích phong trào. Ví dụ như Philippines và Singapore.

Cả 2 quốc gia này đều không có hệ thống giải quốc nội ổn định và đa dạng như tại Việt Nam, nếu không nhập tịch thì họ có lẽ cũng không thành lập nổi đội tuyển quốc gia đủ sức cạnh tranh. Dù vậy, đấy chỉ là hình thức nhất thời, riêng các đội trẻ của các nền bóng đá này hầu như không phát triển mấy, cho thấy phương pháp nhập tịch của Philippines và Singapore không giúp ích cho vấn đề nền tảng. Singapore mấy năm trở lại đây cũng bắt đầu giảm số lượng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển rồi.

Còn dạng dùng cầu thủ nhập tịch thứ hai, thưa ông?

Dạng này bài bản hơn, tốt cho sự phát triển hơn. Ví dụ Zidane, Trezeguet, Desailly... là những cầu thủ gốc châu Phi hoặc Nam Mỹ, không phải là người Pháp chính gốc. Nhưng thật ra Zidane lớn lên tại Pháp chứ không phải tại Algeria, anh trưởng thành cùng bóng đá Pháp. Trezeguet được đào tạo tại học viện bóng đá Clairefontaine (trường đạo tạo nổi tiếng nhất của bóng đá Pháp nhiều năm trước) chứ không phải tại quê cha Argentina của anh ấy. Có nghĩa là họ chỉ mang dòng máu nước ngoài, còn sự trưởng thành và phong cách bóng đá của họ vẫn là của người Pháp. Văn hoá Pháp cũng đã thấm vào máu họ.

Chúng ta cũng thấy trường hợp tương tự với Klose, Podolski, hay trước đây là Littbarski (nhà vô địch World Cup 1990 cùng đội tuyển Đức). Họ có dòng máu Ba Lan trong người, nhưng thực chất họ lớn lên tại Đức, thấm nhuần văn hoá và tinh thần Đức, nên họ không khác bất cứ cầu thủ Đức chính gốc nào. Hay như Messi nếu chọn khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha thay vì Argentina thì cũng vậy. Họ được đào tạo tại chỗ từ nhỏ, đấy là dạng cầu thủ nhập tịch của yếu tố bền vững, chứ không đơn thuần giải quyết chuyện thành tích nhất thời.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

“Hãy cố gắng trao cơ hội cho cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển” - 2