1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Các cầu thủ Nam Mỹ thất bại tại Man Utd như thế nào?

(Dân trí) - Man Utd là một đội bóng lớn tại châu Âu, họ đã sở hữu các cầu thủ tới từ cả năm châu lục trên thế giới. Có điều đáng ngạc nhiên rằng đội bóng thành Manhchester lại đang trở thành mảnh đất dữ đối với cầu thủ Nam Mỹ khi có quá nhiều cầu thủ thất bại.

Cho đến thời điểm hiện tại, Man Utd chiêu mộ cầu thủ từ khắp năm châu, thành công có thất bại có, tuy nhiên riêng khu vực Nam Mỹ thì lại đang trở thành điểm đen khi đa số cầu thủ tới từ khu vực này khoác áo Man Utd đều thất bại, số người thành công không nhiều và thành công rực rỡ trong giai đoạn dài thì tuyệt nhiên không có

Có 16 cầu thủ Nam Mỹ đã gia nhập Man Utd và dưới đây là một số gương mặt tiêu biểu cho sự thất bại.

1. Juan Sebastián Verón (2001-2003)

Các cầu thủ Nam Mỹ thất bại tại Man Utd như thế nào? - 1

HLV Ferguson mắc sai lầm khi chiêu mộ Veron

Mùa Hè 2011, Man Utd chi ra 24,7 triệu bảng để chiêu mộ Juan Sebastián Verón từ Lazio, biến cầu thủ này trở thành cầu thủ đắt giá nhất tại xứ sương mù. Trước khi tới Old Trafford, Veron là ngôi sao tỏa sáng rực rỡ tại Serie A nên xứng đáng với giá trị chuyển nhượng cao. Đáng tiếc “bom tấn” của Man Utd sớm trở thành “bom xịt”, Veron không thích nghi được với bóng đá Anh nên thi đấu mờ nhạt.

Sau hai mùa giải thất vọng không để lại dấu ấn, Veron bị Man Utd bán tháo cho Chelsea. Ở đội bóng thành London, Veron còn tệ hại hơn, chỉ được chơi bảy trận ở Premier League mùa 2003/04 và sau đó không bao giờ xuất hiện trong màu áo của The Blues.

2. Diego Forlan (2002-2004)

Tháng 1 năm 2002, Man Utd chiêu mộ tiền đạo trẻ đang rất nổi Independiente là Diego Forlan. Mặc dù giá trị chuyển nhượng không cao, nhưng kì vọng vào việc phát triển của Forlan rất lớn. Dẫu vậy cầu thủ người Urguguay không thể phát triển ở Old Trafford, hơn hai mùa giải ở Man Utd, anh thi đấu 63 trận ở Premier League ghi vỏn vẹn có 10 bàn.

Hè 2004 Forlan rời Man Utd sang Villarreal và ngay mùa giải đầu tiên tại La Liga, anh ghi tới 25 bàn và giành danh hiệu Vua phá lưới (Pichichi). Quả thật rời Man Utd là quyết định đúng đắn của Forlan bởi này anh phát triển thành một trong những tiền đạo xuất sắc tại châu Âu ở 10 năm tiếp theo.

3. José Kléberson (2003-2005)

Hè 2003 Man Utd quyết định ký hợp đồng với nhà vô địch World Cup người Brazil - José Kléberson để thay thế Juan Sebastián Verón. Tuy nhiên, “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, những ngày tháng Kléberson ở Old Trafford chủ yếu chỉ để dưỡng thương, không ai còn nhận ra một tiền vệ trung tâm xuất sắc của tuyển Brazil vô địch World Cup 2002 tại Anh. Sau hai năm, Man Utd đã bán rẻ Kléberson cho Besiktas.

4. Anderson (2007-2015)

Các cầu thủ Nam Mỹ thất bại tại Man Utd như thế nào? - 2

Từng là một trong những tài năng trẻ triển vọng nhất của  bóng đá thế giới, Anderson đã không thể vươn tầm

Chuyển tới Man Utd sau một mùa giải ấn tượng trong màu áo của Porto, tài năng trẻ người Brazil được đặt rất nhiều kì vọng sẽ phát triển thành một trong những cầu thủ tấn công xuất sắc nhất thế giới. Được trao nhiều cơ hội song 8 năm gắn bó với Man Utd là quãng thời gian chìm nghỉm của Anderson bất chấp “Quỷ đỏ” gặt hái rất nhiều thành công (105 trận tại Premier League, 5 bàn thắng). Chấn thương, mất phong độ, thể lực không tốt khiến sự nghiệp cầu thủ của Anderson tụt dốc không phanh.

