1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao Kim Jong Un dịu giọng với Mỹ, Hàn?

Trong kỳ đại hội Đảng Lao động cuối tuần qua, lãnh đạo Kim Jong Un của Triều Tiên đã đưa ra những tuyên bố bất bình thường.

Đại hội Đảng Lao động đầu tiên tổ chức sau 36 năm đã làm sáng tỏ chính sách "byungjin" ghi dấu ấn của Kim Jong Un, đó là theo đuổi chương trình hạt nhân đồng thời phát triển kinh tế.

Kim Jong Un phát biểu trong đại hội đảng Lao động của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hôm 7/5/2016. Ảnh: KCNA
Kim Jong Un phát biểu trong đại hội đảng Lao động của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hôm 7/5/2016. Ảnh: KCNA

Thứ nhất, ông Kim Jong Un nói Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, trừ khi một quốc gia khác tấn công bằng vũ khí hạt nhân trước. Kim Jong Un "đánh tiếng" rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với các quốc gia thù địch với Triều Tiên.

Tuyên bố mang tính hòa hiếu trên đã gây bất ngờ trong bối cảnh nước này liên tục thử hạt nhân và phóng tên lửa suốt những tháng qua, thường trực với các lời đe dọa sẵn sàng tấn công "các thế lực thù địch".

Vị lãnh đạo 33 tuổi của Triều Tiên có vẻ như đang nhắm tới những đối tượng nhận thông điệp như Mỹ, Hàn Quốc, khi đặt ra ranh giới cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thứ hai, ông Kim đặt ra kế hoạch năm năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, do các lệnh trừng phạt ngày càng ngặt nghèo.

Phát triển kinh tế, cải thiện nguồn cung cấp điện và phát triển các nguồn lực năng lượng trong nước (bao gồm điện hạt nhân), là trọng tâm được ông Kim Jong Un đặc biệt nhấn mạnh.

Đây là sự chuyển hướng hoàn toàn so với đường lối của cha ông là Kim Jong Il với chính sách "songun" – "tiên quân chính trị", đặt quyền lực của quân đội lên hàng đầu. Chuyên gia về Triều Tiên là Michael Madden nhận định rằng, việc Kim Jong Un đề ra kế hoạch phát triển kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng.

“Trái ngược với cha mình, ông ấy (Kim Jong Un) công khai nhận trách nhiệm đối với nền kinh tế và phát triển với tư cách là người sáng lập nên chính sách này. Cha của ông ấy chưa từng đảm nhận trách nhiệm này” – Reuters dẫn lời ông Madden.

Lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân, đồng thời muốn phát triển kinh tế.
Lãnh đạo Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân, đồng thời muốn phát triển kinh tế.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nhận định, trong năm 2014, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 1%, trong khi nhiều năm trước đó, con số này thường âm. (Trong ảnh là lãnh đạo Kim Jong Un trước vật thể hình cầu, được cho là đầu đạn hạt nhân được thu nhỏ. Ảnh: KCNA).

Thay đổi bất ngờ trong thái độ và lời nói của lãnh đạo Triều Tiên là điều có thể lý giải được khi xét từ cơn khát ngoại tệ - một trong những những hệ quả mà quốc gia này hứng chịu sau các đợt trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tạp chí Nikkei Asian Review đưa ra các dẫn chứng cho thấy nguồn ngoại tệ của Triều Tiên bị giảm sút nghiêm trọng thời gian gần đây. Những nguồn thu ngoại tệ chính của Triều Tiên, nhờ kinh doanh nhà hàng ở nước ngoài và bán than, khoáng sản, sụt giảm nghiêm trọng do vướng trở ngại do các biện pháp trừng phạt.

Triều Tiên có khoảng 130 nhà hàng mở tại một số quốc gia, đang kinh doanh một cách chật vật. Chẳng hạn như tại Siem Riep, Campuchia, Triều Tiên có một nhà hàng lớn, với sức chứa 500 khách, thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc.

Sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa, Seoul đã kêu gọi công dân tẩy chay nhà hàng này, khiến cho công việc kinh doanh tại đây trở nên ế ẩm. Nhà hàng khác ở thủ đô Phnom Penh cũng không kém phần ảm đạm, thậm chí buộc phải đóng cửa.

Tuy nhiên, gây thiệt hại nghiêm trọng nhất với kinh tế Triều Tiên chính là lệnh cấm nhập khẩu than, quặng sắt và các tài nguyên khác, theo nghị quyết HĐBA thông qua hôm 2/3/2016.

Năm 2015, Triều Tiên được cho là đã xuất khẩu sang Trung Quốc số tài nguyên trị giá 1,3 tỷ USD (trong đó than đá chiếm 1 tỷ USD), chiếm gần 50% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hôm 5/4/2016, Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu hầu hết than, quặng sắt, vàng, titanium, vanadium và đất hiếm từ Triều Tiên. Nếu Bắc Kinh tuân thủ hoàn toàn nghị quyết của LHQ, ngừng nhập khẩu tài nguyên của Triều Tiên, kinh tế Bình Nhưỡng có nguy cơ giảm 4,34% so với năm 2014.

Quan hệ Trung – Triều sứt mẻ nghiêm trọng hiếm thấy (thể hiện qua việc Bắc Kinh mạnh tay trừng phạt Bình Nhưỡng) cho thấy một điều: việc Kim Jong Un bất ngờ dịu giọng với các "thế lực thù địch" hẳn nhiên không phải tình cờ.

Theo Lê Thu

Vietnamnet