1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

WHO cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các nước đơn phương đối phó virus corona

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, cả thế giới cần cảnh giác và hành động để đối phó với mọi tình huống trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus corona ngày càng lan rộng.

WHO cảnh báo nguy cơ thảm họa nếu các nước đơn phương đối phó virus corona - 1

Ông Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của WHO (Ảnh: Reuters)

"Cả thế giới bây giờ cần phải cảnh giác. Cả thế giới cần hành động và sẵn sàng cho bất cứ trường hợp nào phát sinh kể cả trong và ngoài vùng dịch (Vũ Hán, Trung Quốc)", báo Guardian dẫn lời ông Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cảnh báo.

Ông Ryan cho biết, nhiều quốc gia đã triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch từ các khu vực biên giới hay hạn chế đi lại, song việc ban bố tình trạng khẩn cấp có thể mang lại hiệu quả hơn trong việc phối hợp hành động toàn thế giới ngăn chặn dịch. Ông Ryan cảnh báo: “Việc 194 quốc gia tự triển khai các biện pháp phòng dịch đơn phương dựa trên đánh giá rủi ro riêng có thể gây thảm họa ít nhất về mặt kinh tế, chính trị và xã hội. Do vậy, để đảm bảo tất cả các biện pháp vốn ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, thương mại, được tiến hành dựa trên căn cứ y tế cộng đồng xác đáng là điều vô cùng quan trọng”.

Bình luận của ông Ryan được đưa ra ngay trước khi WHO triệu tập cuộc họp của ủy ban khẩn cấp vào hôm nay 30/1 để cân nhắc tuyên bố dịch viêm phổi ở Trung Quốc là "vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu". Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, việc triệu tập này xuất phát từ việc WHO "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ dịch viêm phổi do virus corona bùng phát mạnh hơn nữa sau khi phát hiện các ca truyền nhiễm từ người sang người.

“Các ca nhiễm bệnh tiếp tục tăng và bằng chứng truyền nhiễm từ người sang người bên ngoài Trung Quốc là điều đáng lo ngại nhất. Mặc dù số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc vẫn tương đối nhỏ, nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát rộng hơn”, ông Tedros nói.

Việc tuyên bố một dịch bệnh nào đó là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" của WHO sẽ đòi hỏi các quốc gia phải đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý ngăn chặn dịch ở quy mô quốc tế.

Giới chuyên gia cho rằng, WHO đang đối mặt với thách thức chưa từng có trong việc quyết định có tuyên bố dịch viêm phổi ở Trung Quốc là vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu hay không. "Trung Quốc chắc chắn không muốn bị coi là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mà không tự kiểm soát nó", Michael Osterholm, chuyên gia tại Đại học Minnesota nhận định.

Tuần trước Ủy ban khẩn cấp của WHO nhóm họp 2 ngày song quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch viêm phổi ở Trung Quốc. Trong báo cáo sau khi đã chỉnh sửa cuối tuần trước, WHO đánh giá mức độ rủi ro do dịch viêm phổi là "rất cao ở Trung Quốc, cao ở khu vực và thế giới".

Dịch viêm phổi lạ đã khiến 170 người tử vong, gần 7.800 người ở Trung Quốc nhiễm bệnh. Các ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc hiện chỉ có 68 trường hợp tại 15 quốc gia, song có 3 quốc gia đã phát hiện các ca truyền nhiễm từ người sang người.

Trong một diễn biến liên quan khác, tỉnh trưởng Hồ Bắc Wang Xiaodong hôm qua cảnh báo, ngoài tâm dịch Vũ Hán, viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Hoàng Cương.

Tại Hoàng Cương, thành phố với 7,5 triệu dân, đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong, hơn 300 ca nhiễm viêm phổi do virus corona mới, nghĩa là chỉ sau "ổ dịch" Vũ Hán. Để tránh biến Hoàng Cương thành "ổ dịch" thứ hai, ông Wang khuyến cáo các doanh nghiệp địa phương không nên khởi động lại hoạt động sản xuất cho đến sau ngày 13/2.

Minh Phương
Theo Guardian