1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Chấn thương ở đội tuyển U23 Việt Nam: Khác biệt từ những bài tập

(Dân trí) - Một số tuyển thủ chấn thương trong các buổi tập gần nhất của đội tuyển U23 Việt Nam, số khác bắt đầu cảm nhận được rằng tập luyện với HLV Miura khắc nghiệt hơn hẳn so với khi tập ở CLB. Nhưng đấy là bóng đá chuyên nghiệp, là cách để nâng cao thể lực.

Nhóm cầu thủ đến từ HA Gia Lai của bầu Đức như Công Phượng hay Tuấn Anh đã nói về những khác biệt trong các buổi tập do HLV Miura chỉ huy, so với những gì mà họ quen thuộc suốt 7 năm qua.

Đấy là những bài tập theo hướng tăng độ khó và tăng cường độ vận động cho các cầu thủ. Với cầu thủ HA Gia Lai, có thể họ chưa quen điều này, vì HLV quen thuộc của họ là ông Graechen Guillaume chỉ là chuyên gia đào tạo trẻ. Ông này không quen với các bài tập giúp các cầu thủ tăng cường sức chịu đựng, và cũng không quen với cường độ tập luyện của bóng đá đỉnh cao.

Cầu thủ Olympic Việt Nam cần thích nghi với những bài tập mới - Ảnh: Gia Hưng

Cầu thủ Olympic Việt Nam cần thích nghi với những bài tập mới - Ảnh: Gia Hưng


Sự khác nhau về hiệu quả của các bài tập có lẽ không cần phải nhắc lại. Những bài tập của HLV Miura có thể rất căng, rất nặng, nhưng lúc thi đấu cầu thủ nhờ qua các bài tập ấy mà đủ thể lực đảm bảo tốc độ và đủ thể lực để đeo bám đối phương.

Ngược lại, các cầu thủ HA Gia Lai hơn 1 năm qua quen tập nhàn, nhưng vào sân thì thường hụt hơi ở cuối trận và lại kém trong va chạm – vốn là điều bắt buộc trong bóng đá đỉnh cao.

Mà cũng không riêng gì trường hợp của HA Gia Lai hay những cầu thủ đến từ đội bóng phố núi, nhiều người khác trong những ngày qua cũng chấn thương (như Phúc Tịnh), hoặc phải tập riêng (Xuân Trường, Duy Mạnh).

Những cầu thủ này dường như cũng chưa theo kịp cường độ tập luyện khá căng nơi đội tuyển. Nhưng không thể trách HLV Miura về mặt này, bởi những gì vị HLV người Nhật đang làm không xa lạ với bóng đá đỉnh cao, chỉ hơi lạ với bóng đá Việt Nam, nơi các CLB tập khá qua loa, đến khi góp quân cho đội tuyển thì quân không thích nghi được với sự chuyên nghiệp thực thụ.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà gần đây HLV Miura nổi cáu với cách chơi bóng rề rà của nhiều tuyển thủ đang góp mặt ở đội U23, cụ thể là họ không theo kịp tốc độ phát triển bóng, vẫn đá lắt nhắt và giữ bóng lâu quá mức cần thiết.

HLV Miura luôn khắt khe với các học trò - Ảnh: Gia Hưng
HLV Miura luôn khắt khe với các học trò - Ảnh: Gia Hưng

Đấy cũng là thói quen xấu của các cầu thủ nội ở từng CLB. Họ chưa hiểu hết khái niệm về cái đẹp và chất kỹ thuật trong bóng đá hiện đại là phục vụ lối chơi nhanh, tiếp cận với khung thành đối phương theo hướng dễ nhất, gọn nhất, chứ không phải lạm dụng kỹ thuật để làm phức tạp hóa vấn đề.

Các tuyển thủ hiện tại phải hiểu tập như thế nào thì đá như thế nấy, có tập nghiêm túc thì mới thì mới chịu đựng nổi cường độ khi thi đấu. Những khó khăn của các cầu thủ hiện nay phải chịu cũng là những khó khăn mà các đàn anh của họ đã trải qua, khi HLV Miura mới nắm đội Olympic Việt Nam và đội tuyển quốc gia.

Riêng thành quả của việc đổ môi trên sân tập đến đâu thì cứ nhìn vào thành tích của đội tuyển Olympic ở Asiad 17 và của đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2014 sẽ khắc thấy vị HLV người Nhật đang làm đúng hay sai!

Trọng Vũ