1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vết nứt Mỹ-Saudi Arabia và cơ hội của Nga

Sáng 17-12, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ra tuyên bố phản đối “quan điểm gần đây của Thượng viện Mỹ… can thiệp rành rành vào chuyện nội bộ vương quốc, hủy hoại vai trò khu vực và quốc tế của vương quốc”.

Theo tuyên bố, các hành động và phát ngôn “đáng ngạc nhiên” phía Mỹ đã phủ nhận vai trò của thái tử Mohammed bin Salman - người đã đóng góp xây dựng các quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Tuần trước, Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết quy trách nhiệm cho thái tử Salman trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết, thống nhất chấm dứt sự ủng hộ quân sự của Mỹ với Saudi Arabia trong cuộc chiến ở Yemen. Từ đầu vụ nhà báo Khashoggi bị giết, trong khi phương Tây chỉ trích mạnh thái tử Salman thì điện Kremlin nói không có lý do gì không tin Saudi Arabia. Trên trang tin Oilprice, chuyên gia về tư pháp quốc tế và các diễn biến chính trị Vanand Meliksetian nhận định vết nứt giữa hai đồng minh Mỹ-Saudi Arabia là cơ hội của Nga.


Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đập tay chào hỏi thân mật tại hội nghị G20 ở Argentina cuối tháng 12. Ảnh: JAPAN TIMES

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia đập tay chào hỏi thân mật tại hội nghị G20 ở Argentina cuối tháng 12. Ảnh: JAPAN TIMES

Từ lúc Liên bang Xô viết sụp đổ, Nga không có nhiều nguồn lực để cạnh tranh Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, vị thế của Nga hoàn toàn khác sau khi Nga can thiệp vào nội chiến Syria năm 2015. Không chỉ qua lại với các đồng minh lịch sử của mình, Nga còn có quan hệ tốt với cả đối thủ (Iran) và đồng minh của Mỹ (Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Saudi Arabia).

Thực ra Nga đã gặp may. Theo chuyên gia Meliksetian, nếu Mỹ không có “chính sách hướng Đông” thì Nga đã không thể có nhiều thành tựu như bây giờ. Bước rút lui của Mỹ là cơ hội tốt để Nga điền vào và củng cố ảnh hưởng. Lúc này Nga đang lặp lại chiến thuật này với trường hợp Saudi Arabia. Sau việc nhà báo Khashoggi bị giết, dù khẳng định sẽ không trừng phạt Saudi Arabia nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian này vẫn không thể thể hiện quá gần gũi với thái tử Salman. Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin thì có thể và việc ông cùng thái tử Salman đập tay chào hỏi thân mật tại hội nghị G20 ở Argentina đã nói lên tất cả. Trong khi các lãnh đạo khác tránh né thái tử Salman thì hành động của ông Putin nói lên rằng Nga là bạn của Saudi Arabia. Chuyên gia Meliksetian ví von bằng hành động này, ông Putin và Nga đang cố gắng nắm bắt thời điểm để đặt một cái nêm vào giữa kẽ hở quan hệ đồng minh Mỹ-Saudi Arabia.

Có được quan hệ tốt với Saudi Arabia là một chiến thắng chính trị rất lớn với Nga ở Trung Đông. Một điều nữa, Nga đang trong quá trình thương lượng bán hệ thống phòng không S-400 cho Saudi Arabia, một động thái cạnh tranh bán vũ khí với Mỹ. Bên cạnh các lợi thế về chính trị, việc Nga thân thiết với Saudi Arabia cũng mang lại cho Nga công cụ trừng phạt Mỹ. Nga có thể hợp tác với Saudi Arabia và OPEC giảm sản lượng khai thác để đẩy giá, điều ông Trump từng nhiều lần lên án sẽ làm tổn thương người tiêu dùng Mỹ. Phần Saudi Arabia, dù có lệ thuộc vô Mỹ trong đối phó với Iran nhưng một khi phải chọn lựa, nước này sẽ chọn chính sách “ưu tiên quyền lợi Saudi Arabia”.

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP HCM