1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Vì sao đã có sự chuẩn bị nhưng London vẫn bị tấn công?

Ngày 22-3 vừa qua, thủ đô London của nước Anh đã bị tấn công khủng bố. Điều đáng nói là vụ việc xảy ra ngay trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội Anh khiến nhiều người chết và bị thương. Và mặc dù đã biết trước hàng tháng trời nhưng cảnh sát Anh vẫn không thể ngăn cản được vụ tấn công này.

Vụ tấn công xảy ra vào buổi trưa ngày 22-3. Theo các xác nhận ban đầu của cảnh sát, thì một người đàn ông mặc y phục đen, để râu, lái một chiếc xe địa hình sang trọng lao lên lề đường có nhiều người đi bộ trên cầu Westminster, đối diện với chiếc đồng hồ Big Ben. Xe lao bừa vào rất nhiều người, khiến một phụ nữ ngã vào bánh xe buýt, một người khác bay xuống sông, hay người bị hất tung lên trời rồi rơi xuống đất. Một thanh niên thoát chết khi tự mình nhảy ra ngoài, lửng lơ bám tay vào thành cầu. Sở Cảnh sát London cho biết: một phụ nữ và một người đàn ông đứng tuổi thiệt mạng tại chỗ.

Khi chiếc xe lao đến đâm vào khối bê tông chắn đường vào tòa nhà Quốc hội thì người đàn ông trong xe rút dao lao vào đâm chết một cảnh sát. Y bị bắn hạ khi tìm cách xâm nhập vào khuôn viên tòa nhà Quốc hội Anh.

Hiện trường vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh hôm 22-3.
Hiện trường vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh hôm 22-3.

Theo AFP, chỉ huy trưởng cơ quan chống khủng bố của Scotland Yard, Mark Rowley tối 22-3 đã điều chỉnh con số tử vong trong vụ tấn công là có 3 người chết chứ không phải 4 hoặc 5 như báo cáo trước đó gồm: thủ phạm, một cảnh sát canh gác Quốc hội và một phụ nữ 48 tuổi. Trong số 40 người bị thương có 7 nạn nhân trong tình trạng nguy kịch.

Cảnh sát Anh hôm 23-3 cho biết đã bắt giữ 8 người liên quan đến cuộc tấn công. Phát biểu với báo chí, ông Mark Rowley cho biết các vụ bắt giữ xảy trong cuộc bố ráp tại 6 địa chỉ khác nhau ở London. Ông tiết lộ thêm là các cuộc rà soát tại nhiều địa điểm ở London, Birmingham và các vùng khác ở Anh vẫn đang tiếp diễn. Ông Rowley không nêu rõ mối liên kết giữa những người bị bắt với vụ tấn công hôm 22-3.

Đến tối 23-3, trên trang Twitter, Sở Cảnh sát London cho biết đã xác định được danh tính kẻ tấn công. Đó là Khalid Masood, 52 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Anh. Điều đáng nói là tên này từng nằm trong tầm ngắm từ rất lâu của các cơ quan tình báo Anh. Chiếc ôtô mà Masood sử dụng trong vụ tấn công được thuê tại một chi nhánh của công ty cho thuê xe Enterprise đặt tại West Midlands.

Ngày 21-3, y nói với công ty trên rằng y là một giáo viên tiếng Anh. Y sau đó gọi cho công ty thông báo có thể sẽ hủy hợp đồng thuê xe nhưng công ty không nhận được thêm bất cứ lời nhắn nào của Masood kể từ thời điểm đó.

Hiện trường vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh hôm 22-3.
Hiện trường vụ tấn công bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh hôm 22-3.

Gần như toàn bộ lực lượng chống khủng bố bí mật của Anh đều phải vào guồng hết tốc lực để truy tìm thủ phạm cũng như các mối liên hệ xung quanh y, chỉ vài phút sau khi vụ tấn công xảy ra. Tất cả các điệp viên thuộc lực lượng đặc nhiệm Anh MI6, cơ quan tình báo nội địa MI5 cùng nhiều đơn vị gián điệp Mỹ và trên khắp châu Âu được điều động. Một đội đặc nhiệm trực thuộc Bộ chỉ huy Chống khủng bố của cảnh sát tiến hành tìm kiếm bên trong tòa nhà hạ viện, đồng thời giám sát công tác sơ tán Thủ tướng.

