1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao COP 21 quan trọng với thế giới?

(Dân trí) - Tại Paris, các lãnh đạo thế giới đang thảo luận về con số 2 độ C. Nghe có vẻ đó là một mục tiêu đơn giản nhưng trên thực tế nó rất lớn. Sự gia tăng như vậy trong nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ đưa con người vào một thế giới chưa từng được biết đến trong lịch sử.

 


Lãnh đạo các nước tham dự COP 21 tại Pháp (Ảnh: AFP)

Lãnh đạo các nước tham dự COP 21 tại Pháp (Ảnh: AFP)

Và hậu quả tiềm tàng là gì? Hãy nghĩ tới một sa mạc tồi tệ. Hạn hán sẽ gia tăng. Cháy rừng sẽ tăng gấp 8 lần mức độ hiện thời. Các cuộc chiến vì nguồn nước sạch. Động vật và cây cối sẽ tuyệt chủng theo hiệu ứng domino. Mùa màng sẽ thất bát. Làn sóng người di cư sẽ ồ ạt rời khỏi các thành phố ven biển do nước biển dâng để tìm kiếm thức ăn và nơi ở mới.

Nhiệt độ trung bình của trái đất hiện ở mức cao hơn tăng 0,85 độ C so với nhiệt độ trung bình trước khi khí carbon bị thải ra ồ ạt. Nhiệt độ trái đất có thể tăng 2 độ C vào giữa thế kỷ này.

Tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) ở Paris (Pháp), gần 150 lãnh đạo thế giới đang họp bàn để chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Đây được xem là hội nghị quốc tế lớn nhất từ trước tới nay về biến đổi khí hậu.

Đã có một thỏa thuận trong nỗ lực nhằm cố gắng đưa gần 200 quốc gia khắp thế giới vào nỗ lực kiểm soát khí thải CO2, mà hầu hết các nhà khoa học nói là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên.

Đó là một thỏa thuận cơ bản nhất, đạt được hồi năm ngoái tại Lima, Peru, ở COP 20. Khi đó, đại diện các nước đã đi tới một nguyên tắc cơ bản rằng yêu cầu cắt giảm khí thải tại các nước phát triển và đang phát triển sẽ khác nhau.

Các nước giàu có thể trợ giúp các nước nghèo đạt được mục tiêu và cũng có thể trợ giúp các thảm họa do sự nóng lên của khí hậu toàn cầu gây ra, như các cuộc khủng hoảng di cư do ngập lụt tại các vùng ven biển.

Thỏa thuận chi tiết được kỳ vọng ký kết tại Paris vào năm nay.

Các lãnh đạo của 2 nước lớn nhất trong thỏa thuận đã gặp nhau tại Paris ngày 30/11. Trung Quốc và Mỹ cũng là 2 nước sản sinh khí thải nhà kính lớn nhất thế giới.


Mục tiêu của COP 21 là một thỏa ước quốc tế về khí hậu nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2°C

Mục tiêu của COP 21 là một thỏa ước quốc tế về khí hậu nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên không quá 2°C

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương bên lề COP 21 ngày 30/11. Sau đó, ông Obama cho biết họ có quan điểm chung về việc giảm khí thải CO2.

Đã có tín hiệu hi vọng gần đây, sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch “hệ thống mua bán hạn ngạch khí thải” để khuyến khích các công ty sản xuất cắt giảm lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng Trung Quốc có thể kiểm soát chính xác lượng khí thải và e rằng việc thực thi kế hoạch trên dễ dàng rơi vào tình trạng lộn xộn.

Còn tại Mỹ, trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama đã cố gắng thực hiện hệ thống mua bán hạn ngạch khí thải, nhưng không thể vượt qua sự phản đối của quốc hội, một phần do những lo ngại rằng một đạo luật như vậy có thể làm tổn hại tới tính cạnh tranh kinh tế với các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc.

Thực tế cũng cho thấy việc đưa thế giới hợp tác cùng nhau về biến đổi khí hậu không phải là chuyện dễ dàng. Nghị định thư Kyoto được thông qua tại COP 3 vào năm 1997. Đó là sự kiện quan trọng chú ý nhất của một COP trước đây - một thỏa thuận không mang tính ràng buộc của 192 quốc gia nhằm cắt giảm khí thải nhà kính 5% so với mức của năm 1990 trong giai đoạn năm năm 2008-2012.

Mỹ đã không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và rút khỏi nó hoàn toàn vào năm 2001. Canada cũng rút khỏi Nghị định thư Kyoto vào năm 2011, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia phát triển khác được miễn thực thi.

Vì vậy, COP 21 năm nay được kỳ vọng sẽ thông qua một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020, với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nếu được thông qua, thỏa thuận sẽ mang tính ràng buộc, đưa tất cả các tất cả các nước vào trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

An Bình