1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Cung đường 42km biến tôi thành "xác sống" trong 14 tiếng như thế nào?

(Dân trí) - Ghi chép của phóng viên báo Dân trí, khi lần đầu tham dự trải nghiệm Giải chạy bộ địa hình Việt Nam VMM ở cự ly 42km.

Cuộc đua VMM (Vietnam Mountain Marathon- Giải chạy bộ địa hình Việt Nam) cự ly 42km kết thúc ngày 21/9, nhưng đến hôm nay sau 3 ngày, tôi vẫn thấy mình "bay bay" như lúc đứng cạnh ngọn cờ phấp phới giữa mây mù ở đỉnh núi cao nhất của đường đua.

Một thử thách khủng khiếp
 
Cung đường 42km biến tôi thành xác sống trong 14 tiếng như thế nào? - 1

Đoạn đường bắt đầu từ đường nhựa vào rừng (Ảnh: Bảo Trung).

VMM đã bước sang năm thứ 7. Tương tự những năm trước, giải năm nay tiếp tục có các cự ly 10/15/21/42/70/100km.

"Đây là cự ly marathon địa hình rất khó khăn chỉ dành cho các VĐV giàu kinh nghiệm và đang tìm kiếm cho mình một thử thách thực sự. Đường chạy sẽ đưa bạn tới những vùng ít người ghé thăm", phần giới thiệu về cự ly 42km của BTC đưa ra vừa như một thách thức, nhưng với runner thì đó là câu chào hàng đầy lôi cuốn, mê hoặc.

Vậy nên đã có hơn 800 người "xuống tiền" mua suất đăng ký chạy cự ly này với giá không hề rẻ, trên tổng số khoảng hơn 4.000 (toàn giải).

Gần 3 năm, tham dự  2 kỳ VMM liên tục ở cự ly 21km, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm chạy. Hành trang mang theo đến với giải năm nay ngoài những vật dụng như bất cứ runner nào, còn có kinh nghiệm từ Đà Lạt Ultra Trail cự ly 21km, Vietnam Jungle Marathon cự ly 25 ở Pù Luông- Thanh Hóa, các cung trail Đồng Đò, Ba Vì...

Cho thấy rằng tôi cũng quen thuộc với việc phải leo núi và đủ kiến thức để hình dung rằng nó vất vả ra sao. Sự chủ quan xuất phát ngay từ trong suy nghĩ.

Cung đường 42km biến tôi thành xác sống trong 14 tiếng như thế nào? - 2

PV Báo Dân trí tham dự chặng đua 42km.

Quả nhiên, mọi thứ diễn ra không như hình dung, mà khó khăn hơn rất nhiều.

7h sáng, hành trình bắt đầu. Thời tiết rất thuận lợi, mát mẻ và không mưa. Đúng như mô tả của BTC, sau 3km đầu tiên "khởi động" ở đoạn đường nhựa, đoàn đua trên dưới 800 con người bắt đầu nối hàng leo ngược mặt lên trời.
Cung đường 42km biến tôi thành xác sống trong 14 tiếng như thế nào? - 3
Lược đồ mặt cắt cung đường 42km- VMM 2019
Những cơn mưa rừng kéo dài dai dẳng từ mấy ngày trước khiến cho con đường mòn trở nên trơn trượt, nhão nhoét. Thử tưởng tượng ra ở một lối mòn men theo dốc dựng đứng, hàng nghìn người chen chúc nhau thi chạy, thì mặt đường nát nhuyễn đến thế nào!
Cho nên chỉ sau 5km nhập cuộc, tôi đã thấy chân mình bất ổn, bắp chân có hiện tượng căng cứng, tiếp đó là cơ đùi. Sau khoảng 8km thì các phần cơ do vận động nhiều, đều căng cứng.
Bước chạy tôi đã trải khắp từ cao nguyên Lâm Đồng tới Pù Luông, Thanh Hóa, những dãy núi trong quần thể Hoàng Liên cũng trải nghiệm qua 2 lần, đó là chưa kể cuộc leo bộ 4 ngày 3 đêm lên Fansipan hơn chục năm trước, nhưng chưa lần nào tôi thấy đốt sức nhanh và mãnh liệt như lần này.
Dốc như vô tận, cao lên bao nhiêu thì tụt xuống bấy nhiêu, lên khó một phần, xuống khó ba bốn phần, cảnh vật xung quanh đẹp vô cùng nhưng ai cũng phải để mắt vào những bước chân, bởi chỉ sơ sểnh là trượt ngã. Ngã nhẹ thì ê ẩm, nặng hơn có thể gãy tay, gãy chân.
Cuộc so tài về sức bền
Cung đường 42km biến tôi thành xác sống trong 14 tiếng như thế nào? - 4

Các đường chạy địa hình là cuộc so tài về sức bền.

