1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ khí huỷ diệt hàng loạt và những toan tính

(Dân trí) - Tuần này thế giới đã tưởng niệm 61 năm ngày xảy ra hai vụ tấn công hủy diệt bằng bom nguyên tử hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào những ngày cuối của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Hai vụ tấn công vô nhân đạo trên đã mở ra một thời đại mà trong đó luôn thường trực nỗi sợ hãi về sự hủy diệt các nền văn minh và các dân tộc.

Theo bản báo cáo của Ủy ban Vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMDC), một tập hợp của các chuyên gia quốc tế hoạt động dưới sự tài trợ của chính phủ Thụy Điển và được ông Hans Blix lãnh đạo, cựu giám sát viên Liên hợp quốc về vũ khí hủy diệt, tấm bản đồ phân bổ vũ khí hạt nhân trên thế giới được tô bằng một màu xám xịt. Các nước đã chế tạo ra được khoảng 27.000 vũ khí hạt nhân trong đó đã có hơn 12.000 đang ở trong tình trạng sẵn sàng được phóng đi. Chưa dừng lại ở đó, các "cường quốc hạt nhân" vẫn đang không ngừng hiện đại hóa kho vũ khí hủy diệt của họ.

 

Theo Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ra đời năm 1968 đã được gần 190 nước phê chuẩn, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân phải cắt giảm số vũ khí đã có và ngừng chế tạo các thế hệ vũ khí hạt nhân mới. Thế nhưng, cho đến nay chưa có nước nào nghiêm túc thực hiện điều đó. Hiệp ước Cấm thử Vũ khí hạt nhân toàn diện (CNPT) ra đời năm 1996 với mục đích cấm hoàn toàn các vụ nổ hạt nhân thử nghiệm. Để văn kiện quốc tế này có hiệu lực cần phải có sự phê chuẩn của 44 quốc gia đã tham gia ký CNPT. Cho đến nay CNPT vẫn chưa thể có hiệu lực pháp lý do bị nhiều nước từ chối phê chuẩn. Nguyên do thực chất là: trong một thế giới, nơi các quốc gia phải tự chống đỡ để bảo vệ nền an ninh của mình, không có sự răn đe nào có hiệu quả hơn vũ khí hạt nhân. Tư duy chính trị cường quyền vẫn là chủ đạo trong tính toán của các chính khách.

 

Theo số liệu thống kê chính thức, đã có tổng cộng 214.000 người bị giết ngay sau khi các phi công Mỹ nhìn thấy hai cột khói hình nấm khổng lồ bốc lên bầu trời các thành phố phải chịu số phận bi thảm trên.

Mười năm cũng đã trôi qua kể từ khi Tòa án Quốc tế La Hay tuyên bố việc sử dụng vũ khí hạt nhân là vi phạm luật pháp quốc tế. Cũng trong 10 năm đó, thế giới đã chứng kiến cuộc chiến tranh xâm lược Iraq với lý do truy tìm vũ khí hủy diệt được thực hiện bởi chính quốc gia đã ném 2 quả bom xuống đất Nhật Bản năm xưa và hiện đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Sau khi quân đội Mỹ lật đổ chính quyền Saddam Hussein và sau một cuộc điều tra kéo dài 16 tháng với chi phí hơn 900 triệu USD, các thanh sát viên vũ khí Mỹ được biết tới với cái tên Nhóm Khảo sát đã thừa nhận rằng, dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc, Iraq đã giải giáp các chương trình vũ khí sinh hóa và hạt nhân của nước này vào năm 1991. Khám phá trên một lần nữa lại được các thanh sát viên Liên Hợp Quốc khẳng định vào năm 2004 sau hai năm (2002-2003) tìm kiếm mà không phát hiện thấy vũ khí cấm ở Iraq. 

 

Mới đây, hôm 21/7, trong lúc binh sĩ Israel và du kích Hezbollah đang giao tranh quyết liệt tại Libăng, kênh truyền hình Fox News đã cho chạy trên màn hình của nhiều triệu gia đình Mỹ một dòng tít của tin mới nhận trong vài phút. Dòng tin đó là : "Liệu các WMD - vũ khí hủy diệt hàng loạt- của Saddam Hussein có đang nằm trong tay Hezbollah không?".

 

Trong thời gian gần đây, sự quan tâm cũng lại đang hướng về Iran với chương trình làm giàu hạt nhân nhạy cảm. Các căng thẳng có lúc tưởng chừng lên đến đỉnh điểm và một cuộc chiến tranh nữa cũng dường như là không thể tránh khỏi tại quốc gia Tây Á này.

 

Có một sự tổng kết rằng các toan tính địa chính trị dường như được cụ thể hóa với chiến thuật tố cáo một nước sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, gây sức ép, phong tỏa và thậm chí cuối cùng là xâm lược. Có lẽ cũng vì chính lý do đó mà cái ước vọng loại trừ hoàn toàn vũ khí hủy diệt hàng loạt ra khỏi đời sống nhân loại vẫn còn quá xa vời.

 

Nam Sơn