1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vụ sập cầu tại Italy: Thảm kịch được dự báo từ trước

(Dân trí) - Vụ sập cầu khiến ít nhất 35 nạn nhân thiệt mạng và nhiều người bị thương tại Italy hôm 14/8 đã đặt ra nhiều nghi vấn về chất lượng công trình cũng như tác động của thời tiết khiến thảm kịch xảy ra bất ngờ.

Hiện trường vụ sập cầu tại Italy (Ảnh: AFP)
Hiện trường vụ sập cầu tại Italy (Ảnh: AFP)

Cầu Morandi, hay còn gọi là “cầu Brooklyn” của thành phố Genoa, là tuyến giao thông huyết mạch nối Italy với vùng biển phía nam của Pháp. Một phần kết cấu của cây cầu này đã bất ngờ bị đổ sập vào ngày 14/8 khiến hàng chục xe ô tô và xe tải lao xuống đất và tạo thành những đống đổ nát. Truyền thông Italy xác nhận ít nhất 35 người đã thiệt mạng và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên sau khi công tác cứu hộ hoàn tất.

Hiện các nhà chức trách Italy vẫn chưa công bố nguyên nhân chính thức dẫn tới thảm kịch sập cầu tại Genoa. Tuy vậy, các chuyên gia đã phân tích một vài yếu tố được cho là tác động tới cây cầu có tuổi thọ hơn 50 năm này.

Sét đánh

Các cơ quan khí tượng thủy văn Italy đã phát đi cảnh báo bão vào buổi sáng trước khi xảy ra vụ sập cầu Morandi. Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter, lực lượng cảnh sát quốc gia Italy cho biết vụ sập cầu xảy ra trong điều kiện thời tiết mưa lớn bất thường.

“Thông tin về cơn bão ập đến vào thời điểm đó cũng có thể liên quan tới vụ việc. Ngoài ra, các hoạt động tu sửa đang diễn ra trên cầu cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến cầu bị sập”, Ian Firth, cựu Chủ tịch Viện Kỹ sư kết cấu, nhận định.

Các nhân chứng chứng kiến vụ sập cầu Morandi cho biết cây cầu này đã có hiện tượng bị nứt sau khi bị sét đánh trúng. Tuy nhiên cơ quan bảo vệ dân sự Italy chưa xác nhận thông tin này. Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng ảnh hưởng của sét có thể chưa đủ để đánh sập một cây cầu như vậy.

Lỗi thiết kế

Cầu Morandi trước khi bị sập (Ảnh: Dailymail)
Cầu Morandi trước khi bị sập (Ảnh: Dailymail)

Hai năm trước, Antonio Brencich, một giáo sư chuyên về xây dựng bê tông cốt thép tại Đại học Genoa, đã nhận định cầu Morandi là “thất bại về kỹ thuật” trong một cuộc phỏng vấn.

“Cây cầu đó được thiết kế sai lầm. Không sớm thì muộn cũng phải thay thế nó. Tôi không biết là khi nào. Nhưng sẽ có lúc tiền bảo trì còn tốn hơn cả tiền thay thế cây cầu mới”, ông Antonio nói với kênh truyền hình địa phương.

Theo các chuyên gia, mặc dù vật liệu và công nghệ được sử dụng để xây cầu Morandi khá phổ biến trong thời kỳ trước đây, song điểm đáng lưu ý là thiết kế rất lạ của cây cầu này.

“Cầu Morandi có thiết kế rất bất thường. Thiết kế này tương tự cây cầu Lake Maracaibo cũng do Riccardo Morandi thiết kế và hoàn thành 6 năm trước đó ở Venezuela. Các tháp chữ A dùng để hỗ trợ cho các sợi cáp bọc bằng bê tông được kết hợp với các trụ đỡ hình chữ V bên dưới đã tạo thành một kết cấu cứng nhắc, vốn không phổ biến trong thiết kế cầu dây cáp”, chuyên gia Ian Firth nhận định.