Xung quanh tôi, những VĐV khác cũng rã rời không kém. Khó là khó chung. Những người khỏe hơn họ đã chạy đi trước, người yếu hơn thì tất nhiên còn tụt lại phía sau.

Người khỏe và giàu kinh nghiệm, tập luyện tốt, thì họ coi chạy trail (chạy địa hình) là cuộc dạo chơi phong nhàn. Có người thì coi đó là những bữa ăn nối tiếp nhau (ăn luôn miệng).

Với tôi, đường chạy trail đúng là một cuộc tra tấn sức bền và đi tìm giới hạn chịu đựng của bản thân. Tới CP5 (check point- trạm nghỉ 5) là được khoảng hơn 20km, tôi dừng lại ăn trái cây và nạp nước. Hàng chục VĐV đang đứng xúm quanh một nồi mì tôm to, tôi cũng chìa tay xin 1 cốc nhỏ (loại cốc giấy dùng 1 lần).

Bữa sáng tôi ăn khá no, nhưng những năng lượng tích lũy được có lẽ đã bốc hơi sạch sẽ khi vượt qua mấy triền núi ngút ngàn hoa dại. Giờ đói ngấu, ăn gì cũng ngon! Tôi nhồi thêm ít hoa trái, lấy thêm nước, để tiếp tục hành trình. Nhủ lòng đã được 1/2 đường rồi, còn nửa nữa cũng chẳng đáng lo.

Tôi mất 6 tiếng để chạy từ điểm xuất phát tới đây, kế hoạch đề ra là 10 tiếng kết thúc, chắc chắn là phá sản rồi.Nhưng như vậy cũng không sao, về được là được!Ở mỗi CP ban tổ chức đều đưa ra 1 mốc thời gian gọi là COT(cut-off time), về tới điểm CP sau thời gian này, VĐV sẽ bị loại.

COT ở CP 5 là 3:30pm, tôi về lúc 1:00pm, sớm hơn 2,5 tiếng so với quy định, cho thấy tốc độ di chuyển ở đoạn này của tôi không quá tệ. Nhưng đó hình như lại là sai lầm về chiến thuật. Việc di chuyển quá nhanh so với khả năng khiến cho các khối cơ nhanh mỏi hơn.

Rời khỏi CP5, sau khi nai nịt gọn ghẽ, rút lại dây giày, tôi bàng hoàng nhận ra mình... không đi được nữa. Thời gian nghỉ kéo dài khoảng 20 phút ở đây khiến các bó cơ nguội đi (theo cách gọi nôm na của dân chạy), và chỗ nào đau thì phát tác rõ rệt. Tôi nhận ra ngay phần sau đầu gối phải (khoeo chân) đau đến mức không nhấc được chân lên.

Để hết đau rất đơn giản, chỉ cần ngừng vận động vài ba hôm, nghĩa là tôi đang đối mặt trực tiếp với DNF ngay từ phút giây này.DNF là một thuật ngữ trong chạy bộ, viết tắt của từ did not finish, nghĩa là "không hoàn thành".

Trải nghiệm chạy đêm

Cung đường 42km biến tôi thành xác sống trong 14 tiếng như thế nào? - 5

Chạy đêm trên đỉnh núi Đá Bạc- Sapa (Ảnh: Bảo Trung).

Dù được đồng đội tiếp sức nhiệt tình, nhưng với cái chân đau tôi dần tụt lại phía sau. Tới cây số thứ 30 thì không thấy bóng dáng thân quen nào phía trước. Tôi buộc phải chấp nhận sự thật mình sẽ về sau, hoặc bỏ ngang, chấp nhận DNF. Đến đây thì đồng hồ thể thao cũng hết pin, nên đeo lên tay chỉ có tác dụng trang trí.

Tôi tập tễnh lê bước trên con đường mòn xuyên qua những ruộng bậc thang, những con suối nhỏ, thoắt cái đã thấy bóng ngả non tây.

Khung cảnh buổi chiều ở Tây Bắc vừa nên thơ lại vừa hoang vu, đáng lẽ sẽ rất yên ả nếu không có cơ man người chạy quấy quả. Xa xa, những ngọn núi nhấp nhô dần đổi màu xanh thẫm, báo hiệu một ngày tàn. Những em bé đứng ngơ ngác nhìn đám người mặc đồ xanh đỏ chạy qua, gặp ai cũng huơ tay "hello", rất đáng yêu. Những bà mế móm mém phần vì hiếu kỳ, cũng lọ mọ đứng chen ra đường nghiêng ngó. Trâu bò gà lợn cứ rối rít vì nếp sống bị đảo lộn (đường chạy đâm qua nhiều chuồng trâu, chuồng lợn), thành ra khung cảnh buổi chiều có phần hơi hỗn loạn, đặc biệt ở các CP.

