1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

"Vai kề vai" đáp trả tham vọng độc chiếm Biển Đông

Gần 10.000 binh sĩ Philippines và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên “Balikatan” (Vai kề vai) giữa 2 nước với mục đích cải thiện tình hình an ninh biển và duy trì ổn định khu vực.

Những tàu đổ bộ hạng nặng của Philippines mới mua của Australia lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận “Vai kề vai” với Mỹ
Những tàu đổ bộ hạng nặng của Philippines mới mua của Australia lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận “Vai kề vai” với Mỹ

Ngay sau lễ khai mạc được tổ chức ở Thủ đô Manila ngày 4-4, Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 11 ngày với sự tham gia của gần 4.000 binh sỹ Philippines, khoảng 5.000 binh sỹ Mỹ và 80 binh sỹ Australia cùng ít nhất 55 máy bay chiến đấu và nhiều thiết bị vũ khí hiện đại. Đại diện quân đội của 11 quốc gia khác, gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Timor Leste đã được mời đến quan sát cuộc tập trận.

Balikatan là cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất giữa Mỹ và Philippines nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Philippines cũng như khả năng phối hợp giữa lực lượng vũ trang 2 nước đồng minh thân cận này. Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, Trung tướng John Toolan, nêu rõ mục đích cuộc tập trận này giúp quốc gia đồng minh cải thiện tình hình an ninh biển và duy trì ổn định khu vực.

Đáng chú ý, trong cuộc tập trận có nội dung tái chiếm 1 đảo bị đối phương chiếm đóng trên Biển Đông. Phía quân đội Philippines lần đầu tiên đưa vào tập trận những tàu đổ bộ hạng nặng trong số 5 tàu mua của Australia mà 3 chiếc sau cùng vừa được bàn giao tháng 3 vừa qua. Phía Mỹ cũng lần đầu tiên sử dụng hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao của quân đội nước này (HIMARS) trong cuộc tập trận Balikatan-2016.

Điểm được quan tâm khác là cuộc tập trận năm nay diễn ra tại nhiều địa điểm, trong đó có các căn cứ không quân Clark, vịnh Subic và đảo Palawan đều có vị trí chiến lược hướng ra Biển Đông. Điều này cùng với nội dung tái chiếm đảo được hãng thông tấn Reuters nhận định rằng, Balikatan-2016 với sự tham gia của HIMARS, máy bay chiến đấu... là “dấu hiệu cho thấy sự chuẩn bị cho trường hợp phải bảo vệ lãnh thổ”.

Thế nên, không ngạc nhiên khi Trung Quốc công khai phản ứng. Hãng tin chính thức của Trung Quốc là Tân Hoa xã bình luận: “Cuộc tập trận này che đậy những âm mưu của Manila nhằm lôi kéo những người ngoài cuộc vào cuộc tranh chấp lãnh thổ trong khu vực”.

Nội dung cuộc tập trận chung Balikatan-2016 cùng phản ứng của Trung Quốc diễn ra giữa lúc Bắc Kinh đang ráo riết có những hành động hòng xâm chiếm, bồi đắp các bãi đá trên Biển Đông thành các đảo nổi nhân tạo bất chấp việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên hợp quốc đang thụ lý vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược này. Mới đây nhất, Trung Quốc đã điều tàu tới khống chế bãi Hải Sâm (tên quốc tế là Jackson, còn Philippines gọi là Quirino) thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước cuộc tập trận Balikatan 1 tháng, Philippines và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc cho phép quân Mỹ triển khai tại 5 căn cứ quân sự tại Philippines nhằm tăng cường quan hệ liên minh giữa 2 nước, bảo vệ an ninh và quốc phòng lẫn nhau, cũng như cùng đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực. Có thể thấy, Trung Quốc càng hung hăng đòi hỏi chủ quyền phi lý trên Biển Đông thì Philippines cùng với Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực càng cảm thấy cần phải bắt tay nhau để đáp trả.

Theo Hoàng Hà

An ninh thủ đô