Vài phút sau vụ tấn công, một chiếc trực thăng cao tốc Chinook trực thuộc Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đóng tại Hampshire nhận được tín hiệu cảnh báo sẵn sàng cất cánh để đưa Thủ tướng rời khỏi thủ đô London nhằm đề phòng một cuộc tấn công khác xảy ra.

Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) cắt cử 20 chuyên gia tới Bộ Chỉ huy Chống khủng bố và điều động một lực lượng phản ứng tức thì xung quanh London. Bên trong dinh thủ tướng số 10 phố Downing, một quan chức quân sự cấp cao chịu trách nhiệm kết nối tất cả các đơn vị kể trên.

Trong khi đó, trụ sở Cơ quan tình báo đối nội MI5 ở London, cách hiện trường không xa, bị phong tỏa hoàn toàn. Không ai có thể vào nơi này ngoại trừ các nhân viên tình báo. Một đường dây nóng kết nối giữa cảnh sát và trụ sở MI5 được thiết lập.

Mặt khác, một nhóm bao gồm các chuyên gia MI5 cũng được điều tới Bộ Chỉ huy Chống khủng bố để phân tích, đánh giá, tra cứu tài liệu nhằm xác định danh tính cùng tiểu sử kẻ tấn công. Nhà chức trách còn dựng một phòng chiến dịch, nơi các nhân viên tình báo theo dõi mọi liên lạc đến và đi của mục tiêu khủng bố, điện thoại, hệ thống email cùng những ứng dụng Internet khác.

Tại trụ sở Cơ quan tình báo tín hiệu Anh (GCHQ), nhân viên ở đây cũng được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Họ phải tìm kiếm, theo dõi các liên lạc giữa những phần tử cực đoan toàn cầu để xem liệu chúng có đặt ra thách thức tình báo nào mới hay không.

Cảnh sát canh gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh sau khi vụ tấn công xảy ra.
Cảnh sát canh gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh sau khi vụ tấn công xảy ra.

Các liên lạc viên trực thuộc GCHQ và MI5 cùng lúc gọi đến những số điện thoại khác nhau tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ và nhiều cơ quan tình báo phương Tây khác để trao đổi thông tin.

Trong cuộc họp báo tối 23-3, cảnh sát Anh cho biết Khalid Masood có nhiều biệt danh khác nhau, từng nhiều lần bị kết tội tấn công, sở hữu vũ khí trái phép và gây rối trật tự công cộng, tuy nhiên tên này chưa bao giờ bị buộc tội khủng bố. Ngay sau vụ tấn công ở London, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng cảnh sát Anh bác bỏ.

Theo kênh Sky News, Khalid Masood là giáo viên dạy tiếng Anh. Đã có vợ và con, y đã cải sang đạo Hồi và có tên gọi khác là Khalid Chaudry.

Khalid Masood sinh ra tại thị trấn Dartford, hạt Kent, đông nam nước Anh, nhưng thời gian gần đây chủ yếu sống ở West Midlands. Y là con một bà mẹ đơn thân và có tên khai sinh là Adrian Elms trước khi theo đạo Hồi. Y lớn lên trong ngôi nhà trị giá hơn 375.000 USD ở thị trấn ven biển Rye, East Sussex. Những người hàng xóm trước đây của Masood đều thấy sốc khi biết tin y gây ra vụ tấn công khủng bố bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh bởi theo những gì họ miêu tả, Masood khá "thân thiện".

Theo họ cho biết, Masood từng sống trong một căn nhà ở khu dân cư Winson Green, thành phố Birmingham, cùng một phụ nữ nhưng đột ngột bỏ đi hồi tháng 12 năm ngoái. Vài người hàng xóm khác kể rằng vợ Masood hay mặc trang phục Hồi giáo xám màu và che toàn bộ khuôn mặt.