Từ CP cuối, CP số7, hành trình từ đây về đích còn tầm 8km và phải leo qua đỉnh Đá Bạc cao xấp xỉ 1400m, một ngọn núi trứ danh mà bất cứ VĐV nào chạy VMM 21km trở lên đều được nếm qua. Bên trong CP, một cảnh tượng náo nhiệt hơn hẳn mọi lần tôi chứng kiến. VĐV người nằm người ngồi, một số bò la liệt sóng soài ra nền đất. Tổ y tá luôn tay bóp nắn, xịt thuốc tê lên chỗ đau những người chấn thương.

Tôi tự nhủ chấn thương của mình xem ra cũng chưa nhằm gì so với những người nằm kia. Có người chuột rút hết chân lại đến bụng... Trông người mà nghĩ đến ta, tôi lặng lẽ rút ra 2 viên muối nuốt luôn, với thêm quả chuối rồi đeo đèn cầm gậy, đứng bật dậy rời đi.

Lúc bắt đầu đi khỏi CP 7 trời còn nhá nhem, nhưng vừa bước chân vào rừng trúc thì màn đêm như chực sẵn, chỉ chờ tôi bước vào là tỏa ra bủa vây. Quả thực lúc đầu tôi cũng định tụ họp lấy 5-7 người, kết thành một hội cùng đi, để vạn nhất có trắc trở gì thì hỗ trợ nhau, sau thấy mình di chuyển chậm chạp, bước lê từng bước, có đi thành hội thì rồi cũng bị tụt lại, nên tôi lại dấn bước quyết định độc hành.

Lúc này tôi mới thấy cảm giác ớn lạnh trước thiên nhiên. Ánh sáng yếu ớt bị bóng đen nuốt dần, chiếu lên nền đất loang lổ những hình thù mờ ảo đầy đáng sợ. Suối chảy đâu đó ngay dưới chân, tiếng rào rào rất xiết. Không gian đặc tiếng côn trùng than khóc nỉ non hết lớp này đến lớp khác. Quanh quẩn đâu đây không một tiếng bước chân nào khác trừ tôi. Thôi cứ dấn bước, kệ tới đâu thì tới!

Nhưng những nỗi sợ mơ hồ ấy, chỉ tới và đi thoáng qua. Trời sập tối hẳn, tôi bật đèn pin. Một vùng trước mặt sáng trắng, soi rõ từng bước chân. Những con thiêu thân ở đâu bay đến lao bổ lia lịa vào mặt.

Chỉ một hai phút sau đã nghe thấy lao xao tiếng người, tốp phía sau họ đã đuổi lên kịp tới chỗ tôi. Quay lại thấy ánh đèn lấp lóa như soi ếch, người có đèn người không, dò dẫm từng bước.

Bất giác tôi liên tưởng tới câu thơ của Chế Lan Viên:

- Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi

Thi hào Chế Lan Viên dẫu có sống dậy cũng không  thể ngờ câu thơ trong tưởng tượng của ông, ngoài đời thực thì ra cũng có. Có điều nhân vật không phải ma mà là người. Người dắt người mò mẫm giữa rừng.

Tôi vẫn lầm lũi bước từng bước khó nhọc, những chỗ phải trèo, thì nhấc một chân lên trước, chân kia sẽ kéo theo sau, lò dò từng bước, có lúc tiến mà động tác như lùi. Những toán chạy bộ đi sau họ vượt qua tôi không biết bao nhiêu mà kể.

Chiến đấu với bản thân

Lúc này tôi thấy căm giận mình quá, sao tôi lại ngu xuẩn đăng ký một chặng đường quá dài và quá sức thế này, nhà còn bao việc! Mấy đứa con ở nhà chắc mong bố lắm, nhất là đứa bé. Tôi lại nghĩ tới cảnh chạy về Topas (điểm đích) năm ngoái, trong một buổi chiều vàng rực không thể đẹp hơn, như một thước phim quay chậm lại trong đầu.

Nếu chỉ chạy 21km thì giờ này tôi đã ngồi khểnh uống bia cùng "đồng bọn", lướt facebook xem ảnh ọt, tôi nghĩ đến đủ thứ. Thậm chí tôi ám ảnh giờ nếu có 1 con rắn độc đi kiếm ăn đêm bổ 1 phát vào chân thì lấy gì ga-rô, chắc có lẽ là dây quần chạy, rồi lại tự nhủ nếu có rắn thì cũng không đến lượt mình bị cắn...

