1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Hà Lan bị loại khỏi World Cup 2018: Ai xót thương “Cơn lốc màu da cam”?

(Dân trí) - Chẳng giống như World Cup 2002, việc Hà Lan bị loại khỏi World Cup 2018 lại được xem là điều dự đoán trước. Việc liên tiếp vắng mặt ở Euro 2016 và World Cup 2018 được xem là dấu hiệu về sự lụi tàn của bóng đá Hà Lan.

Thiếu lực lượng kế cận

Chiến thắng 2-0 trước Thụy Điển ở lượt đấu cuối cùng chỉ giống như sự an ủi với Hà Lan. Họ vẫn trở thành khán giả ở World Cup 2018. Thế nhưng, nếu như sự vắng mặt của đội tuyển Hà Lan ở World Cup 2002 mang tới sự nuối tiếc vô bờ bến thì lần này, việc Hà Lan bị loại gần như được tất cả mặc định như điều tất yếu.

Sau Robben, bóng đá Hà Lan không có gương mặt đủ chất lượng để thay thế
Sau Robben, bóng đá Hà Lan không có gương mặt đủ chất lượng để thay thế

“Chúng tôi ở trong giai đoạn mà không có cầu thủ hàng đầu. Những cầu thủ chất lượng của bóng đá Hà Lan ngày một già đi trong khi chúng tôi không tìm được người thay thế xứng đáng” - cựu danh thủ Ronald de Boer chia sẻ về tình hình hiện tại.

Thực tế, kể từ sau thế hệ của Van Persie, Robben, Sneijder… bóng đá Hà Lan không sản sinh ra bất kỳ cầu thủ này vươn tầm thế giới. Đội hình Hà Lan vô địch giải U21 châu Âu 2007 giờ chỉ còn là… “đống phế phẩm” với Ryan Babel, Royston Drenthe…

Trong khi đó, những cầu thủ trẻ được kỳ vọng của bóng đá Hà Lan như Memphis Depay, Marco van Ginkel, Kevin Strootman, Vincent Janssen… không thể tìm ra cú hích trong sự nghiệp.

Trước nay, người Hà Lan tự hào với lò đào tạo Ajax, PSV… nhưng giờ đây, họ không thể đưa ra lò cầu thủ chất lượng. Thực tế, trong nền bóng đá thị trường hiện tại, một cầu thủ vừa kịp chớm nở đã nhận được sự săn đón của nhiều CLB hàng đầu thế giới. Chỉ có điều, những cầu thủ như vậy của bóng đá Hà Lan lại “chết yểu” ở CLB mới. Điển hình là trường hợp của Depay, người được xem là thần đồng của bóng đá Hà Lan.

Ngược lại, trong quá khứ, Nistelrooy, Stam và Robben đều gây tiếng vang lớn ở các CLB hàng đầu châu Âu. Theo chuyên gia săn đầu người, Frank Arnesen, việc các cầu thủ trẻ không chống chịu sức ép là nguyên nhân khiến bóng đá Hà Lan thiếu đi nhân tài: “Depay là cầu thủ tuyệt vời nhưng sức ép ở M.U quá lớn, khiến cho cầu thủ này không thể bắt nhịp nổi”.

Việc các ngôi sao trẻ của bóng đá Hà Lan sớm ra nước ngoài thi đấu, khiến cho chất lượng của giải VĐQG nước này ngày càng đi xuống. Ajax, PSV… từ lâu chỉ như đội bóng tầm thường ở châu Âu. Nhưng trớ trêu ở chỗ, khi các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài lụi bại, các HLV của đội tuyển Hà Lan lại lựa chọn những cầu thủ thi đấu ở giải VĐQG. Thậm chí, ngay cả ngôi sao hết thời như Ryan Babel cũng được lựa chọn trong đợt này.

Sự bảo thủ của người Hà Lan

Vấn đề của bóng đá Hà Lan không chỉ ở chất lượng cầu thủ mà còn nằm ở sự bảo thủ trong lối tư duy của bóng đá của những người Hà Lan. Trong bóng đá hiện tại, mọi thứ luôn chuyển động. Để tồn tại, điều cần thiết là thích nghi với thời cuộc. Đội tuyển Đức từng “đập bỏ” lối chơi xù xì để theo đuổi thứ bóng đá đẹp mắt, với dàn cầu thủ được đào tạo theo phương pháp mới.

Nền bóng đá Hà Lan trở nên quá lạc hậu
Nền bóng đá Hà Lan trở nên quá lạc hậu

Trong khi đó, bóng đá Hà Lan vẫn giậm chân tại chỗ. Họ vẫn theo đuổi thứ bóng đá tổng lực (Total Football), tới mức, nó đóng đinh vào tư duy của những người Hà Lan. Gần như toàn bộ các CLB ở giải VĐQG Hà Lan vẫn sử dụng lối chơi 4-3-3, mà không hề có sự đột phá về chiến thuật.

Triết lý của người Hà Lan dần trở nên “thô sơ” với bóng đá hiện tại, khi mà các đối thủ đã thuộc nằm lòng cách vận hành, di chuyển trong chiến thuật của Hà Lan. Cần nhấn mạnh, thứ bóng đá tổng lực của người Hà Lan đã thịnh hành ở thập niên 70 thế kỷ trước. Quãng thời gian hàng thập kỷ là quá đủ để “Cơn lốc màu da cam” bị bắt bài. Trong khi đó, những người vận hành chiến thuật ở thời điểm này lại không phải là những cầu thủ quá kiệt suất.

Bóng đá Hà Lan rơi vào bi kịch của người Đức ở đầu thế kỷ này (như bi thảm hơn). Vấn đề ở chỗ, những người Đức đã chấp nhận “đập đi xây lại” bằng triết lý hoàn toàn mới, còn LĐBĐ Hà Lan lại tỏ ra lạc hậu. Vấn đề ở chỗ những nhà quản lý của bóng đá Hà Lan vẫn giữ tư duy cũ kỹ.

Sau cơn mưa, trời lại sáng. Dù vậy, nếu không thay đổi cách quản lý, vận hành, bóng đá Hà Lan có thể rất lâu nữa mới tìm thấy ánh sáng của mình. Có thể, nền bóng đá vĩ đại sẽ mãi chỉ nằm trong ký ức của nhiều người.

H.Long