Kết cấu xuống cấp

Cầu 50 tuổi bị sập ở Italy nhìn từ trên cao

Được đặt theo tên của nhà thiết kế Riccardo Morandi, cầu Morandi được xây dựng từ năm 1967. Tổ chức xã hội kỹ thuật dân sự CNR của Italy cho biết tuổi thọ của những cây cầu được xây từ thập niên 1950 và 1960 chỉ khoảng 50 năm. Điều này đồng nghĩa với việc cầu Morandi tính đến nay đã hết hạn sử dụng. Hàng chục nghìn cây cầu được xây trong giai đoạn đó đã sử dụng bê tông cốt thép, vốn được xem là công nghệ tốt nhất thời bấy giờ.

Tiến sĩ Geoff Thomas, giảng viên tại Trường Kiến trúc thuộc Đại học Victoria, cho biết thông thường có hai nguyên nhân khiến một cây cầu như Morandi bị sập, thứ nhất là do sức nặng của các phương tiện lưu thông trên cầu và thứ hai là do kết cấu yếu.

“Nguyên nhân lớn nhất khiến cầu xuống cấp là các kết cấu bê tông cốt thép bị bào mòn phần thép bên trong”, ông Thomas nhận định.

Phần thép của những cây cầu được xây dựng từ lâu như Morandi được bao bọc bởi bê tông để bảo vệ chúng. Nếu phần bê tông bọc bên ngoài không đủ dày và bị vỡ ra, nước mưa sẽ thấm vào trong và khiến thép bị han rỉ.

“Cây cầu bị ảnh hưởng bởi những vấn đề ăn mòn cực kỳ nghiêm trọng liên quan tới công nghệ xây cầu. Nhà thiết kế Morandi muốn sử dụng công nghệ mà ông từng được cấp bằng sáng chế nhưng công nghệ đó sau này cũng không còn được sử dụng và cho thấy sự thất bại”, giáo sư Brencich, người từ lâu đã lên tiếng chỉ trích công trình cầu Morandi, cho biết.

Ăn mòn và quá tải

Cảnh tượng đổ nát sau vụ sập cầu tại Italy (Ảnh: Reuters)
Cảnh tượng đổ nát sau vụ sập cầu tại Italy (Ảnh: Reuters)

Mehdi Kashani, phó giáo sư về cơ khí kết cấu tại Đại học Southampton của Anh, cho biết các vấn đề liên quan tới bảo trì và áp lực từ các lưu lượng xe di chuyển cũng như gió có thể khiến cấu trúc nhịp cầu bị yếu đi.

Theo các chuyên gia, với những cây cầu có tuổi thọ 50 năm như cầu Morandi, việc các kết cấu bị bào mòn theo thời gian có thể dẫn tới sức chống chịu của cầu bị giảm đi và gây ra hiện tượng sập cầu.

Theo CNR, chi phí nâng cấp và gia cố các cây cầu có tuổi thọ nửa thế kỷ đắt đỏ hơn so với chi phí phá hủy và xây mới. CNR từng kêu gọi thực hiện chiến dịch thay thế các cây cầu cũ ở Italy bằng những cây cầu mới có tuổi thọ khoảng 100 năm.

Vụ sập cầu xảy ra đúng vào dịp nghỉ lễ khi người dân di chuyển tấp nập qua cầu Morandi để tới các bãi biển và vùng núi. Theo Tiến sĩ Thomas, lưu lượng xe cũng tạo thêm sức ép cho cầu Morandi.

Trang web "Ingegneri.info" chuyên về kỹ thuật hôm qua đã đăng một bài viết, trong đó nói rằng cầu Morandi đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về kết cấu từ trước khi bị sập. Theo trang web này, vụ sập cầu xảy ra là thảm kịch đã được dự báo từ trước. Trong khi đó Bộ trưởng Giao thông Italy Danilo Toninelli cho biết sẽ truy cứu trách nhiệm của bất kỳ ai nếu phát hiện sai sót trong quá trình bảo trì cây cầu.

Thành Đạt

Theo DW, Independent