Một đứa trẻ ở địa phương từng đá bóng với Masood trước sân nhà y hồi hè năm ngoái. Cậu bé miêu tả Masood "tốt bụng", thậm chí còn dạy em đá bóng. Masood lần đầu tiên bị kết án hồi tháng 11-1983 và lần gần đây nhất là vào tháng 12-2003. Trong một vụ tấn công, y đã dùng dao chém vào mặt một người đàn ông, khiến nạn nhân phải phẫu thuật thẩm mỹ. Y được cho là đã nhiều lần đi từ West Midlands đến London để lên kế hoạch cho vụ tấn công.

Ngoài Kent và Birmingham, Masood cũng từng có thời gian sống ở Luton và đông London. Theo nhiều nguồn tin, Masood thường xuyên tới sinh hoạt tại nhà thờ Hồi giáo ở Birmingham.

Thông cáo của cảnh sát Anh cho biết Khalid Masood hiện không nằm trong đối tượng bị điều tra và các cơ quan tình báo Anh không có căn cứ nào để tình nghi tên này sẽ tiến hành một vụ tấn công khủng bố.

“Cách đây vài năm, Khalid Masood bị Cục Tình báo nội địa Anh (MI5) điều tra do liên hệ tới phong trào cực đoan” - Thủ tướng Anh Theresa hôm 23-3 phát biểu trước Quốc hội, đồng thời cho biết thêm rằng trong cuộc điều tra Khalid Masood chỉ là một nhân vật “râu ria”. Sở dĩ bà Theresa biết được cuộc điều tra này vì trước khi lên làm thủ tướng, bà từng làm Bộ trưởng Nội vụ Anh dưới thời ông David Cameron.

Tờ The Guardian của Anh tiết lộ thêm: Khalid Masood không nằm trong danh sách khoảng 3.000 người có khả năng tiến hành tấn công khủng bố của MI5. Mặc dù vậy, cảnh sát Anh hiện đang điều tra theo hướng kẻ tấn công là thành phần Hồi giáo cực đoan. Theo BBC, hiện giờ, cảnh sát Anh tỏ ra rất thận trọng. Người đứng đầu cơ quan chống khủng bố chỉ phát biểu rằng hành động tấn công ở Westminster rõ ràng mang tính chất khủng bố và dấu vết Hồi giáo cực đoan hiện được ưu tiên điều tra.

Theo các nhà quan sát, khi nhắm vào điện Westminster, rõ ràng kẻ khủng bố đã chọn một địa điểm mang tính biểu tượng, một nơi tượng trưng cho nền dân chủ nghị viện Anh, nhưng cũng là một điểm du lịch thu hút vài nghìn người mỗi ngày. Với toàn thế giới, hình ảnh tháp đồng hồ Big Ben và điện Westminster không thể tách rời khỏi thủ đô London và thậm chí là của cả Vương quốc Anh.

Đây cũng chính là điều mà Thủ tướng Theresa đã phát biểu tối 22-3: "Kẻ khủng bố đã chọn đánh vào trái tim thủ đô của chúng ta, nơi tập trung những con người mang các quốc tịch khác nhau, các tôn giáo khác nhau để đề cao những giá trị tự do và dân chủ".

Thủ phạm vụ tấn công Khalid Masood bị bắn chết ngay tại hiện trường.
Thủ phạm vụ tấn công Khalid Masood bị bắn chết ngay tại hiện trường.

Nước Anh từng bị tấn công khủng bố rất nhiều lần và theo như chia sẻ của cảnh sát, thì kịch bản tòa nhà quốc hội bị tấn công nằm sẵn trong danh sách dự phòng. Từ lâu khu vực quanh điện Westminster đã được rào chắn để ngăn chặn, không cho xe bom hoặc (xe chở chất) cháy nổ lao vào như từng xảy ra ở một sân bay Anh. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định trong những vụ khủng bố gần đây trên thế giới thì kẻ tấn công chuyển sang sử dụng những phương tiện đơn giản hơn và nhắm vào mục tiêu mềm, như vụ đâm xe tải ở Đức, hay hôm 22-3 là dùng dao đâm cảnh sát ở Anh, và gây tai nạn cho du khách ngay tại khu trung tâm của London.

