1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Vào trường “Tây học” trong lòng Triều Tiên bí ẩn

(Dân trí) - Ở ngay giữa trung tâm Triều Tiên, một trường đại học, phần lớn do phương Tây đài thọ, đang nỗ lực mở mang đầu óc cho những người trẻ sẽ trở thành lãnh đạo tương lai của quốc gia này.

Bên trong một lớp học của trường Tây học tại Bình  Nhưỡng
Bên trong một lớp học của trường "Tây học" tại Bình  Nhưỡng

Panorama,chương trình Giáo dục Triều  Tiên của hãng tin BBC, đã được phép tiếp cận trường đại học “Tây học” này. Dân Trí xin được trích đăng bài viết.

Bước vào trường đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng, có thể nhận ra ngay đây không phải là một trường học bình thường.

Một sỹ quan chào chúng tôi khi xe của chúng tôi đi qua cổng kiểm tra an ninh. Khi đã ở bên trong trường, chúng tôi nghe thấy tiếng hành quân và tiếng hát. Không phải là của lính gác, mà là của sinh viên.

Họ là con trai của một số quan chức quyền lực nhất Triều Tiên, trong đó có những sỹ quan cấp cao.

“Vì chỉ huy tối cao của chúng ta Kim Jong-un, chúng ta sẽ bảo vệ ông bằng mạng sống của chúng ta”, họ vừa hát vừa bước đều tới nơi ăn sáng. “Yêu nước là truyền thống”, một sinh viên năm thứ nhất, 20 tuổi, giải thích. “Những bài hát chúng tôi hát khi bước đều là để cảm ơn Lãnh đạo tối cao của chúng tôi.”

Trường có 500 sinh viên, mặc vét đen chỉnh tề, áo sơ mi trắng, ca vát đỏ và mũ đen cùng cặp sách bên hông. Họ đều được chính quyền của ông Kim Jong-un lựa chọn kỹ lưỡng để được học nền giáo dục Tây học.

Mục đích chính thức của trường đại học này là trang bị cho sinh viên theo học các kỹ năng để giúp hiện đại hóa đất nước Triều Tiên và hội nhập vào cộng đồng quốc tế.

Học bằng tiếng Anh, giáo viên người Mỹ

Trường được mở cửa năm 2010 và nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng.
Trường được mở cửa năm 2010 và nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng.

Tất cả các môn học đều bằng tiếng Anh và nhiều giảng viên là người Mỹ. Điều này rất ấn tượng bởi Triều Tiên tự tách mình khỏi thế giới bên ngoài từ nhiều thập niên và Mỹ là kẻ thù bị căm ghét.

Sau 18 tháng thương lượng, chúng tôi đã được trao giấy phép đặc biệt để tiếp cận với sinh viên, mặc dù chúng tôi liên tục bị theo dõi. Các sinh viên giải thích họ thân thiện với người Mỹ, chứ không phải chính phủ Mỹ.

“Dĩ nhiên ban đầu chúng tôi lo lắng. Nhưng giờ chúng tôi tin người Mỹ khác hẳn với nước Mỹ”, một sinh viên giải thích. “Chúng tôi muốn có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước”, một sinh viên khác cho biết thêm.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng nằm ở ngoại ô Bình Nhưỡng, được mở cửa vào tháng 10/2010.

Người sáng lập và là hiệu trưởng của trường là Tiến sỹ James Chin-Kyung Kim, doanh nhân Cơ đốc giáo người Mỹ gốc Hàn, năm nay 78 tuổi. Ông được chính quyền Triều Tiên mời đến xây dựng một trường đại học tương tự như trường ông đã mở ở bắc Trung Quốc.

Ông đã quyên góp được hầu hết trong số 20 triệu bảng Anh cho chi phí xây dựng trường từ các tổ chức từ thiện Cơ đốc giáo ở Mỹ và Hàn Quốc.

“Tôi rất cảm ơn chính phủ này, họ đã chấp nhận tôi. Họ hoàn toàn tin tưởng tôi và trao tôi toàn quyền điều hành những trường như thế này. Bạn có thể tin được không?”

Rất khó có thể tin, khi mà các nhóm nhân quyền cho rằng công dân Triều Tiên nếu bị phát hiện theo Cơ đốc giáo sẽ bị xử lý.

Sinh viên tập thể dục giống như diễu binh trước mỗi bữa trưa.

Sinh viên tập thể dục giống như diễu binh trước mỗi bữa trưa.

