1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vừa đắc cử, tân lãnh đạo Đài Loan bàn về Biển Đông

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngày 16/1 kêu gọi tự do hàng hải ở Biển Đông và giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp vùng biển này.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang không ngừng có những chính sách gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ diện tích Biển Đông là của mình, đồng thời tích cực xây dựng các đảo nhân tạo, cơ sở quân sự trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.


Tân lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Tân lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Trước đó, khi tàu khu trục USS Lassen Hoa Kỳ tuần tra bên trong 12 hải lý ở đá Xu Bi, Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, bà Thái Anh Văn đã nhấn mạnh 3 nguyên tắc:

Một là, các bên đều phải đưa ra lập trường và chủ trương trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS);

Hai là, các nước đều có chung nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông;

Ba là, các bên có yêu sách và chủ trương khác nhau ở Biển Đông nên ngồi xuống bàn đàm phán, giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Đài Loan là một bên có yêu sách ở Biển Đông và hiện đang chiếm đóng bất hợp pháp đảo Ba Bình và có thể bao gồm cả bãi Bàn Than trong quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Chính quyền Quốc Dân đảng năm 1947 tự vẽ ra đường lưỡi bò 11 nét đòi "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Năm 1949 Tưởng Giới Thạch thua Mao Trạch Đông và chạy sang Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc nhận luôn đường lưỡi bò vô lý - phi pháp - bành trướng ấy làm yêu sách "chủ quyền" của mình, dựa vào cái gọi là "quyền lịch sử", một khái niệm mơ hồ không có trong hệ thống Công pháp quốc tế. Do đó Trung Quốc rất sợ giải quyết vấn đề Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Bởi vậy không có gì khó hiểu khi Bắc Kinh liên tục đả kích lập trường tiến bộ của bà Thái Anh Văn trong vấn đề Biển Đông.

Cuối tháng 5/2015, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc cho biết bà Thái Anh Văn đã có chuyến thăm Mỹ 12 ngày. Báo này dẫn lời cố vấn Trương Húc Thành cho rằng: "Đảng Dân tiến sau khi cầm quyền sẽ từ bỏ chủ trương tuyên bố có chủ quyền đối với Biển Đông".

Khi Trương Húc Thành phát biểu như vậy, Thái Anh Văn ở ngay hiện trường nhưng hoàn toàn không bác bỏ gì, đồng thời nhấn mạnh Mỹ quay trở lại châu Á và thực hiện sách tái cân bằng, Đài Loan cần nắm bắt đầy đủ và làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện quyết tâm tự bảo vệ, bảo đảm dân chủ không bị ảnh hưởng từ thế lực bên ngoài, để duy trì tính tự chủ về chính trị.

Theo bài báo, Thái Anh Văn phụ họa chủ trương Biển Đông của Mỹ không chỉ là quán triệt tư duy "liên kết với Mỹ-Nhật để chống lại Trung Quốc", điều quan trọng hơn là muốn qua đây để đổi lấy sự ủng hộ của Mỹ đối với bà trong năm 2016.

Bài báo cho rằng, Đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn nếu lên cầm quyền vào năm 2016 không chỉ là "Đồng thuận 9.2", mà còn thái độ, nguyên tắc và chủ trương của đảng này trong vấn đề chủ quyền Biển Đông cũng chắc chắn bị Trung Quốc theo dõi chặt chẽ.

Nếu chính quyền Đảng Dân tiến thực hiện biện pháp chính sách "gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích chủ quyền của dân tộc Trung Hoa", chẳng hạn từ bỏ "chủ quyền Biển Đông", từ bỏ "chủ quyền đảo Senkaku" hoặc hoàn toàn đứng ở mặt đối lập với lợi ích của Trung Quốc, thì Trung Quốc chắc chắn coi là "bán lãnh thổ Trung Quốc", chắc chắn "áp dụng biện pháp đáp trả kiên quyết nhất", quan hệ hai bờ chắc chắn bước vào giai đoạn "rung chuyển", tính ổn định trong cầm quyền của Đảng Dân tiến sẽ không tồn tại, đây là điều không thể tránh khỏi - báo Trung Quốc đe dọa.

Theo An Nhiên

Báo Đất Việt