1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vũ điệu Putin

Một bài viết mới đây trên báo Mỹ Wall Street Journal dùng từ “choáng váng” khi nói về cảm nhận của phương Tây trước những thành công liên tiếp của Tổng thống Nga Vladimir Putin thời gian qua.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhà lãnh đạo Nga đang liên tiếp đi những nước cờ “độc”, khiến các đối thủ bị bất ngờ và lúng túng. Trở lại Kremlin trong nhiệm kỳ thứ ba vẫn với tính cách mạnh mẽ và cương quyết thường thấy, nhưng lần tái xuất này, Tổng thống Putin dường như đã pha thêm chút biến ảo của vũ điệu dân gian Nga vào quyền mưu của mình. Có lẽ vì thế phương Tây không lường được nhà lãnh đạo Nga toan tính gì.

Sự thất vọng và giận dữ trên phần nào bộc lộ qua vụ bê bối chửi tục trong cuộc trao đổi nội bộ giữa hai quan chức cấp cao Mỹ về vấn đề Ukraine, bị tung lên You Tube khiến Mỹ phải bẽ bàng xin lỗi các đồng minh châu Âu. Nước Nga dưới thời Tổng thống Putin đã phá hỏng kế hoạch Đông tiến của NATO và EU.

Phương Tây những tưởng đã giật quốc gia lớn và quan trọng nhất thuộc Liên Xô cũ là Ukraine ra khỏi vòng tay Nga, tiến sâu vào sân sau của Nga thời hậu Xô viết, hầu bóp nghẹt kế hoạch chấn hưng một nước Nga hùng cường của ông Putin.

Với những bước đi táo bạo, khôn ngoan và cũng đầy thực tế, ông Putin đã bẻ gãy tham vọng của Mỹ và EU ở Ukraine. Mục tiêu khôi phục lại vị thế siêu cường vẫn còn xa, nhưng Tổng thống Nga đã giành được nhiều tiến bộ hơn phương Tây có thể hình dung.

Nga đã chặn đứng mưu đồ bành trướng của NATO vào không gian hậu Xô viết, 3 quốc gia vùng Baltic thuộc Liên Xô trước đây không thể sớm gia nhập NATO. Trong khi Mỹ buộc phải triệt thoái khỏi Afghanistan sau nhiều năm sa lầy, ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Nga lại tăng lên ở khu vực Trung Á. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại Ai Cập.

Trước lúc Olympic Sochi khai màn, truyền thông phương Tây liên tục chỉ trích, gièm pha sự kiện này dưới nhiều góc độ, nào tốn kém, nào tham nhũng, hủy hoại môi trường, rồi không an toàn do khủng bố... Nhưng đến nay, Tổng thống Putin khiến những lời chỉ trích im bặt.

Nga đang bội thu huy chương Thế vận hội, và trên các đấu trường khác, nước Nga và cá nhân ông Putin cũng đang gặt hái huy chương. Có tin Nga đã thẳng thừng từ chối lời cam kết bảo đảm sẽ không có khủng bố tại Sochi của quốc gia Hồi giáo Ảrập Xêút, nếu Nga ngừng hậu thuẫn chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad.

Không ai có thể phủ nhận thắng lợi của ông Putin khi giúp chính quyền của ông Assad trụ vững. Hai quốc gia Hồi giáo Iran và Syria thân Nga đều tránh được nguy cơ đối đầu quân sự sinh tử với phương Tây. Trong khi đó, các chiến binh ly khai dòng Sunni đang thất bại liên tiếp ở Syria.

Những nước đồng minh thân thiết của Mỹ ở Trung Đông như Ảrập Xêút, Israel đang mất dần niềm tin với Mỹ. Ngoài ra, Washington sẽ tiếp tục đau đầu dài dài khi ông Putin vẫn đang nắm giữ con bài Edward Snowden.

Quả không ngoa khi gọi Thế vận hội Sochi là Thế vận hội của ông Putin. Không chỉ quảng bá hình ảnh một nước Nga mới đang mạnh mẽ vươn lên tìm lại vị thế huy hoàng, ông Putin còn nắm lấy cơ hội khẳng định vị thế và ảnh hưởng toàn cầu của Nga.

Cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều muốn tranh thủ sự ủng hộ của Tổng thống Putin…Vũ điệu linh hoạt của ông Putin càng khiến người ta khó dò đoán.

Rõ ràng Nga-Trung quan hệ khá nồng ấm, nhưng ông Putin từ chối lên án Nhật Bản. Hơn thế, hai nước Nga-Nhật còn sắp tháo gỡ bế tắc, thù địch liên quan tranh chấp quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, mở ra cánh cửa tương lai. Thêm một tấm huy chương vàng cho ông Putin!
 
Theo Đặng Vương Hạnh
Tiền phong