1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine: Cách mạng Cam 2.0 đã nhạt màu

Hai năm sau sự kiện Maidan, Ukraine vẫn chìm sâu trong khủng hoảng về mọi mặt.

Kinh tế lao dốc không phanh, tình trạng tham nhũng tràn lan, chính phủ hỗn loạn và Thoả thuận Minsk vẫn không được thực hiện đầy đủ. Bức tranh này hoàn toàn đối lập với những kỳ vọng của người dân Ukraine khi thực hiện cuộc Cách mạng Maidan (còn gọi là “Cách mạng Cam 2.0”) năm 2014.

Thậm chí, khủng hoảng kéo dài khiến cho tình hình Ukraine hiện nay còn bi đát hơn thời kỳ nước này còn dưới quyền điều hành của cựu Tổng thống Viktor Yanukovich.

Khủng hoảng toàn diện

Hơn hai năm trước, những người dân Kiev và miền Tây Ukraine hò reo ăn mừng trước sự sụp đổ chính quyền tham nhũng của Yanukovich, đồng thời kỳ vọng vào một tương lai thịnh vượng hơn cho xứ sở của Cách mạng Cam này. Tuy nhiên, tình hình hiện nay chưa được cải thiện, thậm chí còn trầm trọng hơn trước.

Trước hết, tình trạng tham nhũng trong giới cầm quyền - nguyên nhân chính dẫn tới cuộc Cách mạng Maidan - vẫn diễn ra nghiêm trọng. Các nhà cầm quyền dường như mải mê đấu đá bè phái và tìm cách tư lợi hơn là cống hiến cho đất nước và người dân.

Tổng thống Petro Poroshenko từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2014 vừa bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama” với cáo buộc lập công ty ở nước ngoài để trốn thuế. Thông tin này càng khắc sâu mâu thuẫn giữa chính quyền và người dân Ukraine.

Mới đây, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk đã phải ra đi trong tư thế bẽ bàng khi chịu sức ép từ chức không chỉ từ người dân Ukraine mà cả giới lãnh đạo ở Kiev, thậm chí là từ cả những đồng minh từng sát cánh bên ông trong cuộc Cách mạng Maidan.

Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc Cách mạng Maidan năm 2014. (Nguồn: The Guardian)
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong cuộc Cách mạng Maidan năm 2014. (Nguồn: The Guardian)

Hiện nay, dù đã có Thủ tướng mới nhưng chính trường Ukraine vẫn hết sức rối ren. Sau hai lần bỏ phiếu gần đây nhất, Quốc hội Ukraine vẫn không thông qua chương trình hành động của chính phủ mới do tân Thủ tướng Vladimir Groisman đệ trình.

Theo luật của Ukraine, nếu chương trình hành động trên không được Quốc hội thông qua, chính phủ sẽ mất quyền miễn bị giải tán trong vòng một năm. Điều đó có nghĩa là Quốc hội Ukraine có thể giải tán chính phủ bất kỳ thời điểm nào trong năm nếu hội đủ đa số phiếu ủng hộ. Sự khởi đầu không mấy thuận lợi cho thấy chỗ đứng của ông Groisman cũng chưa chắc đã vững chãi hơn.

Đi cùng một chính quyền tham nhũng làm việc kém hiệu quả là nền kinh tế suy thoái nặng nề. Tình trạng lạm phát cao và đặc biệt khoản nợ công lên tới 118,7 tỷ USD, chiếm 143,9% GDP buộc Ukraine tiếp tục phải đi vay để trả nợ. Các khoản vay quốc tế luôn kèm theo những điều kiện ngặt nghèo, khiến người dân bị đẩy vào cảnh khốn khó.

Tình hình mọi mặt của Ukraine tồi tệ đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải trì hoãn việc giải ngân khoản cho vay 1,7 tỷ USD. Đại sứ Đức tại Mỹ Peter Wittig cảnh báo: “Cuộc chiến chống tham nhũng phải là một ưu tiên hàng đầu của lãnh đạo Ukraine. Nếu Ukraine không hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế, nếu tình trạng tham nhũng không được giải quyết, các nhà đầu tư châu Âu và phương Tây sẽ không đặt chân tới Ukraine".

Sự thất bại của phương Tây

Trong bối cảnh tình hình Ukraine đang có nhiều diễn biến phức tạp, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Eyraud mới đây đã bất ngờ đến Kiev. Cựu Thủ tướng Ukraine Yatseniuk vội vã khẳng định rằng chuyến thăm này là “tín hiệu rõ ràng và đầy sức nặng cho thấy Ukraine đã có vị trí trong lòng châu Âu”.

Trên thực tế, sau khi đến Kiev, Ngoại trưởng Đức và Pháp đã bày tỏ sự không hài lòng vì Kiev đã không thực hiện trách nhiệm của mình đối với Thỏa thuận Minsk. Đặc biệt, Kiev đã từ chối thực hiện các điều khoản chính trị, trong đó yêu cầu chính phủ Ukraine tiến hành đối thoại với lãnh đạo hai khu vực tự trị Lugansk và Donetsk (vùng Donbass).

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng “Thỏa thuận Minsk là con đường duy nhất để Ukraine có thể khôi phục chủ quyền lãnh thổ và sống trong hòa bình”. Tuy nhiên, “Ukraine cần phải thực hiện các cuộc cải cách về thể chế, thực hiện chương trình phi tập trung hóa quyền lực, nhất là liên quan đến tình hình Donbass”, theo Ngoại trưởng Pháp Eyraud.

Những mâu thuẫn giữa phương Tây và Kiev cho thấy, phương Tây đang mất dần sự kiểm soát đối với chính quyền do chính họ ủng hộ tại Ukraine. Thậm chí, chính phủ Ukraine còn có những đòi hỏi ngược lại với phương Tây như việc Tổng thống Poroshenko từng đề nghị Liên minh châu Âu (EU) nhanh chóng cấp cho Ukraine quy chế miễn thị thực để chứng minh EU vẫn đang có những ủng hộ chính trị với Ukraine.

Cuối cùng, việc ông Yatseniuk phải từ chức dưới sức ép của người dân Ukraine cũng đã phản ánh phần nào thất bại của liên minh Maidan, vốn được sự hậu thuẫn của phương Tây trong giai đoạn 2013 - 2014. Tổng thống Poroshenko thì đang gặp nhiều khó khăn vì “Hồ sơ Panama”.

Có thể thấy, sự nghiệp của hai chính trị gia hàng đầu Ukraine từng một thời được phương Tây ủng hộ đang xuống dốc không phanh.

Nếu như phương Tây không có những biện pháp cứng rắn hơn và tiếp tục “nuông chiều” Kiev, uy tín của phương Tây sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, đồng thời đất nước Ukraine sẽ rất khó tìm thấy lối thoát.

Theo Vân Anh

Thế giới và Việt Nam