Sức hút kỳ lạ của Muay Thái

(Dân trí) - Không chỉ là quốc võ của người Thái, Muay giờ đây đã được phát triển và lan rộng đến hàng trăm nước trên thế giới. Cũng với những người tập luyện Muay Thái, cái tên Nai Khanonmtom cùng cố đô Ayutthaya được xem là ông tổ và đất tổ của môn võ này.

Phát triển từ những truyền thuyết

Hàng năm, cứ đến đúng ngày 17/3, môn đồ Muay Thái trên toàn thế giới đều hướng về cố đô Ayutthaya của đất nước chùa Vàng, để hướng về vị võ sư được người Thái và những người tập luyện Muay xem là ông tổ của môn võ này, đó là võ sư Nai Khanomtom.



Môn đồ Muay Thái từ khắp nơi trên thế giới về bái tổ trước tượng đài Nai Khanomtom
Môn đồ Muay Thái từ khắp nơi trên thế giới về bái tổ trước tượng đài Nai Khanomtom
Môn đồ Muay Thái từ khắp nơi trên thế giới về bái tổ trước tượng đài Nai Khanomtom

Với riêng người Thái, Nai Khanomtom còn hơn một vị võ sư thông thường. Ông là một huyền thoại, một anh hùng dân tộc với người Thái (tương tự như vai trò của Đạt Ma Sư Tổ với võ thiếu lâm).

Tương truyền, Nai Khanomtom là một võ sĩ sinh ra tại Ayutthaya (cách Bangkok ngày nay khoảng 80km), vào khoảng năm 1750. Đến năm 1767, chiến tranh giữa Miến Điện (Myanmar ngày nay) và Xiêm La (Thái Lan ngày nay) nổ ra, quân Xiêm La thất thủ, và Nai Khanomtom cũng như nhiều thanh niên Xiêm La khác bị quân Miến Điện bắt làm tù binh và đưa về Miến Điện.

Truyền thuyết kể rằng, vào khoảng năm 1774, tức 7 năm sau khi bị quân Miến Điện bắt làm tù binh, trong một dịp lễ hội võ thuật do vua Miến Điện khi đó là Angwa tổ chức, Nai Khanomtom bị buộc phải đấu cùng lúc với cả chục võ sĩ hàng đầu của Miến Điện.

Ngạc nhiên thay, Nai Khanomtom không những không bị đánh bại, mà ông còn quật ngã tất cả đối thủ của mình trong trận đấu ngỡ như không cân sức đó. Cảm phục cái tài của Nai Khanomtom, vua Miến Điện có ý thu phục ông làm hộ vệ. Tuy nhiên, Nai Khanomtom từ chối, mà chỉ xin được thả cùng những tù nhân khác từng bị bắt như ông.

Cuối cùng, vua Angwa của Miến Điện khi đó chấp thuận thả các tù binh Xiêm La, trong đó có Nai Khanomtom về nước, cùng theo lời chia sẻ rằng người Xiêm La chỉ cần đánh đối thủ bằng tay không, cũng có thể hạ được các cao thủ.

Nghi thức bái sư của võ sinh người Bồ Đào Nha Joana Duarte
Nghi thức bái sư của võ sinh người Bồ Đào Nha Joana Duarte

Từ đó, dân Thái bắt đầu xem Nai Khanomtom là một anh hùng, cũng như xem ông là người đã đưa môn Muay lên tầm cao, xem ông như ông tổ của Muay, cho dù có thể Nai Khanomtom chưa chắc là người đầu tiên tập luyện Muay Thái.

Môn đồ Muay Thái hướng về đất tổ

Nai Khanomtom càng nổi tiếng thì sức hút của môn Muay càng mạnh, người Thái dần xem môn này là quốc võ, trước khi sức lan tỏa của nó cho đến ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới Thái Lan.

Hàng năm, cứ đến ngày 17/3, môn đồ của Muay Thái từ khắp thế giới đều hướng về Ayutthaya, hướng về đất tổ của Muay, cũng như hướng về Nai Khanomtom để tìm về cội nguồn.

Riêng năm thứ 11 này, có trên 300 võ sinh, đến từ 30 nước trên khắp thế giới có mặt tại Ayutthaya trong những ngày diễn ra lễ hội tưởng niệm tổ sư của Muay Thai Nai Khanomtom. Ngoài các võ sinh và võ sư, sự kiện còn thu hút rất đông khách du lịch, cũng như giới truyền thông từ nhiều nước.

Với các môn đồ của Muay Thai, đây cũng là dịp long trọng nhất làm lễ bái sư. Còn với những võ sư có tên tuổi, đây cũng là ngày trọng đại nhất mà họ có thể những sắc phong quan trọng.

Như 2 cha con ông Antonio Duarte và Joana Duarte đã lặn lội từ Bồ Đào Nha sang Thái Lan đúng dịp này, để hội ngộ với những người tập luyện Muay trên toàn thế giới. Cô Joana Duarte hào hứng cho biết: “Năm nay tôi 23 tuổi, nhưng đã có 7 năm tập luyện Muay Thái. Tôi muốn nối nghiệp cha tôi, một võ sư cũng đã có thời gian tập luyện và thi đấu Muay Thái hơn 30 năm”.

Màn biểu diễn tái hiện cảnh Nai Khanomtom đánh bại chục cao thủ Miến Điện hồi thế kỷ 18)
Màn biểu diễn tái hiện cảnh Nai Khanomtom đánh bại chục cao thủ Miến Điện hồi thế kỷ 18)

“Tôi đến đây để năm tới bắt đầu bước vào đợt thử thách cho việc trở thành võ sĩ chính thức của Muay, có thể thi đấu chuyên nghiệp” – Joana Duarte hào hứng nói thêm.

Rồi không chỉ có võ sinh hay võ sư Bồ Đào Nha, còn có những võ sinh và võ sư đến từ Nga, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Mỹ, Iran, Brazil, Hàn Quốc, Việt Nam… cũng tề tựu về đây.

Trong những ngày này, người ta còn tổ chức cả một giải đấu mang tên tổ sư Nai Khanomtom. Đây cũng là giải đấu nằm trong hệ thống của IMTF (Liên đoàn Muay Thái quốc tế) và được tính điểm đối với các võ sĩ tham dự.

Với người Thái, Muay là niềm tự hào (thậm chí một số trường học ở cố đô Ayutthaya – quê hương của Nai Khanomtom, còn đưa Muay vào chương trình đào tạo thể thao học đường). Còn với người tập luyện Muay Thái trên toàn thế giới, đấy là môn đầy cuốn hút, không chỉ giúp ích cho sức khỏe, mà còn hấp dẫn bởi những câu truyện đầy huyền ảo xung quanh nó.

Trọng Vũ