1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung quanh căn cứ quân sự của Nhật Bản ở Djibouti

Nhật Bản đang tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Phi với nỗ lực xây dựng căn cứ quân sự ở các nước khu vực phía Đông châu lục này, trước hết là ở Djibouti.

Truyền thông Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch mở rộng cứ điểm Lực lượng Phòng vệ ở Djibouti, để nó trở thành căn cứ đa năng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở châu Phi và Trung Đông. Nếu kế hoạch này được tiến hành thuận lợi, Nhật Bản sẽ có căn cứ mang tính vĩnh cửu đầu tiên ở nước ngoài.

Mảnh đất nhỏ bé Djibouti hiện đang là nơi đặt căn cứ quân sự của nhiều nước trên thế giới bao gồm cả Mỹ và Pháp, đồng thời cũng là căn cứ quân sự duy nhất ở châu Phi của hai cường quốc này. Ngoài ra, nó còn có căn cứ quân sự của một vài nước NATO khác.

Máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. (Ảnh:
Máy bay tuần tra P-3C của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. (Ảnh: AP)

Năm 2009, Chính phủ Nhật Bản căn cứ vào “Luật ứng phó cướp biển”, lấy việc ứng phó với vấn đề cướp biển liên tiếp xảy ra ở vùng biển Somali, vịnh Aden làm lý do, thuê của Chính phủ Djibouti một mảnh đất tiếp giáp sân bay quốc tế Djibouti, xây dựng cứ điểm của Lực lượng Phòng vệ. Tokyo không tiết lộ thời gian và giá thành thuê đất cùng những điều kiện đi kèm với nó. Tháng 7-2011, Nhật Bản đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti.

Căn cứ này chiếm diện tích 12ha, chi phí xây dựng 4,7 tỷ yên, đã xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như bãi hạ cánh có thể đậu 3 máy bay trinh sát chống ngầm P-3C Orion và nhà chứa máy bay có thể chứa 1 máy bay trinh sát.
 
Theo thông tin của Cục Phòng, chống cướp biển Nhật Bản, cứ 4 tháng một lần Nhật sẽ luân phiên điều động 2 máy bay tuần tiễu cùng 100 quân của lực lượng hàng không thuộc lực lượng tự vệ trên biển và 70 binh lính của lực lượng tự vệ mặt đất sang thay quân ở căn cứ này.
 
Hiện ngoài các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cứu hộ, cứu nạn và chống cướp biển, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu thảo luận về vấn đề nhanh chóng vận chuyển binh lính và vật tư, trang bị trong hoạt động ứng cứu khẩn cấp.

Các nhà quan sát cho rằng, Nhật Bản thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti với quan điểm ban đầu là bảo vệ an toàn vận chuyển dầu mỏ. Nhưng mấy năm gần đây, các dấu hiệu cho thấy, Nhật Bản bắt đầu tìm cách xây dựng một căn cứ có chức năng tác chiến tổng hợp lâu dài ở Djibouti.

Theo đó, Nhật Bản triển khai máy bay săn ngầm P-3C ở Djibouti với mục đích chủ yếu là đối phó tàu ngầm, chứ hoàn toàn không phải để đối phó cướp biển. Nhật Bản chỉ mượn danh nghĩa chống cướp biển hoặc chống khủng bố để tiến vào châu Phi, để xây dựng căn cứ quân sự thường trú ở Djibouti, tiến tới mở rộng nhiệm vụ của Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài, giúp cho lực lượng quân sự của họ vươn ra ngoài.

Nhật Bản đã đầu tư lớn vào các nước khu vực này, đồng thời dành ra một khoản ngân sách không nhỏ hỗ trợ các nước này “chống cướp biển”. Căn cứ quân sự của Nhật Bản ở Djibouti, quốc gia nằm bên bờ vịnh Aden - yết hầu hàng hải từ kênh đào Suez qua biển Đỏ ra Ấn Độ Dương.

Trước khi kế hoạch thành lập căn cứ quân sự thường trú ở nước ngoài của Nhật Bản “lộ diện”, ngày 14-5, Nội các Nhật Bản đã thông qua một gói dự thảo luật sửa đổi chính sách an ninh quốc gia, trong đó cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể.
 
Gói dự thảo luật trên bao gồm 1 dự luật về hỗ trợ hòa bình quốc tế và 1 dự luật khác về phát triển chính sách an ninh và hòa bình. Gói dự thảo luật trên cũng cho phép Nhật Bản có thể huy động các lực lượng phòng vệ của nước này thực thi quyền phòng vệ tập thể.
 
Theo bản dự thảo này, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ứng phó trong tình huống một nước có “quan hệ gần gũi” với Nhật Bản bị tấn công vũ trang, hoặc trong trường hợp các cuộc tấn công này đe dọa tới sự tồn vong của đất nước Nhật Bản và tạo ra những “nguy cơ thay đổi rõ ràng” đối với quyền lợi cơ bản của các công dân Nhật Bản.
 
Một nét mới đáng chú ý trong gói dự thảo luật này là Nhật Bản có thể đưa ra hỗ trợ về mặt hậu cần cho quân đội nước ngoài tham gia vào các sứ mệnh góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới.
 
Theo Ngọc Hà̀
Quân đội Nhân dân