1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao căng thẳng Mỹ-Trung chưa hồi kết?

Khi đàm phán thương mại Trung-Mỹ đang đi vào hồi kết, những tiết lộ mới nhất đã dấy lên những lo ngại căng thẳng giữa hai cường quốc Đông-Tây sẽ khó hạ nhiệt.

Vì sao căng thẳng Mỹ-Trung chưa hồi kết? - 1

Chưa có dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) với chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ xuống thang. Ảnh: AP

Trong một báo cáo công bố ngày 2-5, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo về các hoạt động ngày càng sâu rộng của Trung Quốc (TQ) ở khu vực Bắc Cực có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự gia tăng. Ngày 3-5, tờ South China Morning Post tiết lộ thông tin các tàu chiến của Mỹ đã thực hiện 92 chuyến quá cảnh qua eo biển Đài Loan chỉ trong hơn một thập niên qua.

Hôm qua (6-5), tàu khu trục USS Preble và USS Chung Hoon của Mỹ tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Ga Ven và Gạc Ma do TQ chiếm trái phép thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông. Đây là hoạt động mới nhất của hải quân Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở biển Đông của TQ.

Khi đàm phán thương mại giữa hai cường quốc vẫn đang gặp vài bế tắc, các báo cáo mới nhất này một lần nữa khẳng định những căng thẳng Mỹ-Trung sẽ khó giảm nhiệt trong thời gian tới.

Đài Loan: Vấn đề nhạy cảm quan trọng nhất

Washington vẫn tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí chính và lên tiếng bảo vệ vùng lãnh thổ ở Đông Á này, theo báo South China Morning Post. Theo các số liệu từ Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, số lần quá cảnh của tàu chiến Mỹ qua eo biển Đài Loan tăng dần dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và đạt 12 chuyến trong năm 2016. Tuy nhiên, Mỹ không thông báo chính thức về những lần quá cảnh ngày càng tăng trong những năm đó. TQ dường như cũng không phản ứng công khai.

Ông Nate Christensen, đại diện của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cho biết việc quá cảnh của tàu Mỹ là một phần trong cam kết của Washington đối với việc xây dựng “vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Theo ông Christensen, các hoạt động của Mỹ vẫn tuân theo luật pháp quốc tế và không quân, hải quân Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp cho phép.

Trong 20 năm qua, quân đội TQ đã bày tỏ sự phản đối trong hai sự kiện chính vào năm 1996 và 2007. Một cuộc đối đầu tên lửa xảy ra và được biết như khủng hoảng eo biển Đài Loan. Bắc Kinh cấm tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong trong vòng một năm. Mới đây, Bắc Kinh đã bày tỏ sự lo ngại về vấn đề quá cảnh tàu Mỹ ở điểm nóng địa chính trị này. Đồng thời, chính quyền Chủ tịch TQ Tập Cận Bình mô tả Đài Loan là vấn đề nhạy cảm quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung.

Theo ông Collin Koh, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Singapore, Bắc Kinh sẽ phải đáp trả mạnh mẽ, dù là bằng hành động hay phát ngôn, khi những báo cáo eo biển Đài Loan nói trên được công bố rộng rãi. Eo biển Đài Loan từ lâu được xem là một điểm nóng địa chính trị, đặc biệt khi tình hình giữa TQ và Đài Loan vẫn rất căng thẳng.

Chuyên gia về quan hệ Trung-Mỹ tại ĐH Hong Kong Richard W. Hu còn cho rằng quyết định của Washington trong việc thông báo khi họ quá cảnh sẽ quan trọng hơn thông tin về tần suất quá cảnh. Ông W. Hu cũng khẳng định hiểu được mục đích của những lần quá cảnh và tần suất có thể khái quát tình hình ở khu vực nhạy cảm này.

Trong một buổi họp báo đầu năm nay, lãnh đạo Đài Loan cảnh cáo TQ “phải tôn trọng và sử dụng các biện pháp hòa bình, bình đẳng để giải quyết các khác biệt” giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Đáp lại, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình phát biểu mang tính hòa giải, kêu gọi Đài Loan “thống nhất hòa bình” với TQ.

Washington đối mặt nhiều thách thức từ Bắc Kinh

Trong báo cáo được công bố ngày 2-5, Lầu Năm Góc cho biết dù là một quốc gia không thuộc Bắc Cực nhưng TQ ngày càng hoạt động mạnh ở khu vực cực Bắc và trở thành thành viên quan sát của Hội đồng Bắc Cực vào năm 2013. Điều đó đã gây lo ngại từ các quốc gia Bắc Cực về các mục tiêu chiến lược dài hạn của Bắc Kinh, bao gồm cả việc triển khai quân sự.

Đôi khi việc quá cảnh của tàu chiến Mỹ là một tín hiệu nhằm gửi đến TQ. Khi tần suất quá cảnh đã tăng lên quá rõ ràng, nó có thể sẽ tạo áp lực lên chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc hoạt động hải quân của Washington sẽ không thực sự thay đổi quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan hay bất cứ vấn đề khác.

WU XINBOGiám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại
ĐH Fudan ở Thượng Hải, TQ

Hãng tin AP cũng đưa tin ngày 3-5, tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước của TQ có khả năng đi vào hoạt động trong năm nay. Điều này đánh dấu một bước tiến mới của Bắc Kinh trong việc khẳng định ảnh hưởng của mình vượt qua ngoài bờ biển, theo Lầu Năm Góc.

Báo cáo mới này được đưa ra trong bối cảnh Washington đang tập trung đối phó với những thách thức từ Bắc Kinh không những trong sức mạnh hải quân mà còn về khả năng không gian và công nghệ tên lửa. Năm 2018, Lầu Năm Góc tuyên bố cạnh tranh chiến lược với TQ và Nga là ưu tiên hàng đầu của họ, chuyển từ việc chống lại các nhóm khủng bố và các cuộc nổi dậy sau sự kiện ngày 11-9-2001.

Theo báo cáo nộp lên Quốc hội Mỹ ngày 2-5, TQ sẽ tập trung xây dựng một đất nước hùng mạnh và thịnh vượng với lực lượng quân đội “đẳng cấp” để đảm bảo vị thế của mình như một cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Về phía TQ, Bắc Kinh khẳng định tàu sân bay là cần thiết để bảo vệ đường biển và các tuyến thương mại. Hơn nữa, truyền thông quốc gia TQ còn đưa tin chính phủ nước này đang lên kế hoạch để chế tạo một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng di chuyển trên biển trong thời gian dài.

Tàu sân bay duy nhất trong hạm đội hải quân hiện tại của TQ là tàu Liêu Ninh. Tiền thân của tàu Liêu Ninh là tuần dương mẫu hạm Varyag được Liên Xô khởi công đóng từ năm 1985. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nó thuộc sở hữu của Ukraine. Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay, nhiều nhất trong số các quốc gia.

Bế tắc trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và TQ đang bước vào giai đoạn cuối nhưng có thể hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận liên quan đến việc chống lại các cuộc tấn công mạng và các khoản trợ cấp của Bắc Kinh, theo tờ New York Times. Nhật báo South China Morning Post còn đưa tin Mỹ vừa quyết định đánh thuế lên tới 460% vào sợi dệt của TQ vì các khoản trợ cấp không công bằng của chính phủ. 

Theo Hà Minh Thu

Pháp luật TP.HCM