1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao mọi quyết sách với Ukraine của Obama đều "để ngỏ"?

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa ngã ngũ, và Tổng thống Mỹ đang trong thế tiến thoái lưỡng nan trước nhiều sức ép.

Phe đối lập ở Washington

Ngày 22/2/2015, Thượng Nghị sĩ John McCain đã đăng đàn trả lời phỏng vấn đài truyền hình CBS về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nghị sĩ phe Cộng hòa này đã thẳng thừng chỉ trích những gì mà chính quyền của Tổng thống Obama đang thể hiện.

Theo ông McCain, nước Mỹ đang ở trong thời kỳ sa sút đáng sợ về địa chính trị hiếm thấy trong lịch sử. Trước một nước Nga của Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tỏ ra yếu kém. Chính Obama đã mang lại nỗi hổ thẹn này cho nước Mỹ trong thế kỷ 21.

Chuyện Nghị sĩ Đảng Cộng hòa chỉ trích chính sách của chính quyền Tổng thống Đảng Dân chủ không phải là mới trong chính trường nước Mỹ. Tuy nhiên, xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine đến thời điểm này, những gì mà ông McCain đã nói là phán xét nặng nề nhất hướng tới Tổng thống Obama.

Sự phán xét đó còn được phụ họa bởi phát ngôn đầy tự cao của Tổng thống Nga V.Putin hôm 19/2 trước đó: "Đừng ai ảo tưởng rằng có thể giành được ưu thế quân sự hay gây bất kỳ sức ép nào đối với Nga. Chúng tôi luôn có câu trả lời thích đáng cho những sự phiêu lưu như vậy."

Những gì mà Mỹ thể hiện ở Ukraine đang cho thấy sự yếu thế của Washington trước Moscow. Từ việc thỏa thuận Minsk được ký kết hôm 12/2/2015 mà gần như không có đột biến nào về quyền lợi cho phương Tây và Kiev, hay việc lợi thế trên chiến trường Ukraine đang nghiêng hẳn về phía phe ly khai Donbass.
 
Thượng Nghị sĩ John McCain

Thượng Nghị sĩ John McCain

Và theo như những gì mà John McCain hay rất nhiều chính khách Cộng hòa của Quốc hội lưỡng viện Mỹ tuyên bố thời gian gần đây, phe Cộng hòa dường như đang ủng hộ việc Washington viện trợ vũ khí cho Kiev để tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tại Donbass. Thứ chiến tranh mà John McCain gọi tên là "tự vệ trước sự xâm lược của Nga."

Và nếu Obama không đáp ứng được yêu cầu này, việc tiếp tục vấp phải những chỉ trích, thậm chí là phản kháng từ Quốc hội với các chính sách của Tổng thống Obama sẽ diễn ra thường xuyên hơn, ít nhất trong vấn đề Ukraine.

Nỗi buồn EU

Sức ép từ phe đối lập ở Washington là thứ mà Tổng thống Mỹ sẽ phải chịu đựng hàng ngày, và ông Obama buộc phải thích nghi với điều đó trong ít nhất hai năm cuối của nhiệm kỳ tới đây.

Tuy nhiên, còn có một nỗi buồn khác mà Tổng thống Mỹ phải hứng chịu, đó là sự thờ ở của những người đồng minh tưởng chừng thân cận nhất - EU.

Theo như những gì ông McCain nhận định thì "Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã hợp thức hóa sự chia cắt của một quốc gia lần đầu tiên trong 70 năm qua bằng thỏa thuận đạt được với Nga ở Minsk." Nghị sĩ của Mỹ đã chỉ thẳng Minsk là kết quả của sự đàm phán sau lưng Mỹ và ở đó không có những giá trị của tính chất đồng minh lâu năm mà Mỹ và EU đã dày công xây dựng.

Thực tế thì Minsk là kết quả tốt đẹp chỉ cho riêng EU và Nga. Với thỏa thuận này, hai bên ở Ukraine sẽ phải ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng, và Kiev trao thêm cho Donbass quyền tự trị. Đây là bước đệm để biến Ukraine về mặt thể chế sẽ thay đổi từ nước Cộng hòa thành Liên bang.

Với thỏa thuận này, Nga được nhiều hơn mất. Hoặc nói cách khác, họ đã đạt được mọi mục đích ban đầu vạch ra: thâu tóm bán đảo Crimea, thành lập những vùng tự trị để không còn một Ukraine thống nhất thân phương Tây. Từ đó, Mỹ hay EU cũng không thể áp đặt những chính sách về địa chính trị, quân sự tới quốc gia này như mục đích ban đầu.

Đổi lại, EU được gì? Họ giải quyết được những mâu thuẫn về kinh tế với Nga. Trong thời gian đồng hành cùng Mỹ trong những hành động trừng phạt kinh tế Nga, phải nói rằng cả EU và Nga đều rơi vào cảnh lưỡng bại câu thương, trong khi Mỹ hoàn toàn bình yên vô sự.
 
Đức, Pháp, Nga đang quyết tâm thực hiện thỏa thuận Minsk

Đức, Pháp, Nga đang quyết tâm thực hiện thỏa thuận Minsk

Cách ứng xử khôn ngoan và ăn người của Mỹ đã khiến EU chán ngán. Bài toán đặt ra cho EU là hoặc lựa chọn cùng Nga hòa giải để đáp bảo các lợi ích sát sườn, hoặc theo đuổi Mỹ để đảm bảo các giá trị mang tính truyền thống nhưng tổn hại vô số. Và thực tế thì EU đã có lựa chọn cho riêng mình: Đảm bảo lợi ích bản thân trước khi tính toán đến lợi ích Ccho người ngoài.

