1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ukraine khoe tên lửa đạn đạo thế hệ mới Olkha để dọa Nga

Ngày 24/9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã giới thiệu trên Facebook của mình một đoạn video chuyển động chậm của loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới Olkha, do nước này tự phát triển.

Tổng thống Poroshenko cho biết trong nhận xét về đoạn video rằng: "Hơn hai năm qua, quân đội Ukraine đã nhận được hàng chục vũ khí mới và thiết bị quân sự, nhưng chúng tôi chỉ mới bắt đầu quá trình hiện đại hóa quân sự của đất nước, còn rất nhiều việc phải làm".

Theo đó, loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn này được phóng trên hệ thống rocket phóng loạt (còn được gọi là hệ thống tên lửa đa nòng) cỡ đạn 300mm BM-30 9K58 Smerch, được sản xuất từ thời Liên Xô. Theo các quan chức quốc phòng Ukraine, vụ thử nghiệm mới nhất này đã thành công mỹ mãn.

Hiện nay chưa có nhiều thông tin về hệ thống tên lửa mới của Ukraine. Tuy nhiên, theo các thông tin bên lề, Olkha do phòng thiết kế Luch ở Kiev phát triển, dựa trên những kinh nghiệm của Cục thiết kế tên lửa Yuzhnoye ở tỉnh Dnepropetrovsk, ở miền nam Ukraine.

Hồi tháng 4 năm nay, văn phòng báo chí của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (RNBO) tuyên bố, nước này vừa thử thành công loại tên lửa mới, được điều khiển bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS và hệ thống tự điều chỉnh hướng. Tên lửa cũng có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật.

Theo những thông tin rò rỉ, loại tên lửa mới Olkha có đường kính 300mm và tầm phóng 300km, được chế tạo để thay thế tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka-U đang được quân đội nước này sử dụng trong cuộc chiến chống quân ly khai Donbass, được sản xuất dưới thời Liên Xô.

Olkha được phóng trên nền tảng hệ thống BM-30 Smerch của Liên Xô
Olkha được phóng trên nền tảng hệ thống BM-30 Smerch của Liên Xô

Trong hai thập kỷ sau khi giành được độc lập, Ukraine dựa vào kho vũ khí của Liên Xô cũ được thừa kế và sản xuất các loại vũ khí mới trong sự hợp tác chặt chẽ với các công ty Nga.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã có chiều hướng xấu đi rất nhiều kể từ khi xảy ra cuộc chính biến trên Quảng trường Độc Lập (Maidan) ở thủ đô Kiev vào tháng 2/2014, dẫn tới chính phủ hợp hiến của ông Yanukovych bị lật đổ, thay thế bằng chính phủ mới thân phương Tây.

Ukraine đã đưa ra một lập trường mạnh mẽ chống Nga, sau khi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow, Kiev cũng đã chấm dứt hợp tác công nghiệp quốc phòng và nỗ lực đầu tư để tìm cách thay thế cho các loại vũ khí và công nghệ đó trước đây có được từ quân đội Nga.

Trong bối cảnh căng thẳng ở Crimea và nội chiến bùng nổ ở miền Đông Ukraine, việc phát triển vũ khí hiện đại nói chung và tên lửa nói riêng nhằm đối phó với lực lượng ly khai thân Nga ở Donbass đã trở nên bức thiết đối với chính quyền của Tổng thống Poroshenko.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Olkha mà ông Poroshenko ca ngợi trên facebook hôm 24/9 là một trong những dự án công nghiệp quốc phòng “thoát Nga” của nước này. Tuy nhiên, tính năng “siêu tiên tiến” và tầm phóng “siêu xa” 300km của nó đang bị các chuyên gia nghi ngờ là “siêu thực”.

Hình ảnh cắt từ clip vụ thử tên lửa của Ukraine hôm 22/4
Hình ảnh cắt từ clip vụ thử tên lửa của Ukraine hôm 22/4

Bình luận về vấn đề này, báo Svobodnaya cho biết, tính năng và các mối đe dọa tiềm tàng từ các tên lửa Olkha có thể bị thổi phồng bởi hiện ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine khó có thể chế tạo được các tên lửa tiên tiến, do thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật và linh kiện của Nga.

Việc tích hợp một tên lửa đạn đạo 300mm vào ống phóng Smerch là điều có thể, tuy nhiên, tên lửa Tochka-U có đường kính thân lên tới 650mm mới đạt tầm phóng 120km. Để Olkha có thể bắn xa tới 300km với đường kinh thân 300mm đòi hỏi Ukraine phải chế tạo được nhiên liệu rắn chất lượng siêu cao và công nghệ nén nhiên liệu rắn siêu hạng.

Vừa qua, những yếu kém của loại súng cối mới mang tên MOLOT - một vũ khí ít phức tạp hơn nhiều so với một tên lửa đạn đạo, được nhà sản xuất đổ lỗi cho việc quân nhân nước này “thiếu đào tạo”, nhưng thực chất là những hạn chế và khiếm khuyết về khả năng định vị mục tiêu, đã chỉ rõ điều này.

Nhà bình luận quân sự Nga Viktor Baranez cũng nhận định rằng, thực tế hiện nay là hầu hết các tổ hợp quân sự-công nghiệp Ukraine đang trong giai đoạn suy thoái sâu, khi không nhận được sự trợ giúp về công nghệ tiên tiến và các linh kiện vũ khí công nghệ cao của Nga.

Sau khi đoạn tuyệt quan hệ với ngành quân sự-công nghiệp Nga, chất lượng ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang xuống dốc không phanh, các sản phẩm chất lượng kém bị quân đội chê bai, từ một nước xuất khẩu vũ khí, nước này đã phải nhập cả những trang bị còn xa mới đạt đến trình độ các vũ khí trước đây họ đã chế tạo.

Theo

PetroTimes