1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Cải tiến chất lượng các giải trẻ để nâng tầm đội tuyển Việt Nam

(Dân trí) - Một trong những vấn đề mấu chốt để cải thiện chất lượng nền bóng đá là cải thiện chất lượng bóng đá trẻ. Phải tăng khả năng cọ xát cho các cầu thủ trẻ, thay cho cách làm mang nặng tính phong trào như hiện nay.

Tăng số lượng trận đấu

HLV Hoàng Anh Tuấn của đội tuyển U19 Việt Nam từng cho rằng các giải trẻ ở các lứa tuổi thi đấu quá ngắn ngày. Theo ông Tuấn thì khoảng thời gian chừng 1 tháng, từ vòng loại cho đến VCK đối với các cầu thủ trẻ là chưa đủ, là quá ít trận đấu để các cầu thủ có thể tăng cường cọ xát, nâng cao kinh nghiệm và bản lĩnh.

Từ lứa U19 trở lên (U19 và U21) lại là tương lai gần của nền bóng đá, nên việc họ ít điều kiện được thi đấu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các cầu thủ đỉnh cao về sau, khi những cầu thủ trẻ này trưởng thành, rồi khoác áo các đội chuyên nghiệp.

Sở dĩ người ta hay ca ngợi lứa cầu thủ U19 của bầu Đức năm 2013 và 2014 phát triển nhanh hơn những cầu thủ đồng trang lứa, cũng bởi vì lứa này được thi đấu rất nhiều trong giai đoạn họ… gần lớn.

Chỉ tính riêng trong khoảng 1 năm từ cuối 2013 đến cuối năm 2014, những Công Phượng và các đồng đội đá trên dưới 30 trận đấu lớn, nhỏ khác nhau. Thông qua việc được thi đấu nhiều như vậy, chắc chắn họ trưởng thành ít nhiều.

 

ĐT Long An là điển hình cho tình trạng nhiều CLB làm bóng đá lâu năm, nhưng ít chú ý đến khâu đào tạo trẻ (ảnh: Nguyễn Đình)
ĐT Long An là điển hình cho tình trạng nhiều CLB làm bóng đá lâu năm, nhưng ít chú ý đến khâu đào tạo trẻ (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Thành ra, muốn các cầu thủ trẻ nhanh phát triển, cách tốt nhất vẫn là tăng tính cọ xát, tăng số trận đấu của họ mỗi năm. Cũng thật lạ ở chỗ các CLB tại V-League có thể chi rất nhiều tiền để thuê cầu thủ ngoại, nhưng dường như lại tiết kiệm hơi quá mức cho công tác đào tạo trẻ. Thậm chí có nhiều đội bóng còn không có đủ các tuyến trẻ, một số đội khác lại làm theo kiểu đối phó, dạng đến các giải mới gom quân, mượn quân, hết giải thì giải tán.

Bỏ cách làm hình thức

Thực tế này tồn tại ở ngay cả những CLB có đến hơn chục năm làm bóng đá đỉnh cao như HA Gia Lai, hay ĐT Long An. Trước khi lứa Công Phượng và các đồng đội “ra lò”, HA Gia Lai hầu như chẳng có lứa trẻ nào đáng chú ý. Sau lứa Công Phượng, Gỗ tiếp tục hình thành khoảng trống mênh mông, khi liên tiếp bỏ đến 3 giải trẻ cấp quốc gia ở mùa giải 2015.

ĐT Long An từ khi làm bóng đá chuyên nghiệp đến nay cũng hầu như không gây được tiếng vang ở các giải đấu trẻ. Số lượng cầu thủ xuất thân từ chính lò đào tạo của Gạch góp mặt ở các đội tuyển quốc gia càng hiếm hoi (Tài Em gần như là trường cá biệt). Số CLB làm đỉnh cao lâu năm nhưng ít quan tâm đến bóng đá trẻ còn phải kể thêm HP Hà Nội, Hà Nội ACB, V.Ninh Bình… trước đây.

Điều này dứt khoát phải thay đổi, không chỉ từ tư tưởng và phương thức làm bóng đá của các ông chủ những CLB, mà còn từ phương thức điều hành và kiểm soát của những người đóng vai trò điều hành nền bóng đá.

Cầu thủ trẻ cần nhiều trận đấu hơn, các giải trẻ cấp quốc gia nên được tính toán từ phương thức chia nhỏ các bảng đá vòng loại, rồi sau đó là VCK ngắn ngày, chuyển sang phương thức đá dạng league như các quốc gia phát triển mạnh về bóng đá đang làm. Có thể chưa cần đá theo dạng sân nhà – sân đối phương, mà tìm địa phương đăng cai cho đỡ kinh phí di chuyển, nhưng dứt khoát phải tăng số trận.

Các đội trẻ thi đấu liên tục không những giúp ích cho cầu thủ, mà còn góp phần giảm tình trạng vay mượn quân của nhau, vì đội nào cũng phải đá liên tiếp, còn đâu khoảng trống cho nơi khác mượn quân? Cũng là cách buộc các CLB đỉnh cao quan tâm hơn đến các tuyến trẻ.

Chứ với phương thức tổ chức các giải trẻ như bây giờ, vừa mang nặng tính hình thức, vừa chẳng giải quyết nổi bài toán lực lượng cho bóng đá đỉnh cao.

Mà điển hình mới nhất là trường hợp của Ninh Thuận các năm 2012 và 2013. Địa phương này tổ chức liên tiếp 2 VCK U21 quốc gia cũng như quốc tế, có lúc vào đến trận chung kết. Nhưng lứa cầu thủ nọ sau 2 – 3 năm gần như biệt tăm, bóng đá Ninh Thuận cũng khó có chuyện ngoi lên đỉnh cao, vì thực tế có mấy cầu thủ U21 của năm 2012 và 2013 là người của bóng đá Ninh Thuận?

Kim Điền

 

Cải tiến chất lượng các giải trẻ để nâng tầm đội tuyển Việt Nam - 2