1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Uy lực của siêu tăng Liên Xô từng "đè bẹp" đối thủ phát xít Đức

(Dân trí) - Một trong những cỗ xe tăng uy lực nhất Thế chiến 2, IS-2, đã thành công tới mức nó không chỉ được sử dụng trong cuộc chiến chống phát xít Đức, mà còn phục vụ trong quân đội Liên Xô và Nga trong nửa thế kỷ tiếp theo.

Uy lực của siêu tăng Liên Xô từng đè bẹp đối thủ phát xít Đức  - 1

Xe tăng Tiger của Đức (Ảnh: Bundesarchiv)

Theo Russia Beyond, đầu năm 1943, khi phát xít Đức triển khai hàng loạt xe tăng hạng nặng Tiger ở mặt trận phía Đông, Liên Xô nhận ra rằng họ đang đối mặt với một vấn đề khá nghiêm trọng. Xe tăng hạng trung T-34 và hạng nặng KV-1S của Liên Xô không thể đối phó Tiger một cách hiệu quả nếu không áp sát vũ khí của phát xít Đức. 

Hồng quân Liên Xô khi đó cần xe tăng mới để chống lại những vũ khí được mệnh danh là “quái vật” ở tầm xa. Chiếc xe tăng IS-1 (viết tắt từ tiếng Nga tên cố lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin) đã được phát triển nhanh chóng và đưa ra chiến trường vào tháng 8/1943. Được trang bị súng 85 mm, IS-1 có thể chiến đấu với Tiger ở tầm trung. Tuy nhiên, khí tài này vẫn chỉ được coi là giải pháp tình thế, và Liên Xô vẫn cần một vũ khí mạnh mẽ hơn.

Uy lực của siêu tăng Liên Xô từng đè bẹp đối thủ phát xít Đức  - 2

Xe tăng IS-1 (Ảnh: Russia Beyond)

Ngày 31/10/1943, chiếc xe tăng thiện chiến và kiên cố nhất lực lượng Đồng minh trong Thế chiến 2 đã ra đời. Xe tăng IS-2 với súng nòng 122 mm có thể biến đối thủ thành tro bụi ở khoảng cách 1,5 - 2 km. Lớp bọc thép của Tiger đã bị xuyên thủng hiệu quả ở khoảng cách 1 km.

IS-2 cũng là xe tăng duy nhất trong liên minh chống phát xít Đức có thể chịu được hỏa lực từ Flak 88 mm của Đức, một trong những pháo phòng không kiêm chống tăng uy lực nhất thời Thế chiến 2. Bất cứ xe tăng Liên Xô, Anh hay Mỹ nào khác đều không thể chịu được đòn tấn công của Flak.

Uy lực của siêu tăng Liên Xô từng đè bẹp đối thủ phát xít Đức  - 3

Xe tăng IS-2 (Ảnh: Military Factory)

Theo Russia Beyond, IS-2 đã trở thành cơn “đau đầu” với phát xít Đức. Để tấn công được xe tăng Liên Xô, Tiger phải tiếp cận IS-2 ở khoảng cách tối đa 800 m, điều làm nó giảm đi nghiêm trọng cơ hội chiến thắng. Vì lý do này, mà lãnh đạo quân đội phát xít Đức bấy giờ đã ra lệnh các đội xe tăng tránh đối đầu một đấu một với IS-2.

Nhà lãnh đạo Stalin vào thời đó được cho là rất hài lòng với xe tăng này. Sau khi thị sát, ông được cho đã tuyên bố rằng cuộc chiến có thể được giải quyết với IS-2.

Uy lực của siêu tăng Liên Xô từng đè bẹp đối thủ phát xít Đức  - 4

Xe tăng IS-2 (Ảnh: Russiainphoto.ru)

Tuy nhiên, IS-2 không chỉ được thiết kế để đối phó với xe tăng Tiger. Năm 1944, Hồng quân Liên Xô trên những chiếc IS-2 đã xâm nhập vào các thành phố trên châu Âu, nhằm vào các pháo đài kiên cố của phát xít Đức để tấn công.

Theo Russia Beyond, IS-2 là xe tăng đầu tiên nã hỏa lực vào Tòa nhà Reichstag, quốc hội thời bấy giờ của phát xít Đức trong chiến dịch Berlin. Đây là chiến dịch cuối cùng của Liên Xô trong chiến tranh Xô-Đức, giúp Liên Xô đánh tan quân đội Đức bảo vệ Berlin và khiến trùm phát xít Adolf Hitler phải tự sát. Sự kiện này đã góp phần kết thúc Thế chiến 2 tại châu Âu.

Trước khi cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 đi tới hồi kết, Liên Xô đã sản xuất được 3.395 xe tăng IS-2. Tuy nhiên, những vũ khí này không về hưu sau năm 1945. Chúng tiếp tục được hiện đại hóa với các biến thể mạnh mẽ hơn và phục vụ trong quân đội Liên Xô và sau này là Nga tới năm 1995. Nhiều nền quân đội trên thế giới cũng tin tưởng sử dụng IS-2.

Đức Hoàng

Theo Russia Beyond