1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine không gia hạn thiết quân luật sau vụ đụng độ Nga trên Biển Đen

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông không có kế hoạch gia hạn thiết quân luật trong bối cảnh Nga vẫn đang tạm giữ 3 tàu hải quân và 24 thủy thủ Kiev với cáo buộc xâm phạm lãnh hải.

Ba tàu Ukraine bị Nga bắt hôm 25/11 (Ảnh: Sputnik)
Ba tàu Ukraine bị Nga bắt hôm 25/11 (Ảnh: Sputnik)

New York Times đưa tin, Tổng thống Poroshenko ngày 16/12 phát biểu rằng ông chưa có kế hoạch gia hạn thiết quân luật trừ khi Nga phát động một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Ukraine.

Cũng trong sự kiện, ông Poroshenko đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phớt lờ các cuộc thương lượng nhằm thả các thủy thủ Kiev bị Moscow bắt tháng trước.

Theo cáo buộc của Nga, ngày 25/11, ba tàu hải quân Ukraine đã xâm phạm trái phép lãnh hải của Moscow. Dù Nga đã nhiều lần cảnh báo, nhưng phía tàu Kiev dường như không để tâm và có hành động “khiêu khích gây nguy hiểm” buộc Nga phải sử dụng vũ khí để trấn áp tình hình. Từ đó tới nay, họ đã tạm giữ tàu cũng như thủy thủ Ukraine.

Ukraine đã bác bỏ cáo buộc trên, yêu cầu Nga thả tàu và người ngay lập tức. Ông Poroshenko cũng trực tiếp đề xuất lên quốc hội về việc ban hành thiết quân luật trong 30 ngày ở các khu vực giáp với Nga, biển Đen, biển Azov và đề xuất đã được thông qua. Theo Euro News, thời hạn thiết quân luật ở Ukraine kết thúc là ngày 26/12.

“Khi sự việc xảy ra, tôi đã gọi ông ấy (Tổng thống Nga Vladimir Putin) để trao đổi, nhưng ông ấy từ chối”, ông Poroshenko nói, nhấn mạnh Nga có phản ứng chậm vì Ukraine có thể cung cấp những bằng chứng nhanh chóng.

“Quan điểm đã được tôi cam kết là sẽ không có thiết quân luật ngăn cản cuộc bầu cử (tổng thống, dự kiến diễn ra tháng 3/2019). Nếu Nga không phát động tấn công quy mô lớn trên lãnh thổ của Ukraine, thiết quân luật sẽ không được gia hạn”, ông Poroshenko phát biểu.

Quan hệ Ukraine và Nga đã trở nên xấu đi kể từ năm 2014 khi bán đảo Crimea ly khai Kiev, tổ chức trưng cầu dân ý và lựa chọn sáp nhập trở về Nga. Cùng năm đó, phong trào đối lập ở miền đông Ukraine bùng phát và Kiev cáo buộc rằng Nga can thiệp nội bộ nước này khi ủng hộ lực lượng ly khai. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này.

Đức Hoàng

Theo New York Times