1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Trung Đông

Vì sao quân đội Libăng không tham chiến?

Giám đốc An ninh Quốc gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vùng Vịnh ở Dubai, Mustafa Alani, nhận xét: "Quân đội Libăng không thể chống lại Hezbollah nhưng cũng không đủ khả năng đối đầu với Israel".

Ngoài lề cuộc chiến

 

Binh lính Libăng hiện diện ở khắp nơi tại Beirut - tại các chốt an ninh, tuần tra các khu vực dân cư lân cận và bảo vệ các khách sạn lớn. Tuy nhiên, có một nơi mà họ không có mặt, đó là miền nam Libăng. Trong mấy tuần xung đột giữa du kích Hezbollah và quân đội Israel, lực lượng vũ trang Libăng chỉ "khoanh tay đứng nhìn". Quân đội Libăng được lệnh đứng ngoài cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah dù rất nhiều công trình dân sự ở miền nam nước này bị bom đạn Israel tàn phá.

 

Một binh sĩ Libăng đã nhún vai khi được hỏi về phản ứng trước loạt đạn pháo mà quân đội Israel vừa nã xuống căn cứ của anh hồi tuần trước. "Chúng tôi không thể làm gì. Chúng tôi chỉ trú ẩn thôi", anh nói và nhìn xuống mặt đất, tay lật qua lật lại khẩu súng trường M-16. "Thật là bực mình". 

 

Một thành viên khác thuộc tổ được phân công bảo vệ một trạm radar ở bắc Beirut tham gia cuộc trò chuyện một cách ngượng ngùng. "Chúng tôi không tham chiến. Đó là quyết định của thủ trưởng". 

 

Hai người lính này cho biết, đã hai lần căn cứ họ họ bị trúng bom Israel. Vài bữa trước, một máy bay Apache của quân đội Nhà nước Do thái đã tấn công và phá hủy hầu hết các thiết bị radar ở trạm này.

 

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông có vẻ bề ngoài là xung đột giữa Israel và Hezbollah, lực lượng đang kiểm soát khu vực miền nam Libăng. Tuy nhiên, kẹt giữa hai làn đạn chính là dân thường Libăng. Bên cạnh đó, quân đội Libăng cũng chịu thiệt hại ít nhiều mặc dù thực tế về mặt lý thuyết, họ vẫn là lực lượng không tham chiến.

 

Trong 3 tuần xảy ra giao chiến - được châm ngòi bằng một cuộc tấn công xuyên biên giới của Hezbollah, giết chết 8 lính Israel và bắt cóc 2 người khác, ít nhất 28 lính Libăng đã thiệt mạng. Tính đến nay, quân đội Libăng đã nã vài loạt đạn về phía phi cơ chiến đấu của Israel; tuy nhiên, đa số chỉ hứng chịu thiệt hại chứ không đáp trả. Họ bị bó chân bó tay bởi mệnh lệnh của cấp trên.

 

Yếu và thiếu 

 

Với quân số khoảng 70.000, quân đội Libăng là một lực lượng quân đội chính thống với nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, Amin Hoteit - cựu chỉ huy quân đội Libăng - cho biết, họ được trang bị rất nghèo nàn và lạc hậu so với nhiệm vụ nặng nề được giao.

Ngân sách quân sự thì cạn kiệt do nền kinh tế còm cõi, hậu quả của cuộc nội chiến suốt từ năm 1975 tới 1991. Vì vậy, quân đội Libăng không có khả năng mua sắm cả các vũ khí cơ bản nhất như tên lửa phòng không. Không lực thì không có máy bay tiêm kích còn hải quân thì không có tàu chiến.

 

Mặc dù đông hơn so với ước tính khoảng 5.000 chiến binh của Hezbollah, nhưng quân đội Libăng khó mà chiến thắng nếu phải chiến đấu với tổ chức này. Theo các cựu quan chức Libăng, thậm chí được phương Tây cung cấp cả tài chính và trang thiết bị thì cũng phải mất 5 năm họ mới trở thành một lực lượng phòng vệ độc lập. 

 

Quân đội Libăng, cũng như xã hội nước này, bị chia rẽ bởi các bộ phận dân tộc và tôn giáo, theo cựu tướng Elias Hanna. Và giống như chính phủ, lực lượng sĩ quan gồm phần lớn là người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo Sunni trong khi thành phần và quân số gồm khoảng 70% người Shiite. "Nếu đánh Hezbollah, chắc chắn bạn sẽ không tránh khỏi gây ra các thảm họa về chính trị, quân sự và xã hội cho toàn bộ đất nước Libăng", tướng Hanna khẳng định.

 

Không muốn chọc giận Israel

 

Trong khi Tổng thống Emile Lahoud đã kêu gọi quân đội tham gia cuộc chiến chống Israel nhưng thực tế, họ lại tuân theo mệnh lệnh từ Nội các của Thủ tướng Fouad Siniora. Chính phủ của ông bác bỏ việc cử quân đội tham gia vào hành động đối đầu với quân đội Nhà nước Do Thái vì lo ngại rằng điều đó sẽ chọc giận và dẫn tới một phản ứng thậm chí còn rộng hơn, ác liệt hơn từ lực lượng quân đội hùng mạnh nhất ở Trung Đông. Chính phủ Libăng cho biết, quân đội nước này - sẽ chỉ tham chiến nếu Israel mở cuộc xâm lược quy mô lớn vào Libăng.

 

"Chúng tôi không bao giờ nói quân đội Libăng có thể vào cuộc chống lại Israel. Chúng ta không muốn tạo cớ để cả đất nước mình trở thành mục tiêu tấn công", ông Walid Jumblatt, lãnh đạo cộng đồng Druze và một đồng minh của ông Siniora, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn.

 

Farid Chedid, một nhà phân tích chính trị ở Beirut, cho rằng, trong khi Hezbollah thực hiện một cuộc chiến bất ngờ chống lại quân đội Nhà nước Do Thái, quân đội Libăng có khả năng sẽ chịu thất bại nhanh chóng nếu được yêu cầu tham gia cuộc chiến. "Quân đội Libăng không phải là một lực lượng du kích. Tất cả các vị trí của họ đều được người Israel biết rất rõ. Họ sẽ bị xóa sổ theo đúng nghĩa của từ này".

 

Dư luận cho rằng quân đội Libăng có thể sẽ đóng một vai trò to lớn trong việc chấm dứt khủng hoảng. Thủ tướng Siniora cho biết ông sẵn sàng hợp tác với Liên Hợp Quốc để mở rộng quyền lực của chính phủ ra miền nam, nơi Hezbollah đang điều hành một cách hiệu quả một nhà nước nhỏ của riêng mình trong vòng 6 năm qua.

 

Theo Thanh Hảo

Vietnamnet

Dòng sự kiện: Israel - Lebanon crisis