5. Radamel Falcao (2014-2015)

Man Utd mượn Falcao từ Monaco với chi phi đắt đỏ ở Hè 2014. Tuy nhiên chân sút người Colombia lại không thể phát huy được “bản năng sát thủ” trước cầu môn. Chỉ ghi được bốn bàn thắng ở Premier League mùa giải 2014/15, Falcao đã bị Man Utd hủy hợp đồng. Mùa giải 2015/16, Falcao tới Chelsea nhưng cũng thi đấu mờ nhạt, chỉ khi về lại Monaco anh mới thăng hoa.

6. Ángel Di María (2014-2015)

Luis Van Gaal thúc giục ban lãnh đạo Man Utd chiêu mộ Ángel Di María từ Real Madrid sau khi cầu thủ người Argentina tỏa sáng ở World Cup 2014. Bản hợp đồng với Di María khiến Man Utd chi ra tới gần 60 triệu bảng, mức phí chuyển nhương cao nhất trong lịch sử của “Quỷ đỏ”. Cũng rất đáng tiếc Di Maria không hợp với lối chơi của Man Utd nên chỉ một năm sau khi chiêu mộ cầu thủ này, Man Utd chấp nhận lỗ 15 triệu bảng để bán anh cho PSG.

7. Marcos Rojo (2014 - hiện nay)

Các cầu thủ Nam Mỹ thất bại tại Man Utd như thế nào? - 3

Man Utd không tìm được đối tác để bán Rojo

Tới Man Utd vào năm 2014 với sự kì vọng sẽ gia cố hàng thủ cho Man Utd, nhưng đóng góp của Rojo cho “Quỷ đỏ” rất hạn chế. Sự vô kỷ luật, chấn thương khiến cầu thủ này mới chỉ thi đấu cho Man Utd có 73 trận sau 5 mùa giải. Hiện tại Rojo đang thuộc diện cần thanh lý của Man Utd, nhưng đội bóng này vẫn chưa tìm được đối tác chuyển nhượng.

8. Alexis Sanchez (2018 - hiện nay)

Tháng 1 năm 2018, Man Utd với Arsenal trao đổi cầu thủ khi họ đón Alexis Sanchez và trả cho Arsenal - Henrikh Mkhitaryan. Tất nhiên để có được sự phục vụ của ngôi sao người Chile, Man Utd phải dành cho anh mức lương khủng, lên tới gần 500 nghìn bảng/tuần. Chỉ đáng tiếc từ khi về Old Trafford, Sanchez không còn giữ được phong độ như thời chơi bóng cho Arsenal, anh mới chỉ ghi được 3 bàn tại Premier League sau 32 trận thi đấu cho Man Utd.

Các cầu thủ Nam Mỹ thất bại tại Man Utd như thế nào? - 4

Angelo Henriquez (phải) không có cơ hội thi đấu một trận chính thức cho Man Utd

Ngoài những ngôi sao kể trên còn có thể kể tới một số tài năng trẻ đã không thể phát triển khi đầu quân cho Man Utd như Fabio Da Silva, Guillermo Varela, Rodrigo Possebon, Angelo Henriquez. Thậm chí sự nghiệp của các cầu thủ này cũng chìm dần sau khi chia tay Old Trafford.

Trong 16 cầu thủ Nam Mỹ từng khoác áo Man Utd, chỉ có bốn người không bị đánh giá thất bại bao gồm Gabriel Heinze, Carlos Tevez, Rafael Da Silva và cựu đội trưởng Antonio Valencia. Tuy nhiên cũng phải thấy rõ rằng mức độ thành công của các cầu thủ này không cao hoặc không lâu dài (như Tevez chỉ thăng hoa được một mùa 2007/08).

Phù Sa