1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam có thể đẩy mạnh kết nối với Trung Đông qua “Con đường Tơ lụa Dubai”

(Dân trí) - Việt Nam có thể đẩy mạnh các quan hệ kinh tế với khu vực Trung Đông và châu Phi thông qua cửa ngõ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và tận dụng các lợi ích từ chiến lược “Con đường Tơ lụa Dubai”.

Việt Nam có thể đẩy mạnh kết nối với Trung Đông qua “Con đường Tơ lụa Dubai” - 1

Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed Al Mansouri (giữa) và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (thứ hai từ bên phải) chứng kiến lễ ký kết hợp tác tại diễn đàn. (Ảnh: Nhân dân)

 Thông tin trên được nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - UAE do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kinh tế UAE tổ chức ngày 15/10 tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed Al Mansouri và Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, cùng đông đảo đại diện của các doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại diễn đàn nhân chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Kinh tế UAE Sultan bin Saeed Al Mansouri đã nhấn mạnh lợi thế vị trí của UAE như một cửa ngõ của khu vực Trung Đông và châu Phi để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh giao thương. UAE hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông.

Ngược lại, ông Al Mansouri cũng cho rằng Việt Nam là cửa ngõ giúp UAE tiếp cận thị trường Đông Nam Á và Đông Á, và hai nước có thể tận dụng các lĩnh vực thế mạnh của nhau để thúc đẩy xuất khẩu, trao đổi hàng hóa.

Đồng tình với Bộ trưởng Kinh tế UAE, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hai nước có lợi thế rất lớn về mặt vị trí địa lý để tăng cường kết nối. Ông Trần Tuấn Anh đánh giá, UAE là một đối tác tiềm năng của Việt Nam trong khu vực. Ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống như dầu mỏ và khí đốt, UAE cũng đạt được những thành tựu ấn tượng về năng lượng sạch, công nghệ, hậu cần, cảng, hàng không…

“Chúng tôi chào mừng UAE trong các cơ hội hợp tác tại Việt Nam, kết nối liên thông với thị trường hơn 600 triệu dân của khu vực ASEAN cũng như liên kết với các thị trường trong một loạt các hiệp định thương mại tự do khác đã và đang ký kết, hiện lên tới 16 hiệp định thương mại tự do”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Tham dự diễn đàn, bà Nadya Kamali, Giám đốc công ty Customs World Dubai, đã chia sẻ về chiến lược “Con đường Tơ lụa Dubai”, một chiến lược được công bố hồi tháng 3/2019 nhằm thúc vai trò của Dubai như một liên kết thương mại chiến lược toàn cầu. Bà Kamali cho rằng Việt Nam có thể tận dụng chiến lược này để giao thương với thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông và châu Phi.

Để thực thi chiến lược này, Dubai ngày 13/10 đã phát động sáng kiến “Hộ chiếu Hậu cần Thế giới” để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trên thế giới. Dịch vụ này đưa ra một loạt các lợi thế tài chính và hoạt động đối với doanh nghiệp và công ty vận tải bằng việc kết nối các thực thể chính phủ, trong đó có Hải quan Dubai và Thương bại Dubai, với các hãng cung cấp dịch vụ hậu cần.

Bà Kamali chỉ ra rằng, thương mại của Việt Nam với thế giới hiện tập trung chủ yếu với 3 khu vực là Trung Quốc, Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu. Với sáng kiến “Hộ chiếu Hậu cần Thế giới”, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các lợi thế về hậu cần của Dubai để giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa ra thế giới. Bà Kamali lấy ví dụ, việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam tới châu Phi và Nam Mỹ qua điểm trung chuyển là Dubai sẽ thuận tiện hơn việc vận chuyển qua Frankfurt (Đức).

Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Sultan bin Saeed Al Mansouri và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và Customs World Dubai.

An Bình