1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

"Việt Nam thắng nhiều trên sân người"

(Dân trí) - "Chúng ta nhắc nhiều đến việc Việt Nam thua ngay trên sân nhà, song tôi muốn nhắc đến một vế khác là Việt Nam cũng thắng nhiều trên sân người."

Đó là nhận định của Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan trong cuộc trao đổi với báo giới về cơ hội mà APEC đã mang lại cho Việt Nam trong những năm qua bên lề Hội nghị “APEC trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của thế kỷ 21” vừa diễn ra tại Hà Nội.
 
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh Nam Hằng)
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (Ảnh Nam Hằng)

Ông có đánh giá gì về cơ hội mà việc gia nhập APEC đã mang lại Việt Nam trong 15 năm qua?

APEC là một tổ chức khu vực rất lớn. Việt Nam đã tham gia APEC được 15 năm, kể từ năm 1998. Tổ chức này bao gồm những nền kinh tế lớn, chiếm khoảng hơn 40% kinh tế toàn cầu, 60% thương mại toàn cầu. Trong khu vực này có nhiều đối tác lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…ngoài ra còn một số vùng lãnh thổ như Hồng Kông và Đài Loan.

APEC đã giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, APEC tuy là tổ chức kinh tế nhưng lại có vai trò chính trị lớn trên thế giới. Việc tham gia APEC đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam. Chúng ta nhớ lại việc tổ chức APEC cấp cao 2006 tại Việt Nam trùng hợp với việc kết thúc đàm phán WTO và Hoa Kỳ đã dành cho Việt Nam chế độ thương mại thường xuyên, kể từ đó vị thế Việt Nam tăng lên rõ rệt. Tiếp đó, APEC cũng đem lại cho Việt Nam các cơ hội hợp tác về khoa học và công nghệ.

Xin ông có thể cho biết nhận định về xu hướng hoạt động của APEC trong thời gian tới?

Trước đây APEC được coi như độc quyền về thể chế tự do hóa thương mại ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng bây giờ xuất hiện nhiều thể chế khác nhau như TPP và các thể chế thị trường tự do song phương. Các thể chế này có cạnh tranh nhau, chồng lấn nhau vì vậy đòi hỏi APEC phải có định vị của mình.

Đối với Việt Nam, chúng ta không những tham gia APEC mà còn gia nhập hầu hết các thể chế này, đặt ra các cơ hội cho chúng ta mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, đa dạng hóa quan hệ. Do vậy, các thách thức sẽ chồng chéo nhau. Chúng ta nhận cam kết này nhưng có thể trùng hợp hoặc mâu thuẫn với cam kết khác. Do vậy chúng ta phải làm thế nào đó để các thể chế này có thể bổ sung nhau chứ không phải là loại trừ nhau.

Thưa ông, sau khi tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh nhiều cơ hội, Việt Nam cũng chịu khá nhiều tác động tiêu cực. Rút kinh nghiệm từ việc gia nhập WTO, trong các hiệp định tới chúng ta nên có những chuẩn bị gì?

Chúng ta cần nhìn sự việc theo một cách khách quan.Chúng ta nhắc nhiều đến việc Việt Nam thua ngay trên sân nhà, song tôi muốn nhắc đến một vế khác là Việt Nam cũng thắng nhiều trên sân người. Hồi chúng ta chưa gia nhập WTO thì xuất khẩu dệt may rất ít, đạt chỉ khoảng 1-2 tỷ USD tỷ giờ lên đến 16 tỷ USD. Bên cạnh đó, chúng ta tạo được nhiều việc làm. Giờ xuất khẩu của Việt Nam đã đạt hơn 100 tỷ USD.

Tuy nhiên, cái gì cũng hai mặt, có cái được, có cái thua, điều đó phụ thuộc vào sức cạnh tranh và sự chủ động của mình. Rút kinh nghiệm về từ việc tham gia WTO, theo tôi, chúng ta chưa thực sự đi sâu vào tìm hiểu quy định của nó và nâng cao khả năng của mình để xem cái gì mình có thể chiếm lĩnh thị trường thế giới, cái gì ở thị trường của mình để mình bảo vệ. Chẳng hạn như đối với thị trường bán lẻ, phân phối, trên đất mình, nhà cửa của mình mà nhiều người không lo hệ thống phân phối của mình đến nơi đến chốn nên đừng trách ai, trách mình đã.

Ở góc độ khác, doanh nghiệp hoạt động như thế nào để thuận lợi nhất cho người tiêu dùng, đấy mới là quan trọng.

Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, điều này có tác động gì đến quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam?

Đây là một sự công nhận của thế giới đối với Việt Nam. Tuy không liên quan trực tiếp đến TPP và một số lĩnh vực khác nhưng nó cũng có ảnh hưởng, ít nhất nó nâng cao vị thế của chúng ta.

Trong bài phát biểu của mình tại hội nghị, ông có nói rằng: Biển đổi khí hậu không chỉ là vấn đề tự nhiên mà còn là vấn đề chính trị, xã hội. Ông có thể cho biết thêm về điều này?

Vấn đề biến đổi khí hậu đã trở thành một đề tài trong chương trình nghị sự của toàn cầu, người ta nói chuyện với nhau, tranh luận nhau, ai ủng hộ cái này, ai ủng hộ cái kia.

Như các bạn thấy, các Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP) đã phải họp lên họp chính vì sự đấu tranh giữa các lợi ích khác nhau, các nước khác nhau, tập hợp lực lượng khác nhau.

Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này rất được chú trọng và đẩy mạnh. Việt Nam nhận được nhiều viện trợ nhất là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và biến đổi khí hậu. Theo tôi, ngoại giao Việt Nam bây giờ là phải ngoại giao 5 lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng an ninh và khí hậu.


Nam Hằng
(Ghi)