Trong mỗi phòng học, chân dung của các nhà lãnh đạo Triều Tiên được treo ở vị tri trang trọng, bên trên tấm bảng trắng.

Giảng viên Colin McCulloch đến đây giảng dạy miễn phí. Một số trong số 40 giảng viên khác được các tổ chức từ thiện Cơ đốc giáo trả lương. McCulloch đã rời Yorkshire để tới dạy về kinh doanh cho những quan chức cấp cao tương lai của chính quyền Triều Tiên.

Ông chia sinh viên ra làm các nhóm và hướng dẫn họ thành lập công ty tưởng tượng của riêng mình và đưa ra dự đoán lợi nhuận của các công ty.

Tại đất nước mà việc cung ứng hàng hóa do chính quyền kiểm soát, khái niệm về một thị trường tự do hoàn toàn mới đối với các sinh viên.

“Tôi tin chắc các nhà lãnh đạo và chính phủ ở đây nhận ra họ cần phải liên hệ với thế giới bên ngoài”, McCulloch cho hay. “Thật không thể là một nền kinh tế hoàn toàn đóng kín trong kỷ nguyên hiện đại”.

Không biết Michael Jackson

Các giảng viên nước ngoài của trường gặp khó khăn với chương trình tuyên truyền và điều khiện gần như bị tách biệt hoàn toàn khỏi phần còn lại thế giới.

“Sẽ tốt cho các bạn khi nghe những người này nói bởi giọng của họ rất khác với giọng của tôi – họ nói tiếng Anh-Anh”, Erin Fink, giáo viên người Mỹ, người mời chúng tôi dự giờ một lớp học tiếng Anh, giải thích với những sinh viên năm thứ nhất của mình.

Họ nói với chúng tôi họ thích một nhóm nhạc nữ Triều Tiên có tên gọi Ban nhạc Moranbong, một trong những nhóm nhạc trong đội tuyên truyền mới nhất của lãnh đạo Kim Jong-un.

Khi chúng tôi nhắc đến Michael Jackson, cả phòng học là những gương mặt trống rỗng. Chúng tôi thử lại một lần nữa. “Giơ tay lên nếu các bạn đã nghe nói về Michael Jackson”. Không một cánh tay nào được giơ lên.

Các bạn có thể chắc mẩm rằng sinh viên sẽ tìm thấy thông tin về Michael Jackson từ trên mạng, không giống như hầu hết phần còn lại của Triều Tiên. Nhưng trong phòng máy tính, người trông coi đã cấm tất cả tiếp cận internet. Không có thư điện tử, không mạng xã hội và không tin tức quốc tế.

Tại Triều Tiên chỉ có sự tận tụy hết mình đối với lãnh đạo tối cao và ca ngợi mọi thứ của Triều Tiên là được phép. Theo các tổ chức nhân quyền, sự tận tụy đó là kết quả của mệnh lệnh từ khi được sinh ra và nỗi sợ bị xử tử, hoặc bị giam cầm trong những trại cải tạo lao động.

“Vấn đề chính là liệu trường đại học này có đào tạo những người trẻ Triều Tiên để thay đổi đất nước theo hướng tích cực hay duy trì chế độ hiện nay”, Greg Scarlatoiu, Ủy ban nhân quyền ở Triều Tiên tại Washington, Mỹ, cho hay. “Nếu cái giá phải trả cho việc được phép thiết lập một sự hiện diện ở bên trong Triều Tiên là bỏ qua những vi phạm nhân quyền của nước này thì tôi phải nói là, cái giá đó quá đắt.”

Lord Alton, người đứng đầu Nhóm quốc hội toàn đảng về Triều Tiên và là một nhà tài trợ cho trường đại học, hi vọng trường “Tây học” có thể là bước khởi đầu tạo ra những thay đổi căn bản và thay đổi suy nghĩ của một thế hệ. “Bạn phải bắt đầu từ đâu đó. Đây không phải là sự nhân nhượng”, ông nói. “Đây là một dạng tham gia để cố gắng thay đổi”.

Nhưng liệu sinh viên trong trường có thực sự muốn thay đổi? Trong các cuộc trò chuyện được theo dõi chặt chẽ, có thể thấy một số rất muốn được liên lạc với thế giới bên ngoài. “Chúng tôi học ngoại ngữ bởi ngoại ngữ là con mắt của các nhà khoa học”, một sinh viên nói. “Và học một ngôn ngữ là học về một nền văn hóa. Tôi còn muốn nhiều hơn thế nữa”.



Vũ Quý

Theo BBC