1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Ukraine sớm biết máy bay bị bắn nhầm nhưng không vội tố cáo Iran?

(Dân trí) - Chỉ trong vòng vài giờ sau khi Iran bất ngờ thừa nhận bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine, Kiev cũng đưa ra một tiết lộ quan trọng.

Vì sao Ukraine sớm biết máy bay bị bắn nhầm nhưng không vội tố cáo Iran? - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân của vụ rơi máy bay tại sân bay Boryspil, Kiev. (Ảnh: UPP) 

Theo Washington Post, Ukraine ngày 11/1 đã công bố các bức ảnh, chụp một ngày trước đó, cho thấy các mảnh vỡ máy bay có nhiều vết lỗ chỗ, chứng tỏ chúng bị thủng do các mảnh tên lửa.

Trên thực tế, trước khi quân đội Iran thừa nhận tên lửa của họ đã vô tình bắn hạ chiếc Boeing 737, Ukraine đã biết rằng máy bay bị tên lửa phá hủy. Nhưng các nhà lãnh đạo tại Kiev đã thực hiện các hoạt động ngoại giao một cách cẩn trọng.

“Họ (Iran) không thể phủ nhận tất cả được nữa”, ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, nói với Washington Post.

Ngay sau khi máy bay Ukraine bị rơi, khiến toàn bộ 176 người thiệt mạng, giới chức Mỹ, Canada và Anh đã nói với thế giới rằng họ tin máy bay nhiều khả năng bị Iran bắn rơi. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị các nước này chia sẻ thông tin với ông, nhưng không vội vã công bố các kết luận của Ukraine. Theo ông Danilov, đây là một quyết định mang tính chiến lược.

“Chúng tôi thậm chí đi đến kết luận trước cả người Anh và Mỹ”, ông Danilov nói.

Ukraine muốn các nhà điều tra thu thập bằng chứng cụ thể của chính họ. Giới chức rất cẩn trọng để tránh chỉ trích mạnh mẽ Iran trong giai đoạn rất nhạy cảm này để đảm bảo Tehran hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra.

Ông Zelensky, người bị vướng vào căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau khi Washington ám sát tướng cấp cao Iran Qasem Soleimani, đã có một nhiệm vụ khó khăn nhằm đảm bảo “sự hợp tác của Iran cũng như từ phương Tây mà không bị buộc phải chọn phe trong cuộc xung đột”, Katharine Quinn, một nhà phân tích của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế tại Kiev, nhận định.

Bốn ngày sau khi máy bay rơi, Tổng thống Zelensky cho biết ông và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani “đã nhất trí hợp tác đầy đủ về mặt kỹ thuật và pháp lý, trong đó có các vấn đề đền bù”.

“Một lần nữa, ông Zelensky đã đi trên dây ngoại giao rất mong manh và vượt qua mà không kích động Iran”, Nina Jankowicz, một học giả tại trung tâm Wilson, nhận định. “Đối với một gương mặt mới về chính trị, ông Zelensky dường như có ý thức sâu sắc về việc làm thế nào để xoa dịu các phe phái đối lập nhằm đảm bảo các lợi ích của Ukraine”.

Ukraine có được sự đảm bảo hợp tác đầy đủ từ Iran mà Kiev không nhận được cho vụ rơi máy bay MH17 của Malaysia Airlines vào năm 2014. Khi đó, máy bay của Malaysia đã bị một tên lửa bắn trúng ở miền đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người thiệt mạng.

Một nhóm điều tra từ Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine đã kết luận rằng máy bay MH17 đã bị bắn rơi bởi một tên lửa Buk do Nga sản xuất, từ một địa điểm do lực lượng đòi độc lập kiểm soát ở miền đông Ukraine, và đã tìm cách truy tố các công dân Ukraine và Nga có liên quan. Nhưng Nga bác bỏ mọi sự liên quan trong vụ việc.

“Khi một máy bay bị bắn rơi nhiều năm trước, châu Âu vẫn chưa kết thúc điều tra về thảm kịch này và không kết luận được tội đó của ai”, ông Danilov nói. “Trong trường hợp của chúng tôi, chỉ cần rất ít thời gian để xác định điều gì đã xảy ra”.

Vì sao Ukraine sớm biết máy bay bị bắn nhầm nhưng không vội tố cáo Iran? - 2

Các lỗ thủng trên mảnh vỡ máy bay của Ukraine rơi ở Iran, cho thấy máy bay đã bị trúng tên lửa (Ảnh: The Sun)

Một nhóm 45 chuyên gia Ukraine và các nhân viên tìm kiếm và cứu hộ, trong đó có một số người từng tham gia vụ MH17, đã tới Tehran sáng sớm ngày 9/1 để điều tra nguyên nhân của rơi máy bay và nhận dạng các thi thể.

Các bức ảnh được cho là từ hiện trường vụ tai nạn đã được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các phần mảnh vỡ của một hệ thống phòng không Tor do Nga chế tạo. Nga đã xuất khẩu hệ thống này tới vài quốc gia, trong đó có Iran, vào năm 2005. Tên lửa này được thiết kế để bắn trúng các mục tiêu tầm ngắn và tầm trung.

Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko viết trên Facebook rằng ông muốn các nhân viên điều tra rà soát hiện trường để kiểm tra các bộ phận đáng ngờ đó.

Nhưng một trong những thách thức mà các nhân viên điều tra gặp phải là hiện trường vụ việc đã bị dọn dẹp nhanh chóng và bị ủi đi. Các mảnh vỡ được đưa tới một địa điểm gần đó. Ukraine không được phép tiếp cận hộp đen cho đến ngày 10/1. Ông Prystaiko cho biết các nhân viên điều tra Ukraine đã kiểm tra tỉ mỉ các mảnh vỡ, các hóa chất dính lại trên đó, và cũng có mặt tại bệnh viện để kiểm tra các thi thể nạn nhân.

Ukraine đã sử dụng công nghệ hiện đại, sự trao đổi thông tin nhanh chóng và hợp tác với các nguồn tin để tìm ra câu trả lời nhanh nhất có thể cho những câu hỏi rất quan trọng.

Tránh một mâu thuẫn quốc tế lớn hơn rõ ràng điều quan trọng đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, một cựu diễn viên hài và không có kinh nghiệm chính trị mới nhậm chức hồi tháng 5 năm ngoái. Ông Zelensky đang bị vô tình bị vướng vào vụ bê bối luận tội của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cũng đang đàm phán với Nga, Pháp và Đức để chấm dứt xung đột kéo dài ở miền đông Ukraine.

Trong một bài phát biểu ngày 12/1, ông Zelensky thể hiện sự uy nghiêm, đầy bản lĩnh.

“Chúng tôi đã hành động một cách có hệ thống, không gây hiềm khích, vì một mục tiêu: đạt được kết quả, để tìm ra sự thật về các diễn biến của vụ việc”, ông nói.

Video máy bay chở 176 người cháy ngùn ngụt trên không trước khi rơi ở Iran

An Bình

Tổng hợp