Minh chứng cho việc quay lưng với Mỹ về vấn đề Ukraine của EU đã được thể hiện rõ ràng qua các biện pháp gia tăng trừng phạt Nga. Hiện tại, Washington vẫn để ngỏ khả năng gia tăng trừng phạt Moscow bởi lẽ đáp án sẽ là dấu "chấm lửng" bởi EU không còn ủng hộ thật lòng trong việc này.

Trước sức ép của Mỹ, những gì mà châu Âu thể hiện chỉ bao gồm trừng phạt 19 cá nhân theo kiểu "cấm đi lại, cấm tiêu tiền..." Còn các biện pháp mạnh tay như gia tăng trừng phạt tới hệ thống tài chính, quân sự, năng lượng, hay loại đồng ruble Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế, EU không hề đề cập đến.

Sự thờ ơ của EU cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Obama không thể liều lĩnh viện trợ vũ khí cho Ukraine, và đồng thời vấp phải sự chỉ trích, phản kháng từ phía phe đối lập ở Washington

5 nỗi khó xử của Obama và nước Mỹ

Ukraine cần với Mỹ, nhưng là tối quan trọng với Nga. Việc thực hiện cách mạng màu ở quốc gia Đông Âu này đã khiến khơi dậy một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, Washington có những mối lo tối quan trọng khác mà họ buộc phải ưu tiên hàng đầu.

Thứ nhất, vấn đề cuộc chiến chống IS. Dù đã bỏ rất nhiều tiền vào các hành động không kích, nhưng Nhà nước Hồi giáo tự xưng này tỏ ra không yếu đi, mà còn mạnh lên. Đồng thời, dưới lá cờ Thánh chiến mà IS đang phất, các tổ chức khủng bố nguy hiểm khác cũng đồng loạt hưởng ứng và tuyên bố sẽ chĩa mũi nhọn tấn công vào Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Vấn đề an ninh của Mỹ lúc này mới là tối thượng, chưa kể đến các giá trị kinh tế, địa chính trị tại Trung Đông đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự trỗi dậy của các thế lực Hồi giáo cực đoan.
 
Chiến sự ở miền Đông Ukraine vẫn diễn ra

Chiến sự ở miền Đông Ukraine vẫn diễn ra

Thứ hai, vấn đề đàm phán hạt nhân với Iran còn chưa ngã ngũ. Càng gây thù chuốc oán với Nga ở Ukraine chỉ khiến Iran có thêm những sự chống lưng trợ giúp của Moscow. Đặc biệt về vấn đề quân sự. Vừa qua, Moscow đã đề nghị bán hệ thống tên lửa phòng không Antey-2500 cho Tehran, bất chấp các biện pháp trừng phạt mà Liên hợp quốc áp đặt.

Đồng thời, Moscow cũng tuyên bố nếu Washington viện trợ vũ khí cho Kiev, họ sẽ cung cấp hoặc bán cho Bắc Kinh và Tehran tất cả các công nghệ vũ khí mà những đối tác này yêu cầu. Với Mỹ, lo Iran có công nghệ vũ khí một, thì lo Trung Quốc sở hữu sức mạnh quân sự hiện đại sẽ là mười.

Thứ ba, viện trợ vũ khí cho Ukraine chỉ mở ra một cuộc đối đầu trực tiếp Nga-Mỹ như thời chiến tranh lạnh thể hiện ở các cuộc chiến tranh cục bộ. Và nó hứa hẹn sẽ là một cuộc chiến hao tiền tốn của, trong bối cảnh Mỹ đang không thực sự sung túc.

Thứ tư, Đức, Pháp và Nga vừa điện đàm với nhau về vấn đề Ukraine. Nội dung cuộc điện đàm này có mở ra những cuộc tiếp xúc tiếp theo để trao đổi thẳng thắn về lý do vì sao thỏa thuận Minsk chưa được thực hiện. Có thể thấy rằng, EU đang quyết tâm theo đuổi Minsk đến cùng, và mọi cơ hội tìm kiếm ủng hộ của EU cho chính sách Mỹ đã gần như đóng lại.

Thứ năm, dù không dính dáng đến cuộc đối đầu Nga-Mỹ, nhưng chiến lược chuyển trục định hướng châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đã bị đình trệ quá lâu. Các đồng minh châu Á của Mỹ sẽ cảm thấy lo ngại, và công sức mà chính quyền của ông Obama gây dựng bấy lâu nay sẽ hoàn toàn đứng trước nguy cơ đổ sông đổ bể.

Với năm lý do khó khăn đó, cùng với hai sức ép từ phía Cộng hòa và EU, có thể thấy rằng chính quyền Obama đang đứng trong thế tiến thoái lưỡng nan. Mỹ không ngại đối đầu với Nga, thậm chí tự tin có thể chơi trên cơ. Nhưng đối đầu phải mang lại hiệu quả thực sự và lợi ích của Mỹ ở thế thượng tôn, bằng không, hãy để mọi thứ trong sự rối bời. Đó mới là cách làm của nước Mỹ.

Theo Đỗ Minh Tú
Đất Việt