1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Giấc mơ châu Á liệu có xa vời với B. Bình Dương?

(Dân trí) - Có một nghịch lý là trong khi các đội tuyển quốc gia đặt mục tiêu tiếp cận trình độ châu lục thì các CLB lại chọn cách đá “buông bỏ” ở chính đấu trường này. Nói các CLB trong nước làm nên chuyện lớn thì hơi khó, nhưng không lẽ cứ thấy khó là… buông.

Cơ hội để quảng bá

Vài năm trước, lúc ĐT Long An và HA Gia Lai còn ở thời cực thịnh, họ khá nghiêm túc với sân chơi AFC Champions League. Hồi đấy, Gạch và Gỗ dù vẫn ở đẳng cấp thấp hơn so với nhóm đầu châu lục, nhưng nhìn cách chuẩn bị, cũng như cách lâm trận của các đội bóng này, thấy rõ quyết tâm của họ.

Cũng nhờ thái độ đấy của các đại diện nội tại sân chơi ngoại, mà vị trí của bóng đá Việt Nam trong mắt AFC được coi trọng. Đến lúc Gạch xuống, Gỗ sa sút về mặt chuyên môn, nhiều đội bóng khác dự các cúp châu Á không coi trọng sân chơi này, chọn cách đá cho xong, khiến cho vị trí của giải quốc nội trong mắt AFC cũng xuống, hậu quả là có thời điểm bóng đá Việt Nam bị AFC giáng từ AFC Champions League xuống sân chơi hạng 2 AFC Cup.

Cách thất bại kiểu thua 0-7 của Hà Nội T&T trước đội bóng Hàn Quốc FC Seoul, ở trận play-off AFC Champions League chắc chắn là không có lợi cho hình ảnh của bóng đá Việt Nam. Nếu đội bóng thủ đô thật tình đá nghiêm túc trong trận đấu ấy, chắc chắn họ không thua đậm đến vậy, vì Hà Nội T&T sở hữu rất nhiều tuyển thủ quốc gia, cộng thêm dàn cầu thủ ngoại chất lượng.

Các CLB trong nước không coi trọng cúp châu Á mà quên mất rằng đây là kênh quan trọng để khuếch trương thương hiệu của chính họ. Tầm của Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An hay Becamex (Bình Dương) bây giờ đã làm ăn ở nước ngoài rồi, nên mỗi chuyến du đấu châu Á cũng là mỗi dịp để họ quảng bá thương hiệu của mình.

Giấc mơ châu Á liệu có xa vời với B. Bình Dương?
B.Bình Dương có nhiệm vụ phải giữ thể diện cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường châu lục (ảnh: Anh Hải)

Thành ra, nếu đá không nghiêm túc thì chính những đội này đang làm giảm giá trị của thương hiệu mà họ đang có nhiệm vụ quảng bá. Đấy cũng chính là lý do mà kiểu gì thì Gỗ hay Gạch trước kia cũng phải đá máu lửa ở đấu trường châu lục, trong khi các CLB khác chưa ý thức đầy đủ chuyện đó.

Cần có cách tiếp cận khác

Ngày mai B.Bình Dương sẽ có trận đấu thứ 2 trong khuôn khổ vòng bảng AFC Champions League với Kashiwa Reysol của Nhật Bản. Dĩ nhiên, khó chờ đợi đội bóng đất Thủ Dầu làm nên chuyện lớn trong hành trình vòng bảng năm nay, giữa các đối thủ mạnh.

Nhưng không thể làm nên chuyện lớn cũng không có nghĩa là tỏ thái độ buông bỏ ở sân chơi này, như lời GĐKT của B.Bình Dương Lê Thụy Hải từng dọa cách nay ít lâu.

Cái này thì các CLB Việt Nam nói chung phải học hỏi người láng giềng Thái Lan. Về mặt trình độ, có lẽ bóng đá Thái Lan không quá vượt trội so với bóng đá Việt Nam, nhưng Thái Lan từng có Thai Farmers Bank 2 lần vô địch cúp C1 châu Á (tiền thân của AFC Champions League bây giờ), từng có Bec Tero vào đến chung kết giải đấu này năm 2003.

Mấy năm gần đây, CLB Buriram United của Thái Lan cũng được đánh giá khá cao ở AFC Champions League (đội này vừa thắng cựu vô địch Seongnam FC – Hàn Quốc ở trận mở màn vòng bảng). Không vượt trội hơn bóng đá Việt Nam về mặt trình độ, nhưng vẫn trội hơn hẳn về mặt thành tích ở đấu trường châu lục, chứng tỏ bóng đá Thái Lan tiếp cận với các cúp châu Á với thái độ tốt hơn các CLB Việt Nam.

Với riêng B.Bình Dương, tầm của đội bóng này 2 năm nay đã được đánh giá là vượt trội so với làng cầu nội, khi họ thu hút hầu hết những ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam. Giờ, nếu B.Bình Dương không muốn tiến ra đấu trường châu lục, không nghiêm túc với đấu trường này thì e là quá phí.

Mục tiêu chung của bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây chính là hướng ra châu lục. Các đội tuyển quốc gia khi tham dự các giải tầm châu Á trở lên được VFF khuyến cáo phải thi đấu nghiêm túc, với mục tiêu theo đuổi trình độ cao. Không lý gì ở tầm CLB, các CLB trong nước lại ra sân với tư tưởng đá cho xong!

Kim Điền