1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao đội tàu câu mực của Trung Quốc gây lo ngại?

(Dân trí) - Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 17/6 dẫn thống kê của chính phủ Trung Quốc cho biết, những năm gần đây, đội tàu của Trung Quốc đánh bắt khoảng 50-70% mực tại các vùng biển quốc tế. Qua đó, Bắc Kinh dần kiểm soát nguồn cung loại hải sản phổ biến này.


Tàu câu mực của Trung Quốc (Ảnh: Iqiyi)

Tàu câu mực của Trung Quốc (Ảnh: Iqiyi)

Giới quan sát cho rằng, chương trình đánh bắt mực này của Trung Quốc có thể vượt ra ngoài mục đích kiểm soát nguồn cung hải sản. "Đó là một bước đi nhỏ nhưng quan trọng trong một hành trình lâu dài (của Trung Quốc) nhằm thống trị các vùng biển thế giới", SCMP dẫn lời một nhà nghiên cứu của Trung Quốc nhận định.

Mạng lưới đánh bắt dày đặc

Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), mỗi năm thế giới tiêu thụ hơn 2,7 triệu tấn mực. Trên khắp thế giới, từ Địa Trung Hải đến California, đến Tokyo, mực trở thành một trong những hải sản phổ biến tại các nhà hàng bởi sự thơm ngon và bổ dưỡng của hải sản này. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, mỗi năm hàng nghìn tàu câu mực đã đổ ra biển cùng với những thiết bị đánh bắt đặc biệt.

Ở Trung Quốc, thậm chí hàng tuần, chính phủ nước này còn cung cấp các thông tin hỗ trợ cho hàng trăm tàu đánh bắt mực. Các thông tin này bao gồm dự báo cập nhật nhất về khu vực, quy mô đánh bắt. Mức độ chính xác của những thông tin này từ 70-90% nhờ mạng lưới giám sát mực và bạch tuộc quy mô nhất thế giới.

Các tàu khảo sát và vệ tinh của chính phủ Trung Quốc thu thập một lượng lớn thông tin để giúp các nhà nghiên cứu giám sát và dự đoán tốc độ tăng trưởng cũng như hoạt động di chuyển của đàn mực tại các vùng biển quốc tế.

Ngoài việc đầu tư cho nghiên cứu, chính phủ Trung Quốc cũng chi hàng tỷ Nhân dân tệ mỗi năm để hỗ trợ chi phí nhiên liệu, đóng các tàu đánh bắt lớn hơn và thậm chí triển khai các tàu y tế để hỗ trợ.

Giới chuyên gia cảnh báo, việc khai thác triệt để các ngư trường ở các vùng biển quốc tế sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, kéo theo biến đổi khí hậu và gây lũng đoạn thị trường.

Tham vọng kiểm soát các vùng biển

Tiến sĩ Enric Sala, nhà sáng lập và cũng là lãnh đạo dự án của Hội Địa lý quốc gia Mỹ, dẫn số liệu cho biết, Trung Quốc đã đánh bắt khoảng 60% mực ở các vùng biển quốc tế.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, đây không phải là lĩnh vực cho lợi nhuận, đặc biệt là đối với Trung Quốc khi phải dùng tới nguồn trợ cấp ngân sách lớn để điều các đội tàu tới tận những vùng biển xa xôi với chi phí nhiên liệu không hề thấp.

Tian Yongjun, giáo sư tại Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết 70% sản lượng mực Trung Quốc đánh bắt là từ các vùng biển quốc tế. Chuyên gia này cho rằng, điều này không quá bất ngờ với tham vọng của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng biển quốc tế.

Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hải quân nhanh hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trung Quốc hiện đang đóng 4 đội tàu hải quân, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn các tàu khảo sát hiện đại tới các vùng biển quốc tế để tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản.

Minh Phương

Theo SCMP