1. Dòng sự kiện:
  2. Góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia
  3. Hậu trường nhân vật thể thao

Đội tuyển Việt Nam thành công nhờ đợt tập trung ngắn hạn

(Dân trí) - Hai trong số những cầu thủ chơi tốt nhất của đội tuyển Việt Nam trước Campuchia là Anh Đức và Thanh Trung lại là những cầu thủ tập trung trễ nhất ở đội tuyển. Thế nên, chuyện đá tốt hay không tốt có khi không phụ thuộc vào chuyện tập trung ngắn ngày hay dài hạn.

Vì bận cùng CLB thi đấu ở vòng bán kết cúp quốc gia, nên những Anh Đức (B.Bình Dương), Ngọc Hải (SL Nghệ An), Huy Hùng, Thanh Trung (Quảng Nam) chỉ tập trung cùng đội tuyển quốc gia 3 ngày trước trận đấu với Campuchia.

Trừ Ngọc Hải và Huy Hùng ngồi dự bị ở trận đấu với đội bóng đất Chùa Tháp, Anh Đức và Thanh Trung ra sân ngay từ đầu, cả hai đều chơi rất tốt, nếu không muốn nói đấy là những cầu thủ đá tốt nhất của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu vừa nêu.

Điều đó có thể là dẫn chứng cho việc các cầu thủ không cần thiết phải tập trung quá lâu trước các trận cầu quốc tế, vẫn có thể chơi tốt, vẫn có thể ăn ý với đồng đội.

Thanh Trung tập trung muộn nhưng vẫn thi đấu rất hay khi đội tuyển Việt Nam gặp Campuchia (ảnh: Gia Hưng)
Thanh Trung tập trung muộn nhưng vẫn thi đấu rất hay khi đội tuyển Việt Nam gặp Campuchia (ảnh: Gia Hưng)

Quan trọng nhất vẫn là năng lực chuyên môn, nền tảng thể lực và phong độ của cầu thủ được gọi, chứ chưa hẳn là thời gian cầu thủ đấy tập trung ngắn ngày hay dài ngày.

Ở hầu hết các nền bóng đá khác trên thế giới, kể cả các đội bóng Đông Nam Á, họ thường tập trung đội tuyển quốc gia theo chu kỳ ngắn ngày, theo lịch thi đấu thống nhất trên toàn thế giới dành cho các đội tuyển mà FIFA ban hành hàng năm.

Thường thì các đội tuyển quốc gia trên khắp thế giới chỉ tập trung vài ngày trước các đợt trận quốc tế, chỉ riêng đội tuyển Việt Nam vẫn duy trì kiểu tập trung kéo dài vài tháng trời, trước các kỳ SEA Games hay AFF Cup.

Các đội tuyển Việt Nam tập trung dài ngày, rèn từ thể lực cho đến chiến thuật, nhưng vẫn đá không lại các đội bóng khác ở Đông Nam Á chỉ cần tập trung ngắn ngày ở các giải đấu vừa nêu, thì có lẽ đã đến lúc xem lại phương thức tập trung của đội tuyển Việt Nam.

Tập trung càng dài ngày thì càng tốn kém, lại chưa chắc tạo sự hưng phấn cho các cầu thủ, do họ buộc phải xa gia đình quá lâu, nên mới dẫn đến tình trạng khi vào các giải đấu chính thức, điểm rơi của các đội tuyển Việt Nam lại trở thành… “điểm rụng”, như cách nói vui của dân làm chuyên môn trong nước.

Kỳ thực, nếu nền tảng của giải trong nước tốt, các tuyển thủ quốc gia chỉ cần thi đấu tốt ở giải trong nước, biết cách duy trì thể lực cho bản thân, họ không khó và không mất quá nhiều thời gian để hoà nhập tại đội tuyển quốc gia, mà trường hợp của Anh Đức và Thanh Trung mới đây là những ví dụ điển hình.

Vấn đề còn lại là khâu định hướng và tư duy làm bóng đá theo kiểu mới, đúng với thông lệ quốc tế từ những người đang quản lý nền bóng đá, quản lý các đội tuyển, thay cho kiểu cũ thấy rõ là đã lỗi thời và thiếu hiệu quả!

Kim Điền

Đội tuyển Việt Nam thành công nhờ đợt tập trung ngắn hạn - 2