1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Chuyện HLV Miura, các đội trẻ của bầu Đức và chuyện bóng đá nội

(Dân trí) - Người ta thường nhận định cầu thủ xuất thân từ lò của bầu Đức là cầu thủ hay. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ không thông qua thực chiến trên sân cỏ thì làm sao biết hơn hoặc kém người khác? Trong khi các đội trẻ của bầu Đức toàn bỏ các giải trẻ...

Không thông qua thực chiến, làm sao đánh giá hơn hoặc kém?

Ví như câu chuyện truyền miệng rằng lứa U19 Việt Nam năm ngoái với thành phần nòng cốt là những cầu thủ xuất thân từ học viện của bầu Đức, tốt hơn hẳn những lứa cầu thủ khác cùng thế hệ của bóng đá nội.

Tuy nhiên, cần phải thực tế chỗ này, các đội bóng của bầu Đức đã tham dự giải U19 cấp quốc gia lần nào đâu mà biết hay hơn hoặc kém hơn các lò khác.

Dĩ nhiên, mỗi lò đào tạo có một phương pháp khác nhau. Chuyện học viện của bầu Đức chủ trương không cho cầu thủ đá giải trước khi “xuất xưởng” là chuyện của họ. Nhưng trong bóng đá, chẳng có lý thuyết nào bằng thực chiến, mà đã không thông qua thực chiến, thì căn cứ vào đâu để đánh giá cầu thủ xuất thân từ lò HAGL-Arsenal.JMG giỏi hơn nơi khác?

Và nếu lò của bầu Đức đủ sức sản sinh ra toàn cầu thủ giỏi, chẳng biết họ cầu viện đến lò Viettel, mượn cho bằng được trung vệ Tiến Dũng để làm gì? Rồi vì sao họ lại lận đận đến thế ở V-League?

Chuyện HLV Miura, các đội trẻ của bầu Đức và chuyện bóng đá nội
Cầu thủ xuất thân từ "lò" HA Gia Lai được khen là giỏi, nhưng kỳ thực họ chưa hề chứng minh họ giỏi hơn các đội bóng nội khác thông qua thực chiến

Cũng đừng cho rằng vì Công Phượng và các đồng đội còn trẻ nên chưa thể khuấy động V-League. Cứ nhìn vào trường hợp của Khánh Hòa sẽ thấy ngay ví dụ khác. Cầu thủ của Khánh Hòa không nhiều tuổi hơn HA Gia Lai đâu. Họ cũng mới lần đầu đá V-League, nhưng thành tích của đôi bên thì khác hẳn.

Trong bóng đá, nếu đã trưởng thành thì người ta trưởng thành rất nhanh, như dàn cầu thủ trẻ của Khánh Hòa già dặn hẳn chi sau 1 trận thua trước chính… HA Gia Lai ở vòng 1 V-League. Còn nếu không trưởng thành, thì đấy còn là vấn đề liên quan đến năng lực, chứ không đơn thuần nói chuyện non hay không non.

Đừng quên Nguyễn Hồng Sơn trở thành vua phá lưới giải vô địch quốc năm 1990 khi mới 20 tuổi. Ở tuổi trên dưới đôi mươi, Huỳnh Đức, Minh Chiến, đã giúp cho CA.TPHCM ngày nào gia nhập hàng ngũ đội mạnh, còn Hữu Đang đá giải vô địch quốc gia khi mới bước qua tuổi… 16.

Chuyện của cầu thủ U19 Việt Nam năm ngoái và chuyện của HLV Miura

Quay trở lại với vấn đề cầu thủ trẻ nếu đã cho thấy dấu hiệu trưởng thành thì trưởng thành rất nhanh. Ngay ở HA Gia Lai bây giờ cũng vậy, Công Phượng tiến bộ chóng mặt sau vài lần xuất hiện tại V-League, và nhất là sau khi trở về từ đội tuyển U23 Việt Nam.

Thế nhưng, cũng trong lứa ấy, không phải cầu thủ nào cũng làm được điều mà Công Phượng đang làm. Thế thì câu hỏi đặt ra ở đây là họ không tiến bộ được do môi trường, hay do năng lực của họ chỉ đến đó?

Dĩ nhiên, cũng không dễ để trả lời thấu đáo câu hỏi này. Chỉ biết rằng cùng một lò đào tạo, thậm chí cùng một lứa, nhưng chắc chắn không phải sản phẩm nào cũng có chất lượng giống sản phẩm nào. Ví dụ, Messi xuất thân từ lò đào tạo La Masia của Barcelona, thử đặt câu hỏi tại sao La Masia biết Messi giỏi, lại không cho ra lò 5 – 10 – 15 – 20, mà chỉ 1 Messi?

Thành ra, chuyện Công Phượng càng đá càng lên chân, rồi được trọng dụng ở đội tuyển U23 Việt Nam trong khi các đồng đội cùng trang lứa, cùng xuất thân từ lò đào tạo giống anh lại không được gọi, cũng có tính chất tương tự. Tức là không phải ai cũng đáng được gọi.

Thế nên, đừng vội cho rằng HLV Miura dành chỗ hay không dành chỗ cho các cầu thủ xuất thân từ học viện của bầu Đức, không chỉ ở SEA Games 2015 mà còn ở SEA Games 2017, bởi đầu tiên thử hỏi ngược lại, họ đã chứng minh mình xứng đáng hay chưa, thông qua các giải trẻ cấp quốc gia (họ đâu thi đấu), hoặc thông qua V-League (họ còn đứng dưới hẳn các đội khác)?

Riêng câu chuyện HLV Miura hoặc bất kỳ nhà chuyên môn nào khác chọn cầu thủ ra sao ở SEA Games 2 năm nữa là câu chuyện càng chẳng ai dám chắc. Ví dụ, ở World Cup 2018 sau đây 3 năm, người ta có đoán được Messi hay hơn hoặc dở hơn bây giờ hay không?

Cỡ Messi mà còn vậy, huống hồ là người khác. Vì vậy, bàn chuyện nên hay không nên thay HLV đội tuyển vì ông ấy dùng hay không dùng một hoặc một vài cầu thủ cho một giải đấu tận 2 năm nữa mới diễn ra thì e rằng hơi vội (chuyện đấy còn phụ thuộc vào phong độ, tốc độ thăng tiến của từng cầu thủ).

Riêng chuyện cầu thủ của bầu Đức hay hơn hoặc kém hơn các lò đào tạo khác để xứng đáng hay không xứng đáng nhận suất đặt cách gia nhập các đội tuyển cũng là chuyện không ai dám khẳng định, vì như đã nói, họ có tham gia thi đấu thực tế đâu mà biết họ hay hoặc dở (U17 HA Gia Lai cũng không dự giải quốc gia 2015)?

Trọng Vũ