1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao

Chuyển nhượng ở Premier League: “Hàng” Anh bị “xếp xó”

(Dân trí) - Những “món hàng” người Anh đang thất thế ngay trên sân nhà. Theo thống kê, 90% số tân binh của Premier League mùa này là những “lính đánh thuê” nước ngoài. Một con số báo động cho đất nước này.

Nói không với “hàng” Anh!

Gonzalo Higuain, Isco, Luis Alberto…những “ngôi sao” sáng giá của bóng đá thế giới sắp cập bến Premier League. Đó là niềm vui cho những người hâm mộ giải đấu này nhưng là nỗi cay đắng với bóng đá Anh.

Những cầu thủ Anh gần như không được “ngó” tới trên thị trường chuyển nhượng

Những cầu thủ Anh gần như không được “ngó” tới trên thị trường chuyển nhượng

Bóng đá Anh không thiếu những “ngôi sao”, hàng tốp như Wayne Rooney cũng có, những cầu thủ triển vọng (theo giới truyền thông) thì nhan nhản (đặc biệt, phần lớn trong số đó đều khoác áo những CLB trung bình, yếu).

Thế nhưng, chưa bao giờ những nhà làm bóng đá ở Anh cảm thay đau đớn như lúc này khi những cầu thủ Anh bị “ghẻ lạnh” bởi chính những CLB ở quê nhà. Theo thống kê, tính tới thời điểm này, Premier League đã hoàn tất 26 thương vụ nhưng chỉ 3 trong số đó (chiếm khoảng 10%) có quốc tịch Anh.

Trong đó, món hàng đáng kể nhất, Andy Carroll, người vừa chuyển tới West Ham từ Liverpool với giá 15 triệu bảng, lại được xem là thất bại. Đơn giản, đó là bước lùi trong sự nghiệp của cầu thủ từng được đánh giá triển vọng nhất nước Anh (từng tỏa sáng tại Euro 2012 vừa qua).

Trong khi đó, hai bản hợp đồng còn lại như Duncan Watmore (Altrincham- Sunderland) hay Danny Whitehead (Stockport-West Ham) gần như không nhận được nhiều sự kỳ vọng, bởi đó đều là những cái tên còn khá vô danh và chưa chắc cạnh tranh được vị trí với những cầu thủ nước ngoài ở CLB mới.

Bóng đá Tây Ban Nha vẫn cho thấy sự “phủ sóng” lớn ở Anh. Sau thành công của David Silva, Michu, Juan Mata, Santi Cazorla…dường như những CLB ở xứ Sương mù khá ưa thích những “món hàng” ở xứ Bò tót.

Áp lực thành tích ở Premier League đang đẩy bóng đá Anh xuống vực thẳm

Áp lực thành tích ở Premier League đang đẩy bóng đá Anh xuống vực thẳm

Mùa Hè này, Premier League đã đón tới 6 cái tên tới từ Tây Ban Nha, có thể kể ra như Jesus Navas (Sevilla-Man City), Iago Aspas (Celta Vigo-Liverpool), Javier Garrido (Lazio-Norwich), Jose Canas (Betis-Swansea), Adrian (Betis-West Ham) và Antonio Luna (Sevilla-Aston Villa). Chắc chắn, trong thời gian tới, với sự góp mặt của HLV Pellegrini ở Man City, làn sóng cầu thủ Tây Ban Nha cập bến Premier League không dừng lại.

Một trong những nguyên nhân chính được lý giải cho thực tế đáng buồn này là sự thất thế của những HLV người Anh trên băng ghế huấn luyện. Hiện tại, chỉ có 3 chiến lược gia có quốc tịch Anh cầm quân tại giải đấu này, đó là Ian Holloway (Crystal Palace), Steve Bruce (Hull City) và Sam Allardyce (West Ham), trong đó có 2 HLV vừa mới chập chững lên hạng.

Tất nhiên, những HLV nước ngoài thường không có ý thức bảo vệ, phát huy tài năng của những cầu thủ Anh như những HLV bản địa. Thay vào đó, họ sẽ kéo thêm những đồng hương để tạo thêm vây cánh (Mourinho, Wenger hay Benitez là những HLV tiêu biểu).

Ngoài ra, áp lực thành tích buộc họ phải chiêu mộ những cầu thủ chất lượng (bất kể quốc tịch nào). Trong khi đó, xét về chất lượng, những cầu thủ Anh (đặc biệt là những người triển vọng) chưa thể so sánh được với những người đồng nghiệp đổ bộ về Premier League.

Thất bại của đội U21 Anh vừa qua đã cho thấy sự xuống dốc này

Thất bại của đội U21 Anh vừa qua đã cho thấy sự xuống dốc này

Lời kêu cứu của người Anh

Thất bại của đội U21 Anh ở giải vô địch châu Âu vừa qua (toàn thua cả 3 trận vòng bảng) chính là “cú tát” vào tham vọng của những nhà làm bóng đá ở Anh. Tới mức, Chủ tịch FA, Bernstein đã phải lên tiếng kêu gọi những CLB ở Premier League ngừng chiêu mộ những cầu thủ nước ngoài. Ông nói: “Tôi tôn trọng Premier League nhưng thành công của giải đấu này đã khiến giải đấu mất cân bằng trầm trọng”.

Dù hiện tại, FA đã buộc những CLB Premier League đăng ký những cầu thủ “cây nhà là vườn” tham dự giải đấu này nhưng có thể thấy, hầu hết các đội bóng cũng chỉ thêm vào cho “đủ đội hình”.

Những “điểm sáng” hiếm hoi như Raheem Sterling hay Alex Oxlade-Chamberlain chỉ gây ấn tượng trong giai đoạn nhất định, trước khi nhường chỗ cho những cầu thủ nước ngoài (Coutinho, Podolski…).

Rõ ràng, đã đến lúc FA phải vào cuộc để cứu cả nền bóng đá đang “chết chìm” vì thương mại. Rất có thể, thất bại của ĐT U21 vừa qua sẽ mở ra cuộc cách mạng chuyển nhượng ở Premier League.

H.Long