1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc trắng trợn nói hoạt động đánh bắt là bằng chứng về quyền hàng hải

(Dân trí) - Một quan chức chính phủ Trung Quốc ngày 7/3 trắng trợn tuyên bố, các ngư dân nước này hoạt động ở Biển Đông là bằng chứng cho thấy quyền và lợi ích của hàng hải của Bắc Kinh. Tuyên bố này là bằng chứng cho thấy Trung Quốc dùng tàu cá làm lực lượng bành trướng chủ quyền ở Biển Đông.


Các tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)

Các tàu cá Trung Quốc (Ảnh: Chinadaily)

Tuyên bố trên được Bí thư tỉnh Hải Nam Luo Baoming đưa ra ngày 7/3 trong kỳ họp thường kỳ của quốc hội Trung Quốc đang diễn ra tại Bắc Kinh.

“Nếu có thể nói rằng chúng tôi muốn bảo vệ quyền và lợi ích ở Biển Đông thì các ngư dân là bằng chứng cho quyền và lợi ích của chúng tôi”, ông Luo nói khi trả lời một câu hỏi của Reuters.

Giới chức tại Hải Nam đã khuyến khích ngư dân tới các khu vực tranh chấp và chính phủ trợ cấp cho họ để thực hiện các chuyến đi tới các vùng biển xa bờ.

Trong những năm gần đây, các ngư dân Trung Quốc đã liều lĩnh tiến sâu vào các vùng biển gần Đông Nam Á để tìm kiếm các ngư trường mới khi các nguồn tài nguyên gần bờ ngày càng cạn kiệt.

Các chuyên gia nói rằng Trung Quốc đang dùng các tàu cá thuộc sở hữu tư nhân và tàu đánh bắt thương mại để bành trướng và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

“Chúng tôi khuyến khích các ngư dân đi xa và hỗ trợ họ vì họ cần cá để sống”, ông Luo nói, cho biết thêm rằng chính phủ hỗ trợ tài chính cũng như nhiên liệu cho họ.

Trung Quốc từ lâu đã bị “tố” sử dụng tàu cá để bành trướng và bảo vệ các tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Ngoài ra, tàu cá còn là phương tiện thu thập thông tin tình báo, một cách thức tiện lợi mà không tốn kém.

Khi được hỏi về các nguồn tin nói rằng Trung Quốc đang thực hiện vào các hoạt động cải tạo phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa, một quan chức khu vực đã liệt kê các hoạt động như xây dựng bãi neo đậu tàu thuyền, phát triển cơ sở hạ tầng và cải tạo chống xói mòn và các thảm họa thiên nhiên khác.

Tuy nhiên, Xiao Jie, người đứng đầu cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, không tiết lộ chính xác các hoạt động đang diễn ra tại đó.

Trung Quốc đã thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” vào năm 2012 để quản lý trái phép cá quần đảo ở Biển Đông.

Trung Quốc còn đang phát triển trái phép cơ sở hạ tầng cho internet không dây trên 15 trong số các đảo và bãi đá, các quan chức Hải Nam cho biết, nhưng không tiết lộ chi tiết.

Trung Quốc cũng bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ trong những tháng gần đây vì các hoạt động cải tạo đất tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

An Bình