1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xuất hiện rạn nứt đầu tiên trong EU về quan hệ với Nga

(Dân trí) - Đúng theo dự đoán, nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đã xuất hiện rạn nứt đầu tiên liên quan đến việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Nhóm các nước phát triển công nghiệp hàng đầu thế giới (G-8). Đứng đầu nỗ lực này đang là Đức và Italia.

Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên lên tiếng “bảo vệ” Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên lên tiếng “bảo vệ” Nga.

Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm qua và được hãng tin Itar-tass của Nga dẫn lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Liên bang Nga vẫn là thành viên của nhóm G-8, bất chấp việc trước đó một số nước thành viên trong nhóm này đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Nga.

“Nga vẫn là thành viên của G-8. Hiện nay chúng ta chỉ tạm ngừng công tác chuẩn bị cho việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-8 tại Sochi vào tháng 6 tới”, nhà lãnh đạo Đức khẳng định.

“Ngoại trừ động thái này, hiện vẫn chưa có thêm quyết định gì”, bà Merkel nói thêm.

Trong tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini cũng đưa ra quan điểm tương tự.

“Cơ cấu của G-8 không bị phá bỏ”, bà Mogherini khẳng định sau khi cho biết một số nước đang thảo luận kế hoạch cử phái đoàn quan sát viên lớn của của Cơ quan an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tới Ukraine.

Đây là lần đầu tiên trong nội bộ G-8 xuất hiện mâu thuẫn liên quan đến việc định hình các bước đi tiếp theo trong mối quan hệ với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine. Tuy nhiên, động thái này cũng không hoàn toàn gây bất ngờ nếu xét tới sự phụ thuộc chặt chẽ của Berlin cả về kinh tế và năng lượng với Mátxcơva.

Trước đó, một số nhà lãnh đạo khác trong khối G-8, điển hình là Pháp và Anh, tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Nga sau khi nước này chính thức sáp nhập Cộng hòa tự trị Crimea trở thành một thực thể độc lập trực thuộc liên bang Nga.

Ngoại trưởng Anh William Hague còn cho biết đã ngừng toàn bộ hợp tác quân sự với Nga sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký Hiệp ước tiếp nhận Crimea với các nhà lãnh đạo của bán đảo tự trị này.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh cũng cho biết G-7 sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt Nga tại cuộc họp thượng đỉnh sẽ được tổ chức vào tuần tới theo kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong cuộc họp, G-7 cũng sẽ bàn về cách thức hỗ trợ Ukraine trước những động thái gần đây của Nga.

Vũ Anh
Tổng hợp