1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam nói về phát biểu Biển Đông của ngoại trưởng đề cử Mỹ

(Dân trí) - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã trả lời câu hỏi về việc ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng, bình luận về vấn đề Biển Đông hôm 11/1 vừa qua.

Tại buổi họp báo thường kỳ đầu tiên của Bộ Ngoại giao trong năm 2017 diễn ra chiều nay 12/1, phóng viên nêu câu hỏi về quan điểm của Việt Nam khi ông Rex Tillerson, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chọn làm ngoại trưởng, ngày 11/1 nói rằng: “Chúng ta phải gửi tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng, thứ nhất, việc xây dựng đảo phải dừng lại và thứ hai, Trung Quốc sẽ không được phép tới đó đó nữa".

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Mạnh Thắng)
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình (Ảnh: Mạnh Thắng)

Ông Lê Hải Bình cho biết, "Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu chung cũng là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các bên liên quan và các bên trong và ngoài khu vực đều phải có trách nhiệm đóng góp mang tính xây dựng vào mục tiêu chung cũng như đảm bảo lợi ích chung này".

Liên quan đến việc việc truyền thông Ấn Độ đưa tin, Việt Nam đang đàm phán với Ấn Độ về việc Ấn Độ có thể cung cấp tên lửa cho Việt Nam, ông Bình cho hay, Bộ Ngoại giao sẽ chuyển câu hỏi này đến cơ quan chức năng trong nước. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng, “Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ. Việc mua sắm các trang, thiết bị quốc phòng của Việt Nam nếu có thì cũng là phù hợp với chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ này và là việc làm bình thường để bảo vệ đất nước".

Thủ tướng dự Diễn đàn kinh tế thế giới

Trong cuộc họp báo, Người Phát ngôn Lê Hải Bình cũng thông tin về việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2017 tại Davos (Thụy Sỹ) từ 18-20/1 theo lời mời của ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).

Phóng viên đặt câu hỏi liệu tại Davos lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có gặp thành viên trong nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hay không. Ông Lê Hải Bình cho biết, nhân dịp sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ tham dự và phát biểu tại một số phiên họp quan trọng cũng như có các cuộc gặp song phương với các lãnh đạo cấp cao 1 số nước, lãnh đạo WTO và lãnh đạo WEF. Chương trình cụ thể vẫn đang được thu xếp.

Hội nghị WEF 2017 lần này với chủ đề Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm dự kiến sẽ có khoảng 300 phiên thảo luận về các vấn đề như quản trị toàn cầu, ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng, phát triển bao trùm và bền vững, tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội, phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh tế mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Nam Hằng