Trong trường hợp đó thì cách duy nhất để bảo vệ các mục tiêu mềm là theo dõi chặt chẽ danh sách những kẻ tình nghi có nguy cơ cao trong việc tổ chức tấn công khủng bố. Giới chuyên gia nhận định có khoảng 100 đối tượng như vậy ở Anh, nhưng diễn biến phức tạp khó lường, cùng khoảng 3.000 đối tượng khác cần theo dõi liên tục.

Cách đây không lâu ở phía đông London có một sĩ quan quân đội bị đâm chết khi đang mặc lễ phục đi trên đường. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của khủng bố là khiến cho người dân hoang mang lo lắng, cho nên tất cả mọi thông điệp của thủ tướng hay bộ trưởng nội vụ và cảnh sát trong 24 giờ sau vụ tấn công đều thể hiện rất rõ tính cách của người Anh trong hoàn cảnh này là giữ bình tĩnh và tiếp tục như bình thường - cách được coi là hiệu quả nhất để chống lại khủng bố.

Thủ tướng Theresa May tỏ thái độ thách thức đối với khủng bố và nói mọi sinh hoạt nên trở lại bình thường. Bà nói: "Người dân sẽ đáp những chuyến tàu, bước ra khỏi khách sạn, tản bộ trên những con đường này, họ sẽ sống và sinh hoạt bình thường và tất cả chúng ta sẽ cùng tiến lên phía trước. Chúng ta không bao giờ khuất phục khủng bố và không bao giờ cho phép tiếng nói của hận thù và cái ác chia rẽ chúng ta”.

Sau khi nước Anh bị tấn công, cộng đồng quốc tế đồng loạt chia sẻ với dân Anh. Phản ứng đầu tiên đến từ Paris và Washington. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi điện chia buồn với Thủ tướng Theresa May. Tháp Eiffel tắt hết ánh sáng vào lúc nửa đêm để bày tỏ tình đoàn kết. Thủ tướng Canada Justin Trudeau lên án khủng bố. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sát cánh với “các bạn Anh”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, sáng 23-3, đã lên tiếng chia buồn và kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp lực diệt khủng bố. Chính quyền Hồi giáo Iran, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao, cũng hòa nhịp lên án “vụ khủng bố” và kêu gọi quốc tế hợp sức chống khủng bố nhưng đồng thời chỉ trích các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho các nhóm thánh chiến.

Điều đáng chú ý là vụ tấn công ở Anh hôm 22-3 xảy ra đúng một năm sau loạt khủng bố tại Bruxelles, Bỉ, tại sân bay Zaventem và một trạm tàu điện ngầm gần các cơ quan đầu não của Liên minh châu Âu.

Sau vụ khủng bố tại Pháp tháng 11-2015, 600 cảnh sát Anh đã được triển khai tới London, nâng tổng số lên 2.800 người. Nhưng điều đó cũng không giúp nước Anh ngăn ngừa được một vụ tấn công ở nhà ga tàu điện ngầm vào ngày 6-12-2015. Một người đàn ông cắt cổ một hành khách đồng thời hét lên rằng “Đây là cho Syria”. Một năm sau đó, tháng 9-2016, cơ quan tình báo Anh MI6 nâng quân số.

Ngày 22-9-2016, tờ Times tiết lộ MI6 tuyển thêm 1.000 điệp viên để chống khủng bố. Theo kế hoạch từ nay đến 2020, MI6 sẽ tăng quân số lên 3.500 điệp viên. 2 tháng sau, lãnh đạo MI6, Alex Young, đã đặt cơ quan của mình trước mối đe dọa chưa từng có sau khi phá thành công 12 âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào nước Anh kể từ tháng 6-2013.

Theo Alex Young, sự tham gia của Anh tại Syria đã biến Anh thành mục tiêu của những kẻ khủng bố. London, Paris và Washington đã ủng hộ phe đối lập Syria ngay từ đầu cuộc nội chiến tại nước này và từ đó tới nay vẫn không thay đổi quan điểm.

Theo M.T - M.Q (tổng hợp)

An ninh thế giới