1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vì sao APEC không kết nạp thành viên mới suốt 20 năm qua?

(Dân trí) - Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hiện có 21 nền kinh tế thành viên. Con số này được duy trì suốt từ năm 1998 mặc dù nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ bày tỏ nguyện vọng được tham gia.


Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên của APEC tại khách sạn Hyatt (Canberra, Australia)ngày 6 - 7/11/1989. (Ảnh: BI)

Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên của APEC tại khách sạn Hyatt (Canberra, Australia)ngày 6 - 7/11/1989. (Ảnh: BI)

APEC là gì?

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào năm 1989. Đây là một diễn đàn của 21 nền kinh tế thành viên Vành đai Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ về kinh tế và chính trị.

21 thành viên của APEC gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Việt Nam.

Người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập APEC là cựu Thủ tướng Australia Bob Hawke trong bài phát biểu của ông tại Hàn Quốc vào tháng 1/1989. Khoảng 10 tháng sau đó, 12 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã nhóm họp tại Australia để chính thức lập ra APEC. Từ 12 thành viên ban đầu, diễn đàn đã mở rộng lên 21 thành viên.

Diễn đàn này họp thường niên lần lượt tại mỗi nền kinh tế thành viên.

Quy mô và chức năng của APEC

Theo số liệu năm 2014, 21 thành viên APEC có 2,8 tỷ dân, chiếm 39% dân số thế giới; tổng GDP đạt 41.000 tỷ USD chiếm 57% GDP toàn cầu, giá trị thương mại đạt 21.000 tỷ USD chiếm 47% giá trị toàn cầu.

APEC nhằm mục tiêu xây dựng cộng đồng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết lẫn nhau thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, thống nhất bộ quy tắc, tiêu chuẩn chung cho cả khu vực.


(Ảnh: APEC)

(Ảnh: APEC)

Nguyên tắc hoạt động của APEC

Nguyên tắc hoạt động chính của APEC là đồng thuận, tự nguyện. Các hoạt động của APEC được tài trợ bằng nguồn ngân sách đóng góp thường niên của các nền kinh tế thành viên.

Các nền kinh tế thành viên tham gia đối thoại mở, trao đổi chính sách để tiến tới những thỏa thuận chung. Các thỏa thuận này sau đó được triển khai thông qua các Kế hoạch hành động tập thể của APEC và Kế hoạch hành động của từng nền kinh tế thành viên.

Vì sao APEC không kết nạp thành viên mới?

Từ năm 1991, khi cả Trung Quốc, Đài Loan đều trở thành thành viên APEC, cụm từ "nền kinh tế" được dùng để chỉ thành viên thay vì sử dụng cụm từ "quốc gia", cũng như không gọi kỳ họp cấp cao là "Hội nghị thượng đỉnh", vì nó thường chỉ dùng để chỉ một cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia.

APEC ngừng kết nạp thành viên mới từ năm 1998. Nguyên nhân được đưa ra là APEC không muốn việc kết nạp mới ảnh hưởng đến mục tiêu "hội nhập khu vực và các nền kinh tế mở".

Quyết định trên của các nhà lãnh đạo APEC khiến nguyện vọng gia nhập APEC của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Colombia, Ecuador, Macao (Trung Quốc), Mông Cổ, Pakistan, Panama, Sri Lanka, Campuchia, Lào và Myanmar tạm thời chưa được đáp ứng.

Minh Phương

Tổng hợp