1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Giới trọng tài trong ngôi nhà không yên ả

(Dân trí) - Trải qua nhiều đời lãnh đạo, giới trọng tài vẫn luôn lắm chuyện. Trong giới ấy, nhiều khi người ta không tồn tại bằng năng lực, mà bằng các mối quan hệ. Cũng trong giới ấy, người ta bị phản ứng nhiều vì người khác hầu như không bao giờ tin ở trọng tài.

Việc đầu tiên mà VPF làm khi ra đời là chi phối quyền điều hành Ban trọng tài, thay đổi lãnh đạo cao cấp của ban này. Việc đầu tiên mà VFF thực hiện sau khi bầu Kiên bị bắt (vì những sai phạm trong kinh doanh), sau khi quyền lực VPF giảm đi là “nắn gân” Ban trọng tài.

 

Có nghĩa là ở thượng tầng của những người đang điều hành bóng đá nội, hơn ai hết, những vị này hiểu rằng nắm được giới trọng tài là năm được phần lớn cuộc chơi.
 
 
Các trọng tài đang gặp nhiều khó khăn trong công việc chuyên môn - Ảnh: Gia Hưng

Các trọng tài đang gặp nhiều khó khăn trong công việc chuyên môn - Ảnh: Gia Hưng

 

Ở thượng tầng là vậy, ngay chính trong ngôi nhà của giới trọng tài, nơi này cũng chưa bao giờ là nơi bình yên. Trải qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, từ Hội đồng trọng tài (HĐTT) ngày trước, cho đến Ban trọng tài bây giờ, giới này chưa bao giờ hết những rắc rối.

 

Hơn 1 năm trước, ông Nguyễn Văn Mùi mất ghế chủ tịch HĐTT vì người ngoài không thích cách con trai Nguyễn Trọng Thư và con rể Võ Quang Vinh của ông Mùi thường xuyên đường sắp các trận “thơm”. Người ta cũng bất bình trước cảnh một loạt trọng tài thời đó bị dư luận phản ứng rất dữ nhưng vẫn tồn tại, nhờ họ được đồn là có “dây” mạnh chống lưng.

 

Chỉ đến khi vụ việc quá lố xung quanh chuyện 2 trọng tài Phùng Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết bênh trắng trợn V.Hải Phòng, giúp đội này trụ hạng năm 2011, cấp trên mới có động thái quyết liệt là cấm 2 trọng tài ấy hành nghề vĩnh viễn, còn chủ tịch HĐTT Nguyễn Văn Mùi mất ghế vì để cấp dưới lộng hành.

 

Ông Mùi nghỉ, ông Dương Vũ Lâm ngồi ghế trưởng ban. Hồi đấy, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ có lúc năn nỉ ông Lâm làm cái việc mà không ái muốn làm. PCT VFF Lê Hùng Dũng dọn đường cho ông Lâm ngồi ở vị trí mới, còn chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cũng thích cái tính cách hào sảng đúng chất Nam bộ của ông Lâm (ông Dương Vũ Lâm quê gốc Bến Tre).

 

Cấp lãnh đạo ủng hộ ông Lâm còn ở chỗ người ta biết chắc ông Lâm không có dây trong giới trọng tài, và cũng chưa bao giờ ông này có thói quen tạo dây, kết cánh.

 

Tuy nhiên, cũng vì ông Lâm là dân ngoại đạo nên dần dần mới có chuyện cấp phó của ông tiếm quyền ông, thao túng Ban trọng tài. Chuyện phân công trọng tài thời gian sau này hầu hết do phó ban Đoàn Phú Tấn chi phối, những người từng được “cưng” dưới thời ông Nguyễn Văn Mùi giờ phải nhường các trận “thơm” cho các trọng tài khác, được cho là thân với ông Tấn.

 

Cũng vì ông Lâm thiếu sâu sát nên mới có chuyện 2 ủy viên dưới quyền ông sinh chuyện. Ông Đặng Thanh Hạ thì tính “nhầm” tiền chế độ, trong khi một ủy viên khác là Bùi Như Đức lại đấu tố đồng nghiệp, mượn báo chí để gây sức ép với người trong ban, theo kiểu trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường.

 

Ở đời, thượng bất chính ắt hạ tắc loạn. Cấp trên chưa yên thì khó có chuyện cấp dưới sẽ ổn. Không phải cho đến khi nghi án trọng tài nhận hối lộ nổ ra, người ta mới nói về thói quen nhận tiền của các trọng tài.

 

Đó là câu chuyện vốn xưa như trái đất trong lòng bóng đá Việt Nam, và ngoại trừ những vụ bị bắt tận tay, dây tận mặt như kiểu Lương Trung Việt, Lê Văn Tú… bị pháp luật sờ gáy năm 2005, còn các vụ khác, nhiều người nghe xong để đó, vì vướng ngay câu: Chứng cứ đâu?

 

Không phải ngẫu nhiên mà các đội bóng rất hay phản ứng trọng tài. Không phủ nhận nhiều ông chủ làm bóng đá kiểu trưởng giả học làm sang, xem bóng đá như món đồ trang sức, rồi gặp chuyện là phản ứng loạn cả lên. Nhưng ngay cả khi khi đó thì cũng không thể không xem lại vấn đề, tại sao luôn là lực lượng trọng tài bị phản ứng nhiều nhất, chứ không phải thành phần khác? Cơ bản là ở chỗ, người ta phản ứng trọng tài vì kỳ thực người ta không tin vào trọng tài.

 

Nói về giới trọng tài, người ta còn nói về một cái mặt trái vốn bị xã hội phê phán mạnh. Ở giới ấy, nhiều khi người ta tồn tại không phải bằng năng lực, mà bằng các mối quan hệ, bằng các “dây”.

 

Chừng nào chưa giải quyết được vấn đề niềm tin, các trọng tài Việt Nam vẫn sẽ còn bị phản ứng dài dài. Chừng nào chưa ngăn chặn được chuyện chạy dây trong giới, công tác trọng tài vẫn sẽ khó được cải thiện. Và dẫu có thay vị này bằng vị khác ngồi ghế lãnh đạo ban vẫn không thể giải quyết tận gốc vấn đề.

 

Rồi cũng chẳng ai dám bảo đảm rằng khi bứng vị này để thay bằng vị khác, sẽ có “dây” mới thay “dây” cũ mọc lên?

 

Trọng Vũ

Dòng sự kiện: V-League 2014