Tự vấn đáp 1001 chuyện, rồi cũng lên tới đỉnh Đá Bạc. Đó là một bãi cỏ xanh tốt, có nhiều hoa mua, hoa sim "tím chiều hoang biền biệt". Ban ngày thì đẹp lắm. Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Chỗ này mà ban ngày thì tha hồ lăn lê sống ảo. Tôi đã ở đây vào ban ngày 2 lần, 2 giải VMM trước.

Từ xa, tiếng sáo ở đâu theo gió vọng đến, véo von réo rắt cất lên một man điệu. Nếu tôi không biết trước ở chỗ bãi cỏ trên đỉnh Đá Bạc có 1 sân khấu nhỏ và 1-2 nghệ sĩ sáo địa phương (như đã biết trước từ VMM 2018), không khéo hồn xiêu phách lạc, vì tôi đã đọc "Ai hát giữa rừng khuya" của Đái Đức Tuấn, cuốn sách sậm mầu liêu trai nhiều lần. Trong sách đó có miêu tả ma hát rất hay.

Đến đây, đích chỉ còn cách 5km (theo thông tin của ban tổ chức), nhưng thực tế có lẽ phải 8km. Đây mới chính là "nút thắt" của đường đua.

Như một lời nguyền, đoạn xuống dốc lổn nhổn đá hộc dài như vô tận từng quật gục không biết bao nhiêu runner. Tôi từng chứng kiến nhiều người ngồi thẫn thờ dọc theo dốc này vì mệt và đau, không thể bước tiếp.

Năm nay đoạn đường kinh hãi này đã được đổ bê tông. Bước chân đã quá chán, gậy không buồn chống, cứ loẹt quẹt kéo lê, nước không buồn mút, ống ti-ô để thõng thượt. Cả cơ thể cứ thế phó mặc cho trọng lực kéo trôi..., một lát lại đổi thế đi giật lùi. Rồi mãi cũng hết dốc... Nhà tổ chức cũng khéo bày trò, hết dốc lại phải di chuyển thêm 2-3km đường nhựa nữa, mới là về đích.

Ánh đèn sân khấu rọi hất lên nền trời, cùng với tiếng nhạc huyên náo, cho thấy đích đã trước mặt. Vậy là tôi chắc chắn sẽ hoàn thành. Tôi cảm thấy phấn chấn hẳn. Hạnh phúc khôn tả của người chạy bộ là khi mình về nhìn thấy cuối con đường.

Tất cả những khó nhọc, bao nhiêu thử thách, cảm giác như gió thoảng. Hành trình 14 tiếng vượt qua 42km đường rừng, chỉ thấy như thoáng chốc. Không gì có thể ngăn trở! Vẫn tập tễnh bước, tới khi nhìn thấy cổng Finish thì tôi vùng lên chạy. Phải chạy chứ! Phía trước đang rất nhiều người đứng chúc mừng, nhiều máy ảnh chĩa vào từng runner!

Tôi dốc nốt chút sức tàn chạy cố vài bước biểu diễn. Tiếng MC đọc tên tôi vang lên, làm bao đớn đau như vụt tan. Vậy là tôi đã về đích thật rồi. Thật tuyệt vời! Tôi mất 14h:05, đứng thứ 417 trong tổng số 725 người cán đích.

Trong chặng đường này, những người Việt đạt thành tích cao có VĐV Trịnh Nam Hải đoạt Nhì nam với thành tích 6:20:10; VĐV nữ Lê Thẩm Thúy Hằng với thành tích 7h:08:52. 42km trèo đèo lội suối chỉ với ngần ấy thời gian, gọi họ là "siêu vận động viên" cũng thật xứng đáng!

Ngoài ra, con số DNF không có thống kê cụ thể nhưng không nhỏ. Một cuộc đua sức hoàn toàn không phù hợp nhưng tôi đã trót bước chân vào cuộc gian nan, ý chí không cho phép đầu hàng.

Chạy bộ địa hình không phải một trò chơi, nếu không tập luyện nghiêm túc thì nó không khác gì một màn tra tấn thể lực. Cuộc chơi này tôi đã thua trắng nếu như không dựa vào ý chí. Trong 3 ngày kế tiếp, đặc biệt ngày hôm sau, tôi di chuyển như một xác sống, đặc biệt mỗi khi lên xuống cầu thang...

Chạy bộ sẽ rèn luyện một lối sống tích cực và giàu ý chí hơn, nâng cao thể lực. Tôi cũng hy vọng những ai có thời gian đọc bài viết đến dòng cuối này, nếu có thể hãy dành khoảng thời gian tương tự để chạy bộ mỗi ngày. Duy trì đều đặn, bạn sẽ thấy cuộc sống thay đổi!

Bảo Trung