1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tương lai của Hong Kong nếu dự luật dẫn độ được thông qua

(Dân trí) - Hong Kong sẽ đối mặt với một số tác động nhất định nếu dự luật dẫn độ được thông qua, trong đó có nguy cơ mất đi bản sắc và không còn là điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách quốc tế.

Tương lai của Hong Kong nếu dự luật dẫn độ được thông qua - 1

Hàng nghìn người xuống đường biểu tình tại Hong Kong sáng 12/6. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Hong Kong đã lên kế hoạch thảo luận lần hai về dự luật dẫn độ gây tranh cãi vào sáng nay 12/6. Tuy nhiên, hàng trăm người đã tập trung bên ngoài trụ sở Hội đồng Lập pháp từ tối qua để bày tỏ lập trường phản đối dự luật này.

Cuộc biểu tình vào sáng nay diễn ra chỉ 2 ngày sau khi hàng trăm nghìn người xuống đường trong cuộc biểu tình được cho là lớn nhất trong lịch sử gần đây của Hong Kong.

Nếu được thông qua, dự luật đang thổi bùng làn sóng tranh cãi tại Hong Kong sẽ cho phép dẫn độ nghi phạm tới những nơi mà Hong Kong chưa ký thỏa thuận dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Thị Nguyệt Nga tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thảo luận để thông qua dự luật dẫn độ. Chính quyền Hong Kong hy vọng dự luật sẽ được thông qua vào cuối tháng này.

Theo AP, dự luật này được thông qua sẽ có những tác động nhất định tới Hong Kong và mối quan hệ của đặc khu hành chính này với các nước khác.

Mối quan hệ Mỹ - Hong Kong

Mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Hong Kong được đánh giá là tích cực. Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, Mỹ đã công nhận chế độ “bán tự trị” của Hong Kong và ủng hộ nền dân chủ của đặc khu hành chính này.

Tuy nhiên, dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng nhiều hơn của Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, Mỹ tỏ ra lo ngại về hệ thống pháp lý của Bắc Kinh.

Theo Michael C. Davis, chuyên gia của Trung tâm Wilson chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế và châu Á, Mỹ có thể lo ngại rằng các tài sản công nghệ cao sẽ dịch chuyển từ Hong Kong sang Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, ông Davis không tin rằng Mỹ sẽ thay đổi thái độ với Hong Kong.

“Chính phủ Mỹ quan tâm tới các công dân nước này làm việc tại Hong Kong cũng như số lượng lớn doanh nghiệp Mỹ tại Hong Kong. Mỹ có lợi ích tại Hong Kong”, chuyên gia Davis cho biết.

Du khách và doanh nghiệp nước ngoài dè chừng

Các nhóm nhân quyền và doanh nghiệp vẫn lo ngại về những thiệt hại có thể xảy ra đối với cộng đồng thương mại nếu dự luật dẫn độ được chính quyền Hong Kong thông qua.

Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong đã công bố bức thư nói rằng, việc thông qua dự luật sẽ “làm giảm sức hấp dẫn của Hong Kong trong mắt các công ty quốc tế, trong khi các công ty này vẫn xem Hong Kong là căn cứ cho các hoạt động của họ trong khu vực”.

Chuyên gia Davis cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng các doanh nhân đang kinh doanh tại Hong Kong có nguy cơ đối mặt các cáo buộc nhằm vào họ.

Samuel So, người từng là cư dân Hong Kong, nhận định các du khách quốc tế tới Hong Kong có thể bị dẫn độ về Trung Quốc đại lục nếu dự luật mới được thông qua. Theo đó, không chỉ với người Hong Kong bản địa, mà ngay cả những du khách nước ngoài tới Hong Kong - nơi được coi là trung tâm tài chính quốc tế, đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu có những phát ngôn tiêu cực về Trung Quốc.

Tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Hong Kong

Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997 sau khi nằm dưới chế độ thuộc địa của Anh trong 99 năm. Đặc khu này được phép duy trì cơ quan chính trị và tư pháp riêng trong 50 năm sau đó. 

Chuyên gia Davis cho rằng nhiều nhóm công dân sẽ bị ảnh hưởng nếu dự luật dẫn độ được thông qua, bao gồm các hãng truyền thông, doanh nhân và trường đại học. Ông dự đoán về tác động “đáng lo ngại” của dự luật này “đối với cộng đồng nói chung”.

“Tôi sống tại Hong Kong 30 năm, đó không chỉ là vấn đề chính trị, mà đó là bản sắc của cộng đồng”, ông Davis nói, bày tỏ mong muốn về việc duy trì bản sắc riêng của Hong Kong.

Samuel So, một người tham gia biểu tình, nói rằng bản sắc của người dân Hong Kong đang bị đe dọa.

“Đây là bản sắc độc nhất vô nhị mà chúng tôi đang đấu tranh để bảo vệ. Chúng tôi thực sự muốn một sự riêng biệt trong bản sắc của mình. Chúng tôi muốn được gọi là những người Hong Kong”, So nói.

Làn sóng biểu tình tại Hong Kong giữa tranh cãi về dự luật dẫn độ

Thành Đạt